“Ma Rô và con chó hoang” là một đoạn trích trong tác phẩm “Từ khi không còn mẹ” của Chu Quang Mạnh Thắng. Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2004 do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Năm 2014, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội đã xuất bản thành sách chữ nổi, dành cho các độc giả khiếm thị (Tủ sách Nhịp cầu thế giới).
(Nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng)
Ma Rô nằm co quắp trong chiếc lều tranh cạnh bãi rác. Tiết trời đã sang đông. Gió rất lạnh. Ma Rô rùng mình, nó với tay kéo một chiếc bao tải rách đắp lên người.
Trời gần sáng. Như thường lệ, lẽ ra nó đã có mặt bên những đống rác và bắt đầu một ngày làm việc để kiếm sống. Hôm nay lạnh quá, cộng thêm cái đói làm nó uể oải. Tối hôm qua, nó chỉ ăn một khúc bánh mì khô cứng. Hãy còn một khúc nữa, nó gài trên vách, để dành ăn bữa sáng trước khi đi làm.
Ma Rô muốn nằm nướng thêm một chút nữa. Nó chưa muốn chui ra khỏi chiếc bao tải rách nát. Chợt có những tiếng léo nhéo từ xa vọng lại. “Bọn nào thế nhỉ?” – Ma Rô liền vùng dậy, lấy khúc bánh mì còn lại ra nhai vội. Mới để qua một đêm mà khúc bánh đã khô cứng và lạnh ngắt như một cục đá. Nó khó nhọc nhai từng miếng rồi nhướn cổ lên nuốt…
Ăn xong, Ma Rô chui ra khỏi lều. Đứng kiễng chân ngó về phía có những tiếng nói léo nhéo, nó thấy một bọn trẻ gồm năm đứa cả trai lẫn gái đang bu quanh một đống rác mới đổ hồi đêm. Đứa nào cũng đen chùi chũi. Chúng đang tranh giành nhau từng chiếc lon bia rỗng và những mảnh ni lông vụn… Đôi mắt chúng soi mói nhìn như xoáy vào từng mớ rác mà chúng đang cào lên. Những gì có thể lấy được, chúng bỏ hết vào bao tải. Những hộp nhựa, những mẩu dây điện, những miếng kim loại vụn… mà người ta mang tới đây, đã nuôi sống chúng ngày này qua ngày khác.
Cầm chiếc móc sắt và chiếc bao tải rách, Ma Rô lao ra đống rác, nơi có năm đứa trẻ đang xúm lại xâu xé… Phải nhanh tay kẻo tụi kia nhặt hết. Ma Rô ra sức cào bới, nó vơ vội mấy chiếc hộp nhựa bỏ vào bao rồi lại chổng mông lên cào. Bỗng: “bốp!” – Một cú đá bất ngờ phang vào mông làm Ma Rô ngã chúi xuống đống rác hôi thối. Nó lồm cồm bò dậy. Trước mặt Ma Rô, năm đứa trẻ chống móc sắt đứng gườm gườm như muốn ăn tươi nuốt sống đối thủ. Thằng con trai lớn nhất bọn tiến lên, nó dùng móc sắt móc vào cổ áo Ma Rô kéo mạnh: Xoẹt! – Chiếc cổ áo như đã bị mục sẵn, bị thằng con trai lạ kéo đứt tung. Ma Rô tức giận giựt mạnh chiếc móc sắt trên tay thằng con trai quăng ra xa:
– Chúng mày muốn gì? – Ma Rô cũng vung chiếc móc sắt của mình lên cao.
– Đây là đống rác của bọn tao! – Thằng con trai lại sấn tới.
Ma Rô lùi lại một chút. Bị năm kẻ lạ mặt vây quanh nhưng Ma Rô không hề sợ. Những cuộc đụng độ như thế này thường xảy ra như cơm bữa. Vì thế, nó vẫn bình tĩnh như không có gì xảy ra, mặc dù chỉ có một mình.
Năm đứa trẻ vẫn vây quanh Ma Rô nhưng không đứa nào dám tới gần. Lần nào mà chẳng thế! Ma Rô cười khẩy, nó còn lạ gì mấy cái bọn này. Chúng chỉ cậy đông thôi! Mà đông thì đông, Ma Rô cũng đâu cần đánh nhiều. Chỉ cần đập cho thằng đầu xỏ một cái, lập tức nó sẽ kéo cả đám bỏ chạy, dễ như trở bàn tay.
– Nhào vô tụi bay!
Thằng con trai lớn nhất cất tiếng. Nó cũng chưa kịp nhào vô, đã nghe vút một cái. Nhanh như tia chớp, cánh tay nó bị trúng đòn, đau như muốn rời ra. Nó liền lùi lại một chút. Tức thì bốn đứa kia cũng vội giãn ra.
Chống cái móc sắt xuống đất, Ma Rô chằm chằm nhìn năm đứa trẻ. Chúng vẫn xoay vòng quanh Ma Rô như năm chiếc vệ tinh. Ma Rô nhìn như xoáy vào đôi mắt thằng lớn nhất khiến nó hốt hoảng phải lùi lại.
Lừng lững tiến lên, mắt vẫn nhìn chằm chặp, bất ngờ, Ma Rô hét một tiếng:
– Biến!
Thằng con trai giựt nảy mình. Như một phản xạ tự nhiên, nó lao vội đi. Bốn đứa còn lại cũng vội vàng tháo lui. Lúc này, nhìn Ma Rô thật hung tợn.
Bọn kia đi rồi, Ma Rô lại cúi xuống, tiếp tục moi móc, tìm kiếm xung quanh đống rác …
* * *
Buổi trưa. Ma Rô mang những thứ vừa kiếm được tới một điểm thu mua phế liệu. Một người đàn bà phốp pháp liếc nhìn nó:
– Hôm nay kiếm được nhiều không?
– Dạ, cũng khá! Dì coi được nhiêu?
– Đổ ra tao coi!
Ma Rô mở bao, nó chút ra một đống vỏ đồ hộp bằng kim loại và bằng nhựa. Người đàn bà đong đong, đếm đếm rồi lẩm nhẩm:
– Chỗ này, được hai ngàn năm trăm đồng!
– Dì cho con thêm chút đỉnh! Hôm nay con đói quá!
– Cái thằng này, lần nào cũng vậy! Thôi này, tao cho thêm năm trăm! Rồi, đi đi!
– Dạ, cám ơn dì!
Cầm món tiền vừa thu được, Ma Rô thả bộ dọc vỉa hè. Tới một hàng bánh mì, bà lão bán bánh có lẽ đã quá quen với nó. Không cần hỏi một câu, bà lặng lẽ lấy một chiếc bánh còn nóng hổi. Bằng những động tác nhanh nhẹn và khéo léo, bà cầm dao rạch chiếc bánh, nhét vào đó một hai miếng thịt, vài cọng rau thơm và một lát ớt thái mỏng. Xong, bà lão đưa cho Ma Rô:
– Nè! Một ngàn năm trăm đồng!
Rút tiền trả cho bà lão. Ma Rô lại bước đi tiếp. Vừa đi, nó vừa nhai bánh mì. Hôm nay, nó cảm thấy rất ngon miệng. Trong túi hãy còn một ít tiền nữa, đủ để ăn bữa tối.
* * *
(Tác phẩm Từ khi không còn mẹ)
Ma Rô trở về túp lều cạnh bãi rác. Gần đó, một đống rác mới đổ, có một bọn đang lui cui bới. Chúng lôi ra được khá nhiều thứ. Ma Rô nhìn chúng thèm thuồng. Tiếc rằng nó đã về quá muộn. Đống rác bây giờ đã thuộc quyền sở hữu của bọn kia.
Không muốn có thêm một cuộc đụng độ, Ma Rô chui vào lều. Thỉnh thoảng, nó lại liếc mắt nhìn về phía con đường lầy lội, chờ đợi sự xuất hiện của một xe rác mới.
Buổi chiều, Ma Rô chỉ lượm được nửa bao. Nó lại mang đi bán và thu về được một ngàn đồng. Hôm nay, nó cảm thấy rất vui.
Buổi tối. Lang thang tới một chiếc quán cà phê ven đường, Ma Rô xòe tay ra trước mặt một vị khách:
– Chú làm ơn cho con…
– Hết tiền lẻ rồi!
Bị một giọng nói khó chịu cắt ngang, Ma Rô liền quay sang một chỗ khác:
– Bác cho con xin hai trăm, con đói!…
Ma Rô xòe tay ra trước mặt một người đàn ông. Thản nhiên như không nghe thấy gì, ông ta rít một hơi thuốc rồi nhả khói bay mù mịt. Ma Rô ho sặc sụa…
– Thằng nhóc này hôi quá! Đi chỗ khác mày!
Ma Rô quay đi, nó tới gần một đôi thanh niên nam nữ. Mới khoanh hai tay, chưa kịp nói một câu, nó đã thấy một người phụ nữ rít lên:
– Đi ra ngoài! Chỗ người ta làm ăn buôn bán!
Đó là bà chủ quán. Ma Rô đành lui ra. Nó lại đi lang thang. Tối nay hẻo quá! Nó bèn ngước lên nhìn bầu trời đầy sao sáng:
– Này nhỏ!
Ma Rô giật mình quay lại. Một người đàn ông mập mạp đang đứng bên chiếc xe Honda vẫy nó. Ma Rô tiến lại gần:
– Chú kêu con?
– Ừ! Đẩy giúp tao cái xe mầy! Tao đạp hoài không nổ!
– Chú cho con nhiêu?
– Cái gì? Tiền hả? Mày cũng khá lắm, biết lợi dụng hoàn cảnh, đẩy đi rồi tao cho!
Không cần đợi người đàn ông năn nỉ thêm, Ma Rô liền cong lưng đẩy cho chiếc xe từ từ chuyển động. Chiếc xe chết máy cộng thêm một ông chủ to quá cỡ. Ma Rô nghiến răng, cố hy vọng sẽ kiếm thêm được một ít thù lao. Chiếc xe đã chạy nhanh dần: Xoạch! – Người đàn ông gài số, chiếc xe giựt lên một cái rồi lao vụt đi. Ma Rô mất đà, nó chới với vồ hai tay xuống mặt đường. Một luồng khói đen phun vào mặt, nó nhắm mặt ho sặc một hồi. Khi nó mở được đôi mắt, chiếc xe đã biến mất. Ma Rô tức giận chửi với theo:
– Cái … lão già … chết… mập!
Đi hết một dãy phố, không xin thêm được đồng nào. Trời đã khuya, nó lại mua một ổ bánh rồi quay về. Xé đôi ổ bánh, nó ăn một nửa. Còn một nửa cất đi, để dành sáng mai.
Trời vẫn lạnh. Ma Rô lại chui vào chiếc bao tải rách. Nó nhắm mắt, quyết định ngủ một giấc thật sâu. Ngày mai phải thức dậy thật sớm, nếu không sẽ chẳng kiếm được gì!
* * *
Sáng sớm hôm sau, tuy còn rất lạnh, Ma Rô vẫn quyết định vùng dậy. Trời còn tối lờ mờ. Ăn sáng xong, nó dò dẫm bước tới một đống rác mới đổ hồi đêm. Ma Rô cầm móc sắt, vừa móc vừa gõ. Nghe tiếng kêu phát ra nơi đầu móc sắt, nó có thể đoán được chính xác đó là vật gì? Đồ hộp bằng kim loại? Chai thủy tinh hay một mớ ni – lông?…
Ngày nào, Ma Rô cũng phải thức dậy sớm như thế này. Đã hai năm trôi qua, nó phải tự kiếm sống. Nó không có nhà cửa. Không có cha. Cũng không có ai thân thích ngoài một người phụ nữ mà nó vẫn thường gọi là mẹ. Mẹ nó cũng là một kẻ lang thang. Cha nó là ai? Nó chưa kịp hỏi điều ấy thì mẹ nó đã mất.
Nó sống nhờ bãi rác này đã hai năm nay, kể từ khi mẹ nó mất đi. Ban ngày, nó đi bới rác. Ban đêm, nó đi ăn xin. Khuya, nó lại trở về và ngủ qua đêm trong túp lều rách nát cạnh bãi rác. Nó sống như thế, thui thủi một mình. Tên nó là thằng Rô nhưng bọn trẻ lang thang lại gọi nó là “Ma” Rô, bởi nó đen đủi, còm nhom như một chú khỉ già. Không ai biết nó bao nhiêu tuổi? Cũng không ai đoán được chính xác tuổi của nó. Nhìn đôi mắt sáng quắc như dao, người ta đoán nó khoảng hơn chục tuổi. Nhìn thân hình còm nhom, “tối” như đêm ba mươi tết của nó, người ta lại đoán khoảng mười tuổi là cùng.
Trước đây, Ma Rô thường theo mẹ “làm nghề” ăn xin. Đi khắp các hang cùng, ngõ hẻm, nó được biết bao nhiêu là thứ chuyện. Những đêm mưa gió lạnh tê người, mẹ nó ôm chặt nó vào lòng rồi trùm lên một cái mền rách bươm. Hai mẹ con nó nằm co quắp trên các vỉa hè, hết đêm lại dắt nhau đi…
Mẹ nó, một người đàn bà xanh xao, gầy guộc. Đôi mắt lúc nào cũng buồn thăm thẳm. Suốt ngày, chẳng mấy khi nó thấy bà cười. Bà thường khóc nhiều hơn vui. Nó cũng không hiểu vì sao bà lại hay khóc? Cũng chẳng bao giờ, bà nói cho nó biết điều đó. Có lẽ, do nó còn quá nhỏ!
Hai năm trước, vào một đêm cũng lạnh như thế này, Ma Rô vùi vào lòng mẹ, nó ngủ một giấc thật ngon lành. Tới sáng, không thấy mẹ nó thức dậy như mọi khi, nó bèn tung mền chui ra. Mẹ nó vẫn nằm im. Nó lay gọi, mẹ nó vẫn không trả lời. Toàn thân mẹ nó lạnh cứng. Nó sợ hãi khóc thét lên … “Mẹ nó chết rồi!” – Người ta bảo thế! Nó lại càng khóc to hơn. Mọi người tò mò xúm đen, xúm đỏ… Mấy người đại diện cho chính quyền địa phương hay tin, cũng kéo nhau xuống nghiêng ngó một hồi, rồi ra lệnh mang mẹ nó đi chôn.
Từ ngày mẹ nó mất đi, cũng chẳng có ai thèm ngó ngàng tới nó. Thật run rủi vì nó đã bị bỏ quên, không được người ta nhặt rồi đem vào những mái ấm, nhà mở, giống như những đứa trẻ mồ côi khác.
Bơ vơ như một con thú nhỏ bị bỏ rơi, nó sống lang thang khắp các đường phố, khu chợ… Khi thì nó xin được nắm xôi, khi thì xin được miếng bánh. Nó sống cầu bơ, cầu bất như thế cho đến bây giờ. Rồi nó bước vào làm nghề bới rác. Hôm nào trúng mánh, nó cũng kiếm được vài ngàn đồng. Có ngày, nó cũng đói nhăn răng. Đêm nằm, bụng réo ùng ục. Cộng thêm cái lạnh và những đàn muỗi to như những… con ong tra tấn, nó không thể nào ngủ yên được. Những lúc ấy, nó thèm khát được ngủ trong một căn nhà ấm cúng có ánh đèn leo lét. Nó ước ao ngày nào cũng được ăn một tô cơm nóng bốc khói và được đi học… Những thứ đó, đối với nó, có lẽ sẽ chẳng bao giờ có được. Nó cũng biết thế nhưng mà nó vẫn luôn ao ước và thèm khát. Lắm lúc, nó thèm đến cháy ruột…
* * *
Hôm nay, nó lại trúng mánh lớn. Mặt trời vừa mới nhô lên khỏi bụi cây, Ma Rô đã bới tung một đống rác, thu được một bao chiến lợi phẩm. Nó hãnh diện vác chiếc bao ra khỏi bãi rác trước những con mắt thèm thuồng của hàng chục đứa trẻ nhếch nhác khác.
Người đàn bà phốp pháp lại đong đong đếm đếm và trả cho nó hai ngàn năm trăm đồng, cộng thêm năm trăm đồng tiền bố thí. Ma Rô vui mừng, mới sáng ra, nó đã có được những ba ngàn đồng. Nó không thèm quay trở về bãi rác vì lúc này, ở đó đã có hàng chục đứa trẻ khác đang xâu xé, tranh giành nhau …
Tới bên những đống rác công cộng, Ma Rô moi ra được khá nhiều những bịch ni – lông nho nhỏ, nó gom lại bỏ vào bao.
Tới một dãy phố đông đúc, Ma Rô thấy người ta bày ra đủ thứ hàng hoá trên vỉa hè, kẻ bán người mua tấp nập y như một cái chợ. Ma Rô không dám tới gần, nó đứng từ xa chiêm ngưỡng những bộ quần áo may sẵn được treo bày la liệt. Nó cũng ước ao có một bộ mới để thay cho bộ đồ mục nát mà nó đang mặc trên người.
Một bà mẹ dắt theo một đứa bé khoảng sáu, bảy tuổi đi ngang qua trước mặt Ma Rô rồi dừng lại trước một quầy hàng. Để ý thấy bà mẹ lựa hết món này tới món khác, cậu quí tử vẫn lắc đầu quầy quậy, Ma Rô bực tức: “ Nhóc con mà cũng biết kén chọn!”. Chợt, Ma Rô quay sang phía một thanh niên đang láo liên đứng bên cạnh người đàn bà. Hắn ngó vòng quanh rồi nhanh như chớp, giựt tung chiếc sợi dây chuyền óng ả trên cổ người đàn bà.
– Có kẻ giựt đồ! – Người đàn bà vội la lên.
– Cướp! Cướp! Bắt lấy nó!…
Một vài người thốt lên và không ngại ngùng lao theo tên cướp. Trên vỉa hè, gã thanh niên chạy nhanh thoăn thoắt. Mấy người đàn ông khỏe mạnh đang bám theo sát gót. Tiếng tri hô vang khắp đường phố. Mọi người rầm rập đuổi theo. Một chiếc xe mô tô từ đâu bỗng rú ga lao xẹt qua trước mặt mọi người, rà sát bên cạnh tên cướp.
– Lên xe mau! – Tên cầm lái cũng có vẻ hấp tấp.
Tên cướp nhảy phắt lên sau xe. Chiếc mô tô lại rồ ga lao vụt đi. Mọi người bỗng châng hẩng.
– Tụi này to gan thật! – Một người rít lên.
– Mẹ nó, giữa ban ngày, ban mặt! – Một người khác.
Vài người rụt cổ, lắc đầu:
– Dạo này, trộm cướp cứ như rươi, ớn quá!
– Đi báo công an, mau lên! – Một người tỏ vẻ nhanh nhẹn.
– Phải đấy! Có ai nhớ số xe của bọn chúng không?
– Ôi dào, số má gì? Toàn biển số giả đấy! Phải nhớ mặt bọn chúng mới được!
– Ờ, mà có ai nhớ mặt bọn chúng không?
Một lần nữa, mọi người lại châng hẩng. Trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, quả thực cũng không có ai kịp ghi chép được bộ mặt của hai tên lưu manh vào bộ nhớ. Mọi người lại xôn xao một lúc nữa rồi mới chịu tản ra.
Ma Rô co rúm lại vì sợ hãi. Vừa rồi, nó đã được chứng kiến tất cả. Gã thanh niên kia to gan thật, dám giựt đồ trước đám đông. Trong số những người được chứng kiến, có lẽ chỉ mình Ma Rô là có thể nhớ rõ được bộ mặt của tên cướp nhưng lại chẳng có ai thèm để ý tới nó. Nhún vai, Ma Rô lại bước đi tiếp.
* * *
Buổi trưa, Ma Rô ghé vào một hàng cơm trên vỉa hè. Bà bán cơm liền nắm cho nó một cục cháy to bằng nắm tay. Ma Rô vội vã cám ơn. Vậy là số tiền trong túi vẫn còn nguyên. Nó muốn dành dụm mỗi ngày một ít để mua một bộ quần áo si – da, mặc cho đỡ… ngứa!
Chiều, Ma Rô lại thu về được một ngàn đồng, tiền bán giấy vụn và mớ ny – lông nhặt trong các thùng rác công cộng. Trời vẫn còn sớm, Ma Rô quyết định trở về nhà một chút.
Về tới bãi rác, Ma Rô bỗng giật bắn mình vì một đàn chó chợt xô ra từ đống rác gần đó. Chúng cắn nhau inh ỏi. Ma Rô để ý thấy một con chó khoang bị ba, bốn con chó khác nhảy chồm tới xâu xé. Con khoang yếu thế, nó bị đè xuống đất, miệng kêu ăng ẳng. Có lẽ, nó bị cắn đau lắm! Thương quá, Ma Rô liền cầm móc sắt lao vào bầy chó. Nó đập tới tấp vào những con chó hung tợn nhất. Bị đánh đuổi, bầy chó vội tháo chạy, bỏ lại con khoang nằm chỏng trơ một mình. Con khoang lấm lét nhìn Ma Rô, người nó run bắn khi Ma Rô tiến lại gần. Nó cố nhổm dậy, định bỏ chạy nhưng có lẽ do đau quá, nó chỉ lết đi được từng bước nhỏ. Ma Rô lấy móc sắt giữ con khoang lại. Con chó sợ hãi rên ư ử. Ma Rô cầm móc sắt gãi nhẹ vào bụng nó. Cử chỉ thân mật ấy khiến con khoang cảm thấy yên tâm hơn. Nó không còn ý định bỏ chạy nhưng đôi mắt vẫn lấm lét nhìn Ma Rô không rời.
– Nằm yên nào! Tao không đánh mày đâu! Tại sao mày lại đi giành ăn với tụi nó? Mày đói lắm phải không?
Ma Rô ngồi xuống, nó vỗ về con khoang như đã thân quen từ lâu lắm. Con khoang vẫn run lập bập, cái bụng nó đói xọp. Hèn chi, nó bị lũ chó hung dữ kia ăn hiếp. Đói quá mà, làm sao cắn lại bọn chúng nó. Bẻ một miếng cháy, Ma Rô đặt xuống trước mặt con chó:
– Ăn đi! Tao nhường cho mày đó! Tao cũng đang đói đây nhưng có lẽ, mày còn đói hơn nhiều!
Con chó liếc nhìn miếng cháy, vẻ thèm thuồng nhưng vẫn không dám ăn. Nó lại ngẩng nhìn Ma Rô như muốn dò hỏi điều gì?
– Ăn đi! Đừng sợ! Tao không bỏ độc đâu!
Ma Rô lại bẻ thêm một miếng cháy. Nó cắn một nửa nhai ngon lành, còn một nửa, nó lại thả xuống trước mặt con chó:
– Ăn đi! Tuy nguội và hơi cứng, nhưng mà ngon lắm!
Con khoang vẫn nhìn Ma Rô không chớp. Ma Rô đành đứng dậy:
– Mày sợ à? Vậy thì tao đi đây!
Chui vào chiếc lều, Ma Rô nằm lăn xuống chiếc bao tải rách. Nó lôi những tờ giấy bạc ra đếm. Tối nay, nó lại đi xin, thế nào chẳng có được một chút để bỏ vào bụng. Số tiền này, nhất định nó sẽ giữ lại, để dành mua một bộ quần áo si – da. Nó nhét những tờ giấy bạc nhầu nát vào túi quần rồi ngủ thiếp đi được một chút.
Chập tối, Ma Rô chợt tỉnh giấc. Nó vội vàng vùng dậy. Gấp chiếc bao tải, Ma Rô gác lên vách rồi chui ra ngoài. Nó lại đi ra đường để xin tiền. Chợt nhớ tới con chó, nó quay lại nhìn. Con chó vẫn nằm gần đó nhưng mấy miếng cháy đã biến mất. Ma Rô mỉm cười:
– Mày đi không nổi nữa hả? Đói quá mà! Ráng nằm chờ, chừng nào về, tao sẽ cho ăn thêm!
Rồi Ma Rô đi ra phố. Không muốn chui vào những chiếc quán cà phê như hôm qua, nó lang thang tìm tới một rạp hát. Đêm nay, chắc có tiết mục mới nên người ta đi coi khá đông. Len lỏi trong đám người lịch sự trước cửa rạp, nó xoè tay xin. Thỉnh thoảng, cũng có người dúi vào tay nó một, hai tờ bạc lẻ. Tới giờ biểu diễn, cửa rạp vắng hoe. Cầm nắm giấy bạc vo viên, Ma Rô chạy tới một cái cột đèn, nó vuốt ve cho phẳng rồi đếm. Được tất cả gần hai ngàn đồng.
Ma Rô mua một ổ bánh mì, nhét vào bụng cho qua bữa tối. Chợt nhớ tới con chó, không ngần ngại, nó mua thêm một ổ nữa rồi quay về.
Đêm khuya, bãi rác tối thui. Ma Rô mò mẫm tìm được con chó rồi ôm vào lều. Con chó vẫn run lẩy bẩy. Có lẽ nó run vì đói chứ không phải vì sợ nữa. Xé đôi chiếc bánh, Ma Rô cất đi một nửa. Còn một nửa, nó xé nhỏ, đút vào miệng con khoang. Con chó ghếch mõm lên nhai. Nó ăn ngấu nghiến một lúc hết nửa cái bánh.
Ma Rô vui mừng:
– Tốt! Bây giờ thì ngủ đi! Sáng mai, tao cho ăn nữa!
Ma Rô trải chiếc bao xuống nền đất rồi ôm con khoang vào lòng. Có thêm con chó, Ma Rô cũng cảm thấy ấm áp hơn. Con chó đã bớt run, nó rúc vào lòng Ma Rô như một đôi bạn thân rồi cả hai bắt đầu chìm vào những giấc mộng không bao giờ có thực. Thỉnh thoảng, Ma Rô lại giật mình gãi sột sột. Muỗi nhiều quá! Nó bèn kéo bao tải trùm kín người rồi lại ngủ tiếp…
* * *
Trời gần sáng. Con khoang chui ra khỏi cái bao tải rách, nó đã cảm thấy khỏe hơn hôm qua. Chui ra khỏi lều, nó lạng quạng bước tới một đống rác mới đổ. Nó cúi xuống hít hít, tìm những đồ ăn thừa. Bới được một món gì đấy? Nó liền nhai ngấu nghiến…
Ma Rô vùng dậy, không thấy con chó, nó hốt hoảng. Không lẽ, con khoang đã bỏ đi rồi sao? Ngó quanh túp lều, Ma Rô thất vọng. Thế là con khoang đã bỏ đi thật rồi!
Lấy mẩu bánh ra nhai, Ma Rô cảm thấy hơi buồn. Đêm qua, có con chó, Ma Rô cảm thấy ấm áp hơn những đêm ngủ một mình. Đang ăn, Ma Rô bỗng nghe thấy những tiếng gầm gừ phát ra từ đâu đó? Với chiếc móc sắt, Ma Rô lao ra bãi rác. Con khoang đang đứng nhe răng thủ thế trước những con chó lạ đang có ý tranh ăn với nó. Thấy Ma Rô, mấy con chó lạ vội chuồn mất. Con khoang khẽ vẫy đuôi khi nhận ra Ma Rô.
– Thì ra là mày! Tao tưởng mày đã bỏ đi xa rồi!
Cái đuôi con khoang khẽ ngoáy ngoáy trong không khí. Ma Rô vui mừng, vậy là con khoang đã chịu làm bạn với nó rồi. Nó ngồi xuống, khẽ vuốt ve con khoang:
– Đừng đi đâu nữa nhé! Ở lại đây với tao! Tao sẽ cho mày ăn!
Ma Rô đút cho con khoang một miếng bánh mì nhỏ xíu. Con khoang mạnh dạn đón lấy, nó nhai thật tự nhiên.
Ma Rô đứng dậy, bắt đầu moi đống rác. Thỉnh thoảng, nó lại gảy cho con khoang một mẩu bánh hay một một cục xương mà nó vừa bới được…
Sáng ra, bọn trẻ từ khắp các xóm ấp, các ngõ phố cũng đã đổ ra bãi rác. Hầu hết, chúng là con nhà nghèo nhưng chúng vẫn còn có cha và mẹ. Chúng vẫn còn có một tổ ấm để trú ngụ. Trong số bọn trẻ tới kiếm sống ở bãi rác này, chỉ có một mình Ma Rô là không có ai thân thích.
Một bọn trẻ đang xăm xăm bước tới. Gom vội những thứ vừa bới được, Ma Rô rời khỏi đống rác vì không muốn có thêm một cuộc đụng độ. Vẫy con khoang, Ma Rô khoác bao rời khỏi bãi rác. Con khoang lóc cóc chạy theo đằng sau. Kể từ bây giờ, con khoang đã có một cậu chủ. Nó không còn sợ lũ chó nhà săn đuổi nữa. Thỉnh thoảng, nó lại ghé vào sát lề đường, đứng hít hít, ngửi ngửi. Mỗi lần như thế, Ma Rô lại cầm móc sắt gõ xuống đất coong coong. Con khoang lại ngẩng đầu lên rồi co cẳng phóng theo cậu chủ…
Buổi chiều. Ma Rô lại dẫn con khoang trở về túp lều. Vừa vuốt ve con khoang, Ma Rô vừa thủ thỉ:
– Mày có thích không? Tao với mày sẽ sống ở đây! À, tao phải đặt cho mày một cái tên thật hay, để tao nghĩ coi…
Ma Rô nhăn trán cố vắt óc để tìm ra một cái tên. Bữa trước, nó gặp một lão già dẫn con chó bông đi dạo. Con chó bông thật đẹp! Và cái tên của nó là gì nhỉ?… À, Li Li! Lão già ấy gọi con chó bông là Li Li!
– Tao sẽ đặt tên cho mày là Li Li! Mày có vui không?
Đặt bàn tay lên đầu con khoang, Ma Rô âu yếm gọi:
– Li Li!
Con chó khẽ chớp chớp đôi mắt trước những cử chỉ âu yếm của cậu chủ. Ma Rô ôm nó vào lòng. Li Li liền dụi đầu vào ngực cậu chủ…
Ngồi thủ thỉ với Li Li tới lúc mặt trời lặn, Ma Rô lại dắt Li Li đi dạo phố. Chúng cùng nhau lang thang tới cửa rạp hát. Hôm nay, rạp hát vắng hoe. Ma Rô thất vọng dắt Li Li sang một khu phố khác.
Trời vẫn lạnh. Ma Rô quyết định trở về “nhà” sớm hơn mọi khi. Tối hôm nay, chỉ xin được vài trăm lẻ.
Ôm con chó vào lòng, Ma Rô lại trùm bao tải lên người.
Lát sau, cả hai đã cùng nhau ngủ thiếp đi…
..............................
(Hết đoạn trích)
Sài Gòn 1997
CHU QUANG MẠNH THẮNG
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 208
Trong tháng: 24264
Tổng truy cập: 577175