Khoảng bốn giờ sáng, những tiếng chuông ping poong phía bên xóm đạo lại đổ dồn. Chỉ có dịp về quê như lần này, Hương mới lại được nghe những âm thanh quen thuộc như vậy. Lắng nghe hết mấy hồi chuông, cô lại rúc mình vào trong chiếc chăn bông ấm áp. Cô vòng tay ôm ngang bụng mẹ y như những ngày còn bé thơ. Hình như mẹ cũng đã tỉnh giấc. Mẹ trở mình, ôm cô vào lòng.
– Đêm rồi ngủ ngon không mẹ? – Cô khẽ hỏi.
– Ngon! Còn con?
– Ngon hơn những đêm Sài Gòn mẹ ạ!
– Ừ!
Cô lại rúc vào lòng mẹ, nghe hơi ấm đang toả ra từ cơ thể mẹ mà cảm thấy nghẹn ngào. Thật, chẳng có gì bằng được trở về nhà mình, được vùi đầu vào lòng mẹ mà ngủ một giấc thật sâu trong những đêm có gió mùa đông – bắc như thế này. Bố cô mất đã lâu. Mẹ ở vậy nuôi hai chị em cô khôn lớn. Chị Hường hơn cô ba tuổi, hiện là giáo viên cấp một trường làng. Chị khá đẹp, có khối người dòm ngó nhưng chị bảo: chưa muốn “chống lầy!”. Nhưng nghe đâu, chị đang yêu anh Chương, một giáo viên cùng trường. Những đêm trước, hai chị em ngủ chung giường, một hôm sáng ra, chị Hường lên án: “Con này ngủ hay ôm, gác, và đạp bừa! Tối nay, cho mày sang ngủ giường mẹ!” – Vậy là cô được ngủ chung với mẹ.
Sáng. Mẹ dậy sớm nhất. Trong khi hai chị em vẫn cuộn tròn, cố thủ trong những chiếc chăn bông, mẹ đã xuống bếp nổi lửa, chiên bánh xèo xèo. Những khoanh bánh Chưng cuối cùng của ngày tết được thả vào chảo mỡ, bốc mùi thơm nức. Sau một hồi vất vả nữa, mẹ mới lôi được hai chị em ra khỏi chăn. Cả nhà xúm quanh chiếc bàn có đĩa bánh vàng ươm, thơm ngon khó tả.
– Ăn xong, hai đứa ra đồng hái Ngô giúp mẹ!
– Vâng! – Hai chị em đồng thanh trả lời.
***
Cánh đồng ngô rộng bạt ngàn. Đứng trên đường làng, Hương sung sướng phóng tầm mắt lướt qua những thửa ruộng trải rộng về tận phía chân trời, lòng thấy nao nao lạ. Quê hương đáng yêu quá đi mất. Cô muốn được nhìn một hồi thật lâu cho con mắt thật no nê…
– Đi nhanh nhanh lên một tí! Tao đá phải gót bây giờ! – Phía sau, chị Hường hối thúc.
Cô lại bước nhanh hơn theo sát mẹ.
Đến ruộng ngô nhà mình, cô xắn quần cao ngang gối, lội xăm xăm vào ruộng cùng chị Hường và mẹ. Những bắp ngô to bằng bắp tay, chỉ một lát nữa thôi sẽ được chở về nhà và chẳng bao lâu nữa, biết đâu sẽ được mẹ đưa ra chợ. Mẹ thường gom góp những đồng tiền ít ỏi thu được từ những mảnh ruộng bạc màu để gửi vào Sài Gòn cho cô ăn học. Thương mẹ và chị Hường vất vả, tết năm ngoái cô quyết định không về, đỡ tốn kém. Một bọn con gái hoàn cảnh giống nhau gom lại một phòng, cùng ăn tết. Trong phòng cũng có đủ nào bánh kẹo, hoa Mai cùng bánh Chưng, dưa Hấu đỏ? vậy mà cả bọn vẫn thấy buồn kinh khủng. Phút giao thừa, một đứa buột miệng: “Giá như lúc này được ở nhà!” – làm cả bọn mủi lòng. Cả phòng lặng đi dễ đến… mười phút. Có đứa gục đầu vào tường khóc rưng rức… “Tết sang năm tao sẽ cố về!” – Một đứa không chịu nổi, thốt lên rồi xìu mặt: “Nhưng liệu sang năm, có tiền không mà về?”. Năm nay, cô cũng định không về nhưng mẹ và chị Hường động viên: “Cứ về ăn tết cho vui cửa vui nhà! Tiền bạc, mẹ và chị sẽ cố lo!” – Năm nay lại được nghỉ sớm, thế là cô quyết định về, vẫn biết một cặp vé tàu với gia đình cô, không rẻ.
Gánh những gánh bắp lên đường cái, đổ vào chiếc thùng xe bò cho đầy ắp. Xong, cô leo lên xe, quất con bò một roi. Con bò hiểu ý chủ, gò lưng kéo chiếc xe đi về làng. Hương ngồi trên xe, quất bò như một đứa con trai. Ngày còn ở nhà, cô vẫn thường làm công việc này. Dạo đó, cô thường để tóc ngắn. Mọi người thường gật đầu, đùa: “Thằng này giỏi ghê!” – Cô cười toét miệng. Mẹ vẫn thường ao ước: “Giá như một trong hai đứa là con trai!”. Cô không phải con trai nhưng có tính con trai, khác hẳn với cái vẻ lả lướt, điệu đà của chị Hường. Mẹ thường đùa: “Lẽ ra nó phải là con trai, chắc tại Bà Mụ nắn nhầm!”. Chỉ đến khi những nét con gái lộ dần, mọi người mới bớt nhầm lẫn. Cô đã để tóc dài và đến khi vào đại học thì cái vẻ tinh nghịch giống một thằng con trai biến mất.
Con bò vẫn tiến từng bước, từng bước lặc lè. Cô nhảy xuống đất cho chiếc xe bớt nặng.
– Hương ơi, chừng nào con đi? – Một người quen đi ngang chợt hỏi.
– Dạ, mai!
– Sao đi sớm thế?
– Đến ngày con phải vào học rồi!
– Ờ, sang năm lại về nhá!
– Tốn kém lắm, khi nào ra trường con mới về!
– Vậy hả? Ráng học tốt nhé con!
– Dạ, vâng!
Người khách thôi không hỏi nữa, chỉ đứng nhìn theo. Cô mỉm cười. Mới có một cái tết không về mà ai cũng mong, cũng nhớ. Mai mốt, chắc bà con dòng họ chẳng ai muốn cho cô đi lấy chồng thiên hạ! – “Trai làng này thiếu gì!” – Mọi người vẫn thường nói thế mỗi khi thấy một ai đó có ý định lấy chồng xa xứ. Cô lại tủm tỉm cười: “Nhưng mà bọn con trai làng này… ngốc lắm!”.
Tối. Mẹ nấu một nồi canh cá, cả nhà chan bún, húp xì xụp. Sau mấy ngày tết, nhìn vào mâm cơm vẫn thấy ngán ngẩm. Mẹ cô bảo, nấu nồi canh cá, chan bún ăn cho đỡ? ngán. Sáng mai cô đi rồi. Đây là bữa cuối cả nhà quây quần.
Chị Hường ra lệnh:
– Tối nay mày sang ngủ với tao!
– Chị không sợ em làm mất giấc ngủ sao?
– Không! Đêm nay chị em mình trò chuyện đến khuya nhé!
– Dạ được, mai lên tàu, em ngủ bù! Chỉ lo cho chị thôi!
– Không sao, chiều mai chị mới phải lên lớp!…
Ăn cơm xong. Mẹ gói ghém hành lý cho cô, không quên nhét vào vali của cô ít bánh kẹo:
– Mang vào làm quà cho mấy đứa bạn cùng phòng! Tội nghiệp, cả năm có mỗi cái tết mà không về với gia đình được!
Rồi mẹ dặn dò đủ thứ?
– Mẹ đừng quá lo, con lớn rồi!
– Lớn gì, khôn nhà nhưng còn dại chợ, mẹ dặn không thừa đâu!
Cô bụm miệng cười…
Chị Hường cũng thêm vào:
– Đất Sài Gòn chứ có phải đất quê nhà mình đâu!
– Em biết rồi!
Khuya. Cô leo lên giường chị Hường. Hai chị em cuộn tròn trong chăn một lúc thì nghe hơi ấm. Cô xoay người, gác một chân lên ngang hông chị Hường:
– Tao bảo rồi, không được gác! Cái giò mày nặng như cột đình, ai mà chịu nổi!
Cô lại cười híc híc:
– Cho em gác, một đêm nay nữa thôi!
– Không được! Khó chịu lắm! Ráng học vài năm cho xong rồi kiếm thằng chồng, tối tha hồ mà gác!
– Thế còn chị, chừng nào mới chịu lấy chồng?
– Tao hả, còn lâu!
– Thế, chị định bắt anh Chương chờ đến bao giờ?
Chị Hường bụm miệng cười:
– Kệ cho hắn ta chờ mỏi mắt!
– Sao chị ác với anh ta thế?
– Vì hắn ta còn… ngốc lắm và nhát như thỏ đế!
– Nhát, là sao hả chị?
Chị Hường xoay người sang ôm lấy cô:
– Ai đời, là con trai, có mỗi chữ yêu mà không dám nói! Mà thôi, dẹp cái chuyện của chị đi! Còn em, đã yêu thằng nào chưa?
– Dạ, chưa!
Cô trả lời một cách hồn nhiên. Năm rồi, cũng có một “thằng” học cùng lớp muốn đeo đuổi cô nhưng nhìn hắn đáng ghét lắm. Phải chi được như anh Chương của chị Hường, cũng đỡ. Ngược lại với anh Chương, hắn lì như thớt nghiến. Nhưng cô còn… lì hơn. Kết quả, anh chàng ấy đành phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Bên phía giường mẹ, có tiếng cót két. Hình như mẹ mới trở mình. Hai chị em đành giảm bớt “volume”, tiếp tục thầm thì…
… Chẳng mấy chốc, tiếng chuông bên xóm đạo lại ping poong đổ dồn.
Đã bốn giờ sáng.
– Thôi, tranh thủ chợp mắt một chút đi!
Chị Hường quyết định. Rồi chị Hường quay sang ôm lấy cô, gác một chân lên đùi cô. Cái giò chị Hường không nặng như cột đình. Để yên cho chị Hường gác, cô nhủ thầm: Biết đâu đây là đêm cuối hai chị em được ngủ chung với nhau. Mai mốt, khi cô ra trường, có thể chị Hường đã có gia đnh rồi…
Hương cũng quay sang, ôm chặt chị Hường rồi ngủ thiếp đi. Một giấc mơ nhẹ nhàng chợt thoảng qua, cho cô một cảm giác bồng bềnh, bồng bềnh…
(Sài gòn 2006)
CHU QUANG MẠNH THẮNG
Đang truy cập: 28
Trong ngày: 195
Trong tháng: 24251
Tổng truy cập: 577162