Văn học nghệ thuật

ĐÀN HƯƠNG HÌNH – TIỂU THUYẾT CỦA MẠC NGÔN (phần 1)

Ngày đăng: 04-07-2023 02:06:08

Câu truyện Đàn hương hình (檀香刑, nghĩa là "hình phạt bằng cọc gỗ đàn hương") của tác giả Mạc Ngôn được viết vào mùa thu năm 1996 và hoàn thành vào năm 2001.
Truyện gồm 3 phần, 18 chương, mỗi phần đều dùng phương thức nhân vật tự thuật. Cách viết tiêu biểu của nhiều nhà văn Trung Quốc trong đó có Mạc Ngôn.
Tiểu thuyết là một sự tổng hợp về những sự kiện cách mạng, tội phạm, luyến ái... Đàn hương hình cho người đọc biết được cả lịch sử của các hình thức tra tấn tử hình ở Trung Quốc, về lịch sử của hý kịch Miêu Xoang.

 

(Nhà văn Mạc Ngôn – Ảnh do nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng chụp năm 2018, tại Bắc Kinh)

……………………………….

 

Mặt trời mọc, đỏ hồng. Như lửa cháy trời đông!

Vịnh Giao Châu đầy đường lính Đức

(Mắt xanh mũi lõ có biết không?)

Ủi đồng san ruộng làm đường sắt

Phá mả đào hồ (Có ức không?)

Cha tui dẫn người ra chống lại

Đánh nhau suốt buổi, pháo đì đùng

(Tai ù đặc)

Kẻ thù chạm trán, mắt đỏ đọc!

Dao lia, búa bổ, đinh ba đâm,

Ngổn ngang người chết đếm không xuể

(Eo ơi, sợ!)


Sau đó

Cha tui bị giam đại lao Nam

Bố chồng tui được lệnh hành hình

Dùng cọc gỗ đàn hương xiên cha tui như người ta xiên chả

(Cha ơi là cha!)

Miêu Xoang “Đàn hương hình – Đại bi điệu”

 

Sáng hôm ấy, bồ chồng tui là Triệu Giáp còn nằm mơ cũng không thể nghĩ rằng, bảy hôm sau, lão sẽ chết dưới tay tui, chết như một con chó trung thành với chức phận. Tui cũng không nghĩ rằng, đàn bà con gái mà dám cầm dao giết bố chồng. Tui càng không thể ngờ, cách đây nữa năm, bố chồng xuất hiện như từ trên trời rơi xuống, lại là một tên đao phủ giết người như ngóe. Lão đội mũ quả dưa có tua đỏ, áo chùng, tay lần tràng hạt đi đi lại lại trong sân. Những lúc ấy, lão giống một ông viên ngoại, càng giống hơn một ông già con cháu đầy đàn. Nhưng lão không phải là một ông viên ngoại, càng không phải ông già khả kính. Lão là tên đao phủ hạng nhất của bộ hình ở kinh thành, là lưỡi dao bén của triều Đại Thanh, là một cao thủ chặt đầu người, một chuyên gia tinh thông các hình phạt tàn khốc của mọi thời đại, lại còn bảo sung vào đấy những phát minh sáng tạo của lão. Lão làm ở bộ hình bốn mươi năm, số đầu người lão đã chặt, theo lời lão, còn nhiều hơn số dưa hấu của vùng Cao Mật trong một năm.

Đêm hôm ấy, tui không thể chợp mắt, trăn trở trên giường suốt. Cha đẻ tui là Tôn Bính bị quan huyện Tiền Đinh – cái tên qua sông đấm b. cho sóng ấy – bắt giam vào đại lao. Tệ mấy thì cũng vẫn là cha, ruột rối như tơ vò, tui không ngủ được. Càng mất ngủ càng rầu ruột, càng rầu ruột càng mất ngủ. Tôi nghe ngoài cũi – nơi những con vật sắp bị giết thịt – tiếng chó sủa eng éc, tiếng lợn kêu gâu gâu. Lợn mà kêu tiếng chó, chó lại kêu tiếng lợn! Sắp chết tới nơi chúng còn giả tiếng của nhau! Chó eng éc thì vẫn là chó, lợn gâu gâu thì vẫn là lợn, cha đẻ tuy không yêu, nhưng vẫn là cha! Eng éc, gâu gâu, ồn quá! Chúng biết chúng đã gần kề cái chết, cha tui cũng đã gần kề cái chết. Linh cảm của loài vật nhạy hơn con người. Chúng ngửi thấy mùi máu trong sân nhà tui. Chúng trông thấy từng đàn từng lũ âm hồn chó lợn vật vờ đi dưới ánh trăng. Chúng hiểu rằng, sáng tinh mơ ngày mai, khi trời hửng thì cũng chính là lúc chúng xuống chầu Diêm vương. Chúng kêu gào thê thảm trước khi chết. Còn cha thì sao? Cha làm gì trong ngục? Eng éc chăng? Gâu gâu chăng? Hay là cha đang hát điệu Miêu Xoang? Tui nghe bọn ngục tốt nói, trong nhà lao bọ chó vơ được cả nắm, còn giòi bọ thì béo nung núc như hạt đỗ! Cha ơi cha! Cha đang sống yên lành thi tai họa như từ trên trời rơi xuống, hất cha rơi vào trong ngục, ôi cha của tôi!…

Dao trắng đâm vào, dao đỏ rút ra, chồng tui Giáp Con đứng đầu bảng trong nghề mổ lợn giết chó, tiếng tăm lừng lẫy vùng Cao Mật. Hắn to cao, đầu hói quá nữa, cằm nhẵn thín, ban ngày vật và vật vờ, ban đêm như cây gỗ mục. Từ khi lấy hắn tới nay, hắn nhiều lần kể cho tui nghe câu chuyện về chiếc râu hổ mà mẹ hắn nói cho hắn biết. Sau đó, không hiểu có thằng cha mất dạy nào đó mớm cho, một tối, hắn đồi tui kiếm một chiếc râu hổ xoan xoan, mầu vàng kim, ngậm vào miệng là có thể nhìn thấy tướng mạo gốc của mọi người. Anh chàng ngốc này đêm đêm bám dính lấy tôi như vây cá, không còn cách nào khác, đành phải kiếm cho hắn một chiếc. Thằng ngốc nằm cuộn tròn ở đuôi giường, ngáy, nghiến răng, và nói mê: cha cha cha, xem xem xem, gãi gãi gãi, sướng… rơn… Rầu ruột quá! Tôi co chân đạp hắn một cái. Hắn trở mình, miệng chóp chép như đang nhai miếng gì ngon lắm, sau đó lại tiếp tục nói mê, lại ngáy, lại nghiến răng trèo trẹo. Đành vậy cứ để cho hắn ngủ.

Tui ngồi dậy, tựa lưng vào tường lạnh toát, nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh trăng như nước trùm lên cảnh vật. Những con chó bị nhốt trong cũi, mắt lóe sáng mầu ngọc bích, giống những chấm đèn lồng, một chấm hai chấm ba chấm… nhấp nháy nhấp nháy, cả một đám. Một con trùng đơn côi, cất giọng thê thảm kêu ri rỉ. Những người tuần đêm đi ủng đế gỗ, bước những bước chân chắc chắn trên mặt đường lát đá xanh tiếng mõ cốc cốc, tiếng thanh la phèng phèng, canh ba rồi. Canh ba, đêm khuya vắng, cả trấn đã ngủ say, tui không ngủ, lợn không ngủ, chó không ngủ, cha tui cũng không ngủ.

“Cọt… cọt…cọt”, chuột đang gặm hòm gỗ. Tui vớ cái chổi quăng về phía nó. Con chuột bỏ chạy. Lúc này, tui nghe thấy từ buồng bố chồng vọng lại một tiếng động khẽ, rồi tiếng hạt đậu lăn trên mặt bàn. Sau đó tui hiểu rằng không phải lão đếm hạt đậu, mà đếm đầu người, mỗi hạt đậu là một đầu người! Đồ ôn dịch! Ngay khi ngủ lão cũng nhớ đầu người mà lão chặt! Đúng là đồ ôn dịch!… Tui thấy lão giơ cao thanh đao đầu quỉ chém vào ót cha tui. Đầu cha tui lăn lông lốc trên đường phố, một lũ trẻ chạy theo để đá. Để tránh bị đá, đầu cha tui nhảy lóc cóc lên bậc thềm rồi lăn vào trong sân nhà tui. Cái đầu cha tui quanh quẩn trong sân, con chó chạy theo chỉ rình đớp, nhưng đầu cha tui rất có kinh nghiệm, mấy bận chó sắp đớp trúng liền bị đuôi sam lúc này duỗi thẳng như một ngọn roi quật vào mắt, lại thoát. Đầu cha tui lăn lóc trong sân, một con nòng nọc bơi trong nước, cái đuôi sam dính sau ót, đó là đuôi của con nòng nọc…

Tiếng mõ và thanh la của canh tư kéo tui ra khỏi mộng mị. Mồ hôi đầy mình, tui như một quả tim, một đống những quả tim đập loạn xạ. Bố chồng tui vẫn đang đếm những hạt đậu, lão già, giờ tui mới hiểu sao mọi người sợ lão. Người lão thoát ra một làn khí, lạnh, rất xa vẫn cảm nhận được. Căn buồng hướng tây mà mới có nửa năm đã lạnh lẽo như nhà mồ, mèo cũng không dám chui vào bắt chuột. Tui không dám vào căn buồng, bước chân vào là nổi da gà. Những lúc rỗi rãi, Tiểu Giáp vào buồng chơi, vào là xoắn lấy ông bố của hắn đòi kể chuyện, chẳng khác một đứa trẻ lên ba. Ngày tam phục, hắn dứt khoát ở lì trong buồng bố, không thèm về nhà ngủ cùng tui, hắn coi bố là vợ, và tui là bố hắn. Đề phòng thịt không bán hết bị ôi, hắn treo thịt lên đầu thượng lương, ai bảo hắn ngốc? Ai bảo hắn không ngốc? Đôi khi bố chồng ra phố, chó dữ mấy cũng rúc trong xó nhà, ư ử như bị chọc tiết. Huyền thoại về lão càng li kì. Người ta nói rằng lão sờ vào cây liễu trên phố, cây liễu rung lên bần bật, lá thảng thốt xào xạc. Tôi nghĩ tới Tôn Bính cha tôi. Cha ơi, lần này thì to chuyện rồi, chẳng khác An Lộc Sơn tằng tịu với Quí phi nương nương, chẳng khác Trần Giảo Kim cướp mất hoàng cương của vua Tuỳ, lành ít dữ nhiều, khó mà sống sót! Tui nghĩ tới quan lớn Tiền Đinh, tiến sĩ xuất thân, ngũ phẩm tri huyện hàm tri phủ, quan phụ mẫu, cha nuôi của tui, cái đồ tráo trở khôn như rận! Tục ngữ có câu, đánh chó ngó chùa! Ông không nể mặt con gái nuôi ba năm trên giường hầu hạ ông, cũng không nhớ đã uống bao nhiêu bình hoàng tửu hâm nóng, ăn bao nhiêu bát thịt cầy béo, nghe bao nhiêu khúc Miêu Xoang! Rượu nồng, thịt béo, con gái nuôi nằm têng hênh trên giường, thưa ông lớn, tui hầu hạ ông, khiến ông khoan khoái hơn đương kim Hoàng thượng! Tui đem tấm thân nuột nà hơn lụa Tô Châu, ngọt hơn dưa mật vùng Quan Đông, để ông tận hưởng bao nhiêu lần đắc đạo, bao nhiêu lần lên tiên! Vậy mà vì sao ông không tha cha tui một lần? Vì sao ông cấu kết với bọn giặc Đức bắt giữ cha tui, đốt phá làng mạc bọn tui? Nếu biết ông là người bạc tình bạc nghĩa, thì chẳng thà tui đổ rượu xuống vại nước tiểu, quẳng thịt chó cho lợn ăn, hát cho bức tường nghe, tấm thân tui chẳng thà cho chó nó đ…

Một đợt mõ dồn dập, trời đã sáng. Tui bước xuống giường, mặc quần áo mới, lấy nước rửa mặt, thoa phấn tô son, xức tóc bằng dầu quế. Tui vớt từ trong nồi chiếc đùi chó đã ninh dừ, gói lại bằng lá sen khô, bỏ vào làn rồi xách làn đi ra cổng, đối mặt với vầng trăng đã ngả về tây, men theo con đường lát đá xanh, lên huyện dò động tĩnh. Từ khi cha tui bị giam, ngày nào tui cũng lên, nhưng không sao gặp được quan huyện! Tiền Đinh, đồ giòi bọ, ngày thường không đem rượu thịt lên là ông lại sai thằng khốn Xuân Sinh xuống giục, giờ thì ông tránh mặt, không gặp tui. Ông còn cho trạm gác trước cổng đường. Thường ngày, lính hoả mai, lính cung mỏ của ông trông thấy tui là vồn vã, chỉ thiếu nước quì xuống mà bái tui, vậy mà bây giờ chúng vênh mặt lên, ra oai với tui. Ông lại còn cho bốn tên lính Đức bồng súng tây đứng trước nha môn, tui xách làn đi qua, chúng dám chĩa súng vào ngực tui. Mặt chúng hầm hầm, răng nghiến ken két, xem ra không phải chuyện đùa! Tiền Đinh, nhà ngươi là Hán gian thông lưng với nước ngoài, bà mà nổi điên lên, bà sẽ về tận kinh thành tố cáo nhà ngươi! Bà tố ngươi ăn quịt thịt chó, tố cáo ngươi chiếm đoạt gái có chồng! Tiền Đinh, bà sẽ liều thân như chẳng có, lột cái mã bên ngoài của nhà ngươi, bắt ngươi lộ nguyên hình kẻ bạc tình!

Tui khoác làn, rời cổng huyện vì chẳng biết làm gì hơn, nghe thấy tiếng cười nhạt của bọn sâu bọ đang đứng gác sau lưng. Thằng Hổ kia, mi là đồ vong ơn bội nghĩa! Mi đã quên cái cảnh mi và lão già cha mi quì xuống lạy bà rồi sao? Nếu không có bà nói cho một câu, thì cái đồ bán giầy cỏ nghèo rớt mồng tơi như mi làm sao được bổ sung vào đội hỏa mai của huyện? Lại còn thằng Thuận, mi là tên ăn mày, mùa đông tháng giá rúc vào bếp lò để khỏi chết cóng, không có bà xin cho mi thì mạt kiếp cũng không thể trở thành cung thủ! Vì chuyện của bọn mi mà bà phải cho Tuần kiểm Lý Kim Báo hôn miệng sờ mông, cho Điển sử Tô Lan Thông sờ mông hôn miệng, vậy mà các ngươi dám cười nhạo bà. Bọn chó mà các ngươi xem người chẳng vỡ, đợi khi công việc hòm hòm, bà sẽ xé xác các ngươi ra!

 

Bỏ lại cái chuyện chết tiệt sau lưng, tôi men theo con đường lát đá xanh, về nhà.

Cha ơi, cha chẳng bao giờ là con người đứng đắn, bỏ rơi một lúc bốn năm chục con người! Sao cha không lo cho tốt cái gánh hát của cha, mà đi khắp hang cùng ngõ hẻm, hát về những đế vương khanh tướng, sắm những vai tài tử giai nhân, lường gạt những gái trai mê hát, kiếm những đồng tiền nhỏ tiền to, ăn những thịt mèo thối chó thiu, uống những rượu mầu vàng màu trắng, ăn đủ rồi thì đi tìm đám bạn cầy bạn cáo của cha mà tán gẫu ngủ nhè, mà tận hưởng phúc to phúc nhỏ, sống những ngày như phật như tiên. Vậy mà cha cứ muốn chơi trội, phát ngôn bừa bãi, nói những câu mà bọn cường đạo cũng không dám nói, làm những việc mà những lũ cướp đường cũng không dám làm, để đến nỗi mất lòng bọn sai nha, chọc giận quan tri huyện, gậy đánh nát mông cũng không chịu phục, tranh hơn với người bị vặt hết râu, cha như con gà sống cộc như con tuấn mã bị xén trụi lông đuôi; không hát nữa, cha mở quán trà, thế cũng tốt, sống cuộc đời yên ổn. Ai dè cha gia pháp không nghiêm, để dì bé lang thang đây đó, đã xẩy ra tai họa khôn lường. Bị sờ soạng thì đã bị rồi, cha không ráng nhịn, để làm tròn bổn phận người dân, có phúc mới bị thiệt thòi, nhịn nhục mới được yên thân. Vậy là cha đánh tên kỹ sư Đức, gây ra tai họa tày đình. Người Đức ư, Hoàng thượng còn sợ, vậy mà cha không sợ! Tai họa ư, cả trấn tắm máu, hai mươi bảy nhân mạng đi tong, trong đó có dì và hai em. Thế mà vẫn chửa thôi, cha còn đi Lỗ Nam kết giao với nghĩa hòa quyền, trở về lập thần đàn, dựng cờ tạo phản, tụ tập một ngàn binh mã, súng ống vác vai, đạo thương kẹp nách, phá đường sắt, đốt lán trại, giết lính Tây, anh hùng thật đấy! Rốt cuộc, thôn xóm tan hoang, dân làng chết chóc, bản thân cha bị giam trong ngục, thương tích đầy mình… Ơi cha, cha ăn mỡ lợn hơi nhiều nên sinh lẩm cẩm! Tà ma nào đã ám vào cha? Hồn vía cha đã bị con hồ li tinh nào bắt mất? Thì cứ cho là người Đức làm đường sắt phá hoại phong thủy, tắc nghẹn long mạch vùng Cao Mật, nhưng là của cả vùng, đâu phải phong thủy, long mạch riêng nhà mình, cha cầm đầu để làm gì? Vậy là xong, họ nhằm bắn khởi xướng, đánh rắn phải giập đầu! Vậy là đúng như câu “Mọi người ăn cả, tội riêng một mình”. Cha ơi, chuyện to rồi, kinh động triều đình các vương quốc nổi giận. Nghe nói Tuần phủ đại nhân Viên Thế Khải đêm qua đi kiệu bát cống về huyện. Tổng đốc Giao – Aùo Caclôt cũng cưỡi con ngựa tây cao lớn, vai khoác súng Môde xộc thẳng vào công đường. Lính lệ Hồ Râu đứng gác ở cổng định ngăn lại, liền bị tên giặc vụt một roi, vành tai rành tai rách đôi! Cha ơi, chuyến này cầm chắc là không thoát rồi, cái đầu tròn xoay của cha chắn bị bêu trên mảng tường chữ bát để thị chúng! Cho dù đại nhân Tiền Đinh có nể mặt con mà tha cho cha, thì Viên Thế Khải đại nhân cũng không chịu tha; cho dù Viên Thế Khải đại nhân muốn tha cho cha, thì tổng đốc Giao – Aùo Caclôt cũng không chịu tha! Cha ơi, số phận của cha chỉ trông mong vào ông trời!

Tui nghĩ ngợi lung tung, men theo con đường lát đá xanh, hối hả đi về phía mặt trời mọc, ánh sáng một mầu hồng. Trong làn, chiếc đùi chó tỏa mùi thơm hấp dẫn. Mặt đường máu đọng từng vũng. Tâm thần bất định, tui như trông thấy đầu cha tui lăn lông lốc trên đường, vừa lăn vừa hát. Miêu Xoang là làn điệu hớp hồn phụ nữ, vốn không thật nổi tiếng, nhưng cha tui với chất giọng lạ lùng, đã biến nó thành dưa mật, đã làm mê mẫn biết bao nhiêu phụ nữ vùng Cao Mật! Người mẹ đã quá cố của tui, mà mê cái giọng khàn khàn mà lấy cha tui. Mẹ tui đẹp nổi tiếng. Ông cử nhân họ Đỗ từng cầu hôn nhưng mẹ tui không ưng, chỉ ưng mỗi cha tui – một kép hát nghèo rớt mồng tơi!… Lão đầy tớ nhà Đỗ cử nhân có biệt hiệu là Chu Điếc gánh một gánh đầy nước đi tới. Lão gò lưng tôm, vươn dài cổ cò đỏ ửng, mảng tóc lơ thơ trên đầu bạc trắng, mồ hôi trên mặt lấp lánh. Lão thở hồng hộc, hối hả bước những bước dài, nước trong thùng sánh ra, rỏ giọt thành chuỗi trên đường. Cha ơi, con chợt trông thấy đầu của cha trong thùng nước. Nước trong thùng biến thành mầu hồng của máu. Con ngửi thấy mùi tanh nồng, cái mùi tanh tanh khăn khẳn thường thấy mỗi khi chồng con phanh bụng lợn hoặc chó. Lão Chu Điếc không ngờ rằng, bảy ngày sau đó, trong khi lão nghe hát Miêu Xoang ở pháp trường – nơi hành hình cha tui, lão bị giặc Đức dùng súng trường bắn lòi ruột, khúc ruột lòi ra ngoài y hệt một con lươn!

 

2.

Khi lách qua tui để vượt lên, lão cố ngửng cái đầu lên, nhìn tui cười khẩy. Một lão điếc đặc, người như chiếc gỗ mục mà dám cười khẩy với con, cha ơi, chắc là cha chết mất! Kể gì Tiền Đinh, ngay cả Hoàng thượng mà cố đến đây thì cha cũng không thoát khỏi tử hình! Nản thì có nản, nhưng quyết không chịu thua, còn nước còn tát. Tui đoán, giờ này quan lớn Tiền đang cùng Viên đại nhân đến rừ Tế Nam và Caclôt đến từ Thanh Đảo đang xài a phiến, đợi hai người kia về rồi, tui sẽ lẻn vào nha môn, chỉ cần để ông huyện thấy mặt, là tui sẽ có cách khiến ông ta ngoan ngoãn vâng lời. Khi ấy thì không có quan lớn Tiền nào hết, mà chỉ có anh cu Tiền! Cha ơi, con chỉ sợ họ giải thẳng cha về kinh, nếu vậy thì vô phương cứu chữa! Chỉ cần thi hành án ở ngay tại huyện, con sẽ có cách đối phó với họ. Con sẽ kiếm một thằng ăn mày thế mạng cho cha, mập mờ đánh lận con đen, con sẽ đánh tráo! Cha, cứ nghĩ đến chuyện cha đã tình phụ mẹ, con chẳng muốn cứu cha làm gì, để cha chết sớm ngày nào hay ngày ấy, khỏi làm hại những người phụ nữ khác. Nhưng dù sao cha vẫn là cha của con, không có trời thì không có đất, không có trứng thì không có gà, không có tình tiết thì không có kịch, không có cha thì không có con, quần áo có thể thay, nhưng cha thì chỉ có một, không thể đổi cha này lấy cha khác! Trước mặt là miếu Bà Cô, có bệnh vái tứ phương, tui phải vào thắp hương xin người phù hộ, xin người hiển linh ra tay tế độ, chuyển dữ thành lành.

Trong miếu tối mò, tui chẳng nhìn thấy gì, chỉ nghe thấy tiếng vỗ cánh, có thể là con dơi, cũng có thể là chim én. Đúng là chim én. Mắt tui quen dần với bóng tối, tui nhìn thấy trước tượng Bà Cô có hơn một chục ăn mày nằm ngổn ngang. Mùi nước tiểu, mùi cơm thiu nồng nặc khiến tôi choáng váng, chỉ muốn nôn ẹo. Bà Cô tôn kính mà ở cùng với lũ mèo hoang thì tội quá! Chúng chẳng khác đàn rắn mồng năm, vươn dài người rồi lồm cồm bò dậy, đứa nọ nối tiếp đứa kia. Bang chủ Tám Chu râu bạc quá nửa, mắt kèm nhèm, nhíu mũi nhăn mày nhìn tui, nhổ một bãi nước bọt, quát:

- Xui rồi xui rồi xui rồi, sáng sớm gặp ngay con thỏ cái!

Đám lâu la của lão, cũng bắt chước nhổ nước bọt, đồng thanh gào lên:

- Xui rồi xui rồi xui rồi, sáng sớm gặp ngay con thỏ cái!

Một con khỉ đít đỏ nhanh như chớp nhảy lên vai tui khiến tui giật thót. Không đợi tui kịp ngoảnh lại, nó thọc tay vào làn chộp luôn cái đùi chó rồi nhảy phát lên hương án, nhảy bước nữa lên vai Bà Cô, chiếc xích ở cổ kêu lanh canh, đuôi biến thành chiếc chổi quét bụi tung mù mịt, khiến tui ngứa mũi chỉ muốn hắt xì hơi. Con khỉ chết tiệt, tên súc sinh mang hình người, nó ngồi chồm hỗm trên vai Bà Cô nhai ngấu nghiến cái đùi chó, tay đầy mỡ bôi khắp miệng Bà Cô. Bà Cô cũng không quở mắng, khuôn mặt rất đỗi hiền từ. Bà Cô không trị nổi con khỉ, thì làm sao cứu được cha tui?

Cha ơi là cha, cha là gan có tía, chuột nhắt dám phủ lạc đà, dám làm những chuyện tày đình! Thái hậu đương triều – Từ Hi lão Phật gia cũng biết tên cha; Đại đế Uy liêm của nước Đức cũng đã nghe sự tích của cha. Một thảo dân, một kép hát kiếm miếng cơm chín như cha mà nổi tiếng đến mức ấy thì không uổng đã sống ở đời, đúng như câu trong vở hát “Thà một chút huy hoàng rồi chợt mắt, còn hơn le lói suốt trăm năm”. Cha ơi, cha đi hát đã nửa đời người, chuyên sắm những vai người khác, lần này thì cha sắm vai của cha, diễn tích của cha – diễn cho chính mình!

Lũ ăn mày xúm quanh tui, đứa chìa bàn tay bẩn thỉu gớm ghiếc, đứa ưỡn cái bụng đầy sẹo, chúng la chúng hét, chúng hát chúng cười, ồn ào như chợ vỡ.

- Làm ơn đi, làm ơn, chị Tây Thi Thịt Cầy. Chị thí cho hai đồng nhỏ, chị thu về hai đồng vàng!… Chị không cho, tui cũng không cần, nhưng rồi quả báo sẽ tới gần!

Trong tiếng ồn ào ma quái, bọn chết dẫm ấy, đứa véo đùi tui, đứa cấu mông tui, đứa sờ ti tui, chúng chớp thời cơ đục nước béo cò! Tui định bỏ chạy, chúng khóa tay, chúng ôm eo giữ tui lại. Tui chồm về phía Tám Chu:

- Tám Chu, Tám Chu, hôm nay bà liều mạng với nhà ngươi!

Tám chu nhặt chiếc gậy nhỏ bằng trúc chọc nhẹ vào đầu gối tui. Tui khuỵu xuống. Tám Chu cười khẩy, nói:

- Mỡ đến miệng mèo, không ăn cũng phí! Các con, quan lớn Tiền ăn nặc thì bọn bây ăn vạc xương vậy!

Bọn ăn mày ùa tới đè tui xuống, thoát cái đã lột quần tui ra. Trong lúc nguy cấp, tui nói:


- Tám Chu, đồ chó đẻ, mượn gió bẻ măng không phải là trang hảo hán. Ông có biết, cha tui bị Tiền Đinh bắt giam, đang chuẩn bị hành quyết không? Tám Chu nhướng cặp mắt toét, hỏi:

- Cha cô là ai?

Tui nói:

- Tám Chu, ông mê ngủ hay sao thế? Cả nước Trung Quốc điều biết cha tui là ai, chỉ có ông là không! Cha tui là Tôn Bính, người Cao Mật, Tôn Bính hát Miêu Xoang, Tôn Bính phá đường sắt, Tôn Bính lãnh đạo dân làng chống giặc Đức!

Tám Chu vội vàng ngồi dậy, chấp tay trước ngực vái lia lịa, miệng nói:

- Thưa cô, đắc tội, tôi không biết, xin bỏ qua cho! Tôi chỉ biết Tiền Đinh là cha nuôi của cô, mà không biết Tôn Bính là cha đẻ của cô. Tiền Đinh là tên đốn mạt. Tôn Bính là bậc anh hùng! Cha cô là con người kiên cường, dám đối mặt với giặc Đức, bọn tôi khâm phục! Khi nào cần tới bọn tôi, xin cô cứ sai bảo, lạy cô tha tội đi!

Bọn ăn mày nhất loạt quì lạy, dập đầu rõ kêu, trán dính đầy đất. Chúng đồng thanh: Chúc cô vạn phúc! Chúc cô vạn phúc!


Con khỉ đang ngồi vắt vẻo trên vai tượng Bà Cô cũng quăng vội cái đùi chó ăn dở, tụt xuống khấu đầu như người, nhăn nhăn nhở nhở khiến ai cũng bật cười. Tám Chu nói:

- Các con, ngày mai kiếm con cầy thật béo mang tới nhà cô.

Tui vội bảo:

- Thôi thôi, không cần như thế.

Tám Chu nói:

- Xin cô đừng làm khách, bọn trẻ của tôi bắt chó còn dễ hơn bắt rận trên cạp quần.

Bọn ăn mày cười hì hì, đứa thì răng vàng khè, đứa thì khuyết răng, miệng há hốc. Tui chợt cảm thấy chúng rất đáng yêu. Cuộc sống bần hàn của chúng vậy mà vui. Nắng hồng ấm áp rọi qua cửa ra vào, rọi trên những gương mặt đang cười của lũ ăn mày. Mũi tui cay xè, nước mắt trào ra. Tám Chu nói:

- Cô có cần bọn tôi đi cướp nhà lao không?

Tui bảo không cần. Cha tui không phải án thường. Gác ngục không chỉ bọn lính lệ của huyện, mà còn có một bọn lính tây do Caclôt điều đến. Tám Chu nói:


- Bảy Hầu đâu, dạo qua một lượt, có tin gì về báo ngay!

Bảy Hầu nói:

- Tuân lệnh!

 

3.

Cậu ta cầm lấy thanh la trước tượng Bà Cô, khoác túi lên vai, huýt sáo gọi: Bé ngoan, đi cùng ba! Con khỉ nhảy tót lên vai cậu. Bảy Hầu gõ thanh la, miệng hát nghêu ngao, ra đi. Tui ngước nhìn lên tượng Bà Cô bằng đất, toàn thân là nước sơn cũ kỹ, nhưng khuân mặt như mâm bạc thì có nước – Bà Cô đổ mồ hôi! Bà Cô hiển linh! Bà Cô hiển linh! Xin Bà phù hộ cho bố tui!

Tui trở về nhà, trong lòng chứa chan hi vọng. Gíap Con đã dậy, đang mài dao trong sân. Anh chàng nhìn tui cười cười, tỏ ra thân thiết và tình cảm. Tui cũng cười cười nhìn anh chàng, cũng tỏ ra thân thiết và tình cảm. Anh chàng dùng tay gại gại lưỡi dao, hình như cảm thấy chưa sắc, lại cắm cúi mài tiếp, soạt… soạt. Gíap Con chỉ mặc mỗi quần lót, nửa người trên ở trần, lưng beo eo gấu, đám lông đen trên ngực. Tôi bước vào buồng chính, thấy bố chồng ngồi trên ghế thái sư bằng gỗ đàn hương khảm trai đem từ kinh thành về, đang nhắm mắt dưỡng thần, tay lần tràn hạt bằng gỗ đàn hương, miệng lẩm bẩm, không hiểu đang tụng kinh hay chửi ai. Trong phòng tối mờ mờ, ánh nắng lọt qua khe cửa, in từng vệt trên nền nhà. Một vệt sáng như ánh vàng ánh bạc rọi thẳng vào mặt lão, khuôn mặt gầy guộc, mắt trũng sâu, dưới cái mũi cao cao là cái miệng mím chặt y hệt một viết chém bằng dao. Môi trên mỏng dính và cái cằm dài nhẵn thín không một sợi râu, chẳng trách người ta đồn rằng, lão là thái giám bỏ chạy từ kinh thành về đây. Tóc lão đã thưa, phải độn thêm một nắm chỉ đen mới tết được một đuôi sam nho nhỏ.

Lão hé mắt, cái nhìn lạnh như băng chiếu thẳng vào người tui. Tui vấn an lão: “Cha dậy rồi ạ?” Lão gật đầu, tiếp tục lần tràng hạt.

Quen lệ mấy tháng nay, tui lấy lược sừng chải đầu, bện đuôi sam cho bố chồng. Việc này vốn là của người hầu nhưng mà tui không mướn người hầu. Con dâu không nên chải đầu cho bố chồng, người ta trông thấy dị nghị chết! Nhưng vì tui có việc cầu cứu lão, lão để tui chải đầu thì tui chải đầu cho lão. Thực ra, thói quen này là do tui tạo ra. Hồi lão mới về, một buổi sáng, lão vụng về cầm cây lược gãy tự chải đầu, Giáp Con giúp lão để tỏ ra hiếu thuận, vừa chải vừa nói:

- Cha à, đầu con tóc ít, nghe mẹ nói hồi nhỏ con bị mạch lươn, tóc bị sẹo lấn hết. Đầu cha cũng ít tóc, chắc cũng do mạch lươn, phải không cha?

Giáp Con vụng chân vụng tay, lão già nghiến răng nghiến lợi, nói chịu tội sống mới cho ông con chải đầu hộ, nói có phúc phận mới được Giáp Con nhổ tóc như nhổ lông lợn! Hôm ấy, tui vừa từ chỗ quan lớn Tiền trở về, trong lòng đang vui. Để hai cha con lão phấn khởi, tui nói: “Cha à, để con chải đầu cho cha!”. Tui chải cho lão cái đầu thật mượt, lại độn chỉ thâm tết cho lão cái đuôi sam to tướng. Xong xuôi, tui đưa cái gương tới trước mặt lão. Lão nắn vuốt cái đuôi sam nửa thật nửa giả, một giọt nước mắt ứa ra từ hốc mắt đen ngòm. Giọt nước mắt hi hữu. Giáp Con sờ hốc mắt cha hỏi: “Cha khóc à?”

Bố chồng tui lắc đầu:


- Đương kim Hoàng Thái Hậu có một thái giám chuyên chải đầu, nhưng Thái Hậu không dùng, mà chỉ thích Tổng quản Lý Liên Anh chải đầu cho mình.

Bố chồng nói vậy, tui không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao cả. Giáp Con nghe tới Bắc Kinh thì mê tít, xoắn xuýt đòi kể chuyện. Cha anh ta không kể, lấy trong bọc tờ ngân phiếu đưa cho tui, nói:

- Con dâu này, con đi mua mấy thước vải tây mà may quần áo. Cả dạo này con vất vả vì cha rồi!

 

Hôm sau, tui còn đang ngủ thì Giáp Con đánh thức tui dậy. Anh làm gì vậy? – Tui khó chịu hỏi. Giáp Con bò bò:

- Dậy, dậy! Cha đang đợi chải đầu cho cha.

Tui ngớ ra, bực không thể tả, đúng là mở ra thì dễ, khép lại mới khó. Lão coi mình là thứ gì? Đồ khốn, nhà người không phải là Từ Hi Thái Hậu, ta cũng không phải Đại Tổng quản Lý Liên Anh! Cái mớ tóc hoa râm mềm oặt hôi rình của nhà ngươi, ta chải cho một lần cũng đã phúc tổ tám đời nhà ngươi rồi! Quen mui thấy mùi ăn mãi! Nhà ngươi cứ tưởng cho ta một ngân phiếu năm lượng bạc thì muốn sai lúc nào thì sai hay sao? Ngươi không nghĩ rằng ngươi là ai? Ngươi cũng không nghĩ rằng ta là ai? Tui giận cành hông bước xuống giường, định nói mấy câu thật độc địa để lão đỡ làm tàng. Nhưng tui chưa kịp mở miệng, lão ngước nhìn cái tấm đan phía trên cửa ra vào, lẩm bẩm như chỉ nói cho một mình lão nghe:

- Không biết ai chải đầu cho tri huyện Cao Mật?

Tui cảm thấy ớn lạnh toàn thân, cảm thấy lão già trước mặt tôi dứt khoát không phải con người, mà là một con quỉ biết tàng hình, nếu không thì làm sao biết tui chải đầu cho quan lớn Tiền. Nói đoạn, lão đột nhiên ngồi thẳng lên, ngẩng cao đầu, ánh mắt thâm hiểm như xuyên qua người tui. Cơn giận của tui tan biến. Tui ngoan ngoãn vòng qua phía sau chải mớ lông tóc như lông chó của lão. Trong khi chải tóc cho lão, tui lại nhớ tới bộ tóc đen mượt thơm thơm của cha nuôi: sờ nắn cái đuôi sam bé tí như đuôi lừa của lão, tui lại nhớ tới cái đuôi sam nặng trẫm tay, thơm mùi da thịt và như biết cử động của cha nuôi. Cha nuôi dùng đuôi sam quét lên người tui, từ đỉnh đầu tới gót chân, khiến tui nóng ran khắp người, các lỗ chân lông điều rỉ nước.


Phải chải thôi, không còn cách nào khác, đã gieo gió thì phải gặt bão! Mỗi khi tui chải đầu, là cha nuôi lại sờ soạng tui, và thường thì chưa chải đầu xong, tui và cha nuôi đã dính chặt vào nhau. Tui không tin là lão già này không động lòng, lão già, chỉ cần lão dám trèo lên, tui đảm bảo lão chỉ có lên mà không có xuống. Khi đó, lão sẽ ngoan ngoãn vâng lời tui. Khi đó tui vẫn chải đầu cho lão, chải cái gáo dừa cho lão! Người ta đồn rằng trong bọc lão có mười lạng ngân phiếu, sớm muộn tui cũng bắt lão phải xì ra! Tui mong lão trèo lên, nhưng lão già rất đằm tính, đến nay vẫn chưa trèo. Tui không tin trên đời có thứ mèo chê mỡ, lão già, để ta xem lão có thể trụ được bao lâu! Tui gỡ bím tóc, dùng lược chải lọn tóc lơ thơ của lão. Sáng nay, động tác của tui cực kỳ nhẹ nhàng. Tui cố nén cảm giác ghê tởm, dùng ngón tay út gãi gãi dái tai lão, ngực tì vào gáy lão, nói, cha ơi, cha đẻ của con bị quan phủ bắt giam, cha từng ở kinh đô, quen biết rộng, xin cha hãy bảo lãnh cho cha con! Lão già không nói nửa lời, không phản ứng gì. Tui không biết lão không điếc, lão đang giả câm giả điếc đấy thôi. Tui xoa bóp hai bờ vai lão, nhắc lại câu vừa rồi, lão vẫn im như thóc. Bỗng ánh nắng rọi thẳng vào dãy cúc áo vàng choé trên áo chùng của lão, rọi trên đôi bàn tay nhỏ xíu đang lần tràn hạt. Hai bàn tay vừa trắng vừa mập, hoàn toàn không hợp với tính cách và tuổi tác của lão. Dao kề cổ bắt phải xin thì tui cũng không thể tin rằng đây là hai bàn tay chuyên cầm đại đao chặt đầu người! Trước khi tui không dám tin, bây giờ vẫn nửa tin nửa ngờ. Tui càng ép chặt người tui vào lão, phụng phịu: cha ơi, cha đẻ của con phạm lỗi, cha từng ở kinh đô, quen nhiều biết rộng, cha bày cách giúp con! Tui day day bờ vai lão, bầu vú nặng trịch của tui nghỉ ngơi trên gáy lão, miệng tui tung ra hàng ngần những câu nũng nịu. Với quan lớn Tiền thì thủ đoạn trên đã khiến quan bủn rủn tay chân, tôi bảo sao làm vậy. Nhưng với cái lão chết tiệt này cứ trơ như đá vững như đồng, dù cặp vú mềm mại của tui rập rình trên cổ lão, mặc cho những lời đường mật của tui liên tục rót vào tai lão, lão cũng chẳng nói chẳng rằng. Đột nhiên, tui thấy đôi bàn tay dừng lại, hình như khẽ run rẩy. Tui mừng thầm, lão già, không nhịn được nữa phải không? Sức mấy mà cưỡng lại! Ta không tin nhà ngươi không móc ngân phiếu đưa cho ta, không tin nhà ngươi còn đưa chuyện riêng tư giữa ta với quan lớn Tiền để huy hiếp ta. “Cha ơi, cha tìm cách giúp con mấy!” Tui đứng đằng sau lão mà uốn éo, gạ gẫm lão. Chợt tui nghe thấy một tiếng cười, tiếng cười mà như tiếng gào của con mèo hoang trong một đêm tối trời, khiến tui sợ toát mồ hôi, các ý nghĩ tan biến. Lão có còn là người không mà giọng cười như thế? Không, lão không phải con người, lão là quỉ! Lão cũng không phải bố chồng tui. Tui lấy Giáp Con đã hơn mười năm, chưa bao giờ nghe nói có một bố chồng ở kinh thành. Giáp Con chưa bao giờ nói đã đành, hàng xóm láng giềng cũng chưa bao giờ nói. Lão có thể là tất cả, nhưng không thể là bố chồng tui. Khuôn mặt lão hoàn toàn không giống khuôn mặt chồng tui. Đồ ôn dịch, chắc chắn nhà ngươi là con mèo rừng đã thành tinh? Người khác sợ bọn yêu ma quỉ quái chứ ta không sợ! Trong chuồng có một con chó mực, lát nữa Giáp Con sẽ làm thịt, tui sẽ đổ chậu máu chó lên đầu lão, bắt lão hiện nguyên hình!

 

4.

Tầm nhìn của tui vượt qua huyện thành về phía đông bắc, con đường sắt của Đức chạy từ Thanh Đảo, đã biến thành con rết không lồ bị đập bể sọ, đang quằn quại. Một đám đông đen ngòm dày đặc trên cách đồng chớm xuân mầu xanh nhạt, phất cờ, những lá cờ mầu sắc pha tạp, ùn ùn kéo về phía đường sắt. Lúc này tui chưa biết đó là cha tui đang cầm đầu đám người chống đối, nếu biết, tui không còn bụng dạ nào tiếp tục cuộc chơi. Tui trông thấy phía đường sắt từng cột khói bốc lên như những cây to biết cử động, rồi những tiếng nổ nặng nề rất nhanh dội tới.

Đội nghi trượng của cha nuôi ngày càng tới gần, đã tiếp cận cửa Nam. Tiếng thanh la còn rõ hơn, tiếng hô càng trầm hùng hơn, những lá cờ ủ rũ dưới mưa, y hệt những tấm da chó rướm máu. Tui trông thấy mồ hôi lấm tấm trên mặt, nghe tiếng thở nặng nhọc của bọn phu khiêng kiệu. Người đi đường đều dừng lại cúi đầu, không một ai dám nói to hoặc một cử chỉ khác thường. Những con chó dữ nổi tiếng của nhà Đỗ Giải Nguyên cũng im thin thít, có thể thấy cái uy của cha nuôi, ngay súc vật cũng không dám nhờn. Tui trong lòng rạo rực, trong tim như có cái bếp lò, trên bếp hâm bình rượu. Cha nuôi thân yêu của tui, tui nhớ Người cháy ruột cháy gan! Hãy hoà Người vào trong bình rượu! Tui dùng hết sức đu lên thật cao, để qua rèm cha nuôi trông thấy tấm thân yêu kiều của tui.

Từ trên cây đu, tui trông thấy đoàn người phía xa dày đặc như một đám mây đen cuồn cuộn, không thể phân biệt đàn ông đàn bà, người già người trẻ, nhìn không ra ai là Cột ai là Kèo, nhưng mấy ngọn cờ đại của họ thì rực rỡ khiến tui hoa mắt! Họ í ới gọi nhau, kỳ thực tui hoàn toàn không nghe rõ tiếng gọi, mà chỉ phỏng đoán. Cha đẻ tui xuất thân kép hát Miêu Xoang, tổ sư đời thứ hai của làn điệu này. Miêu Xoang vốn là một làn điệu dân gian, cha đẻ tui đã nâng tầm nó lên, trở thành một loại hình kịch nghệ nổi tiếng cả vùng rộng lớn, phía bắc đến phủ Lai Châu, phía nam đến Phủ Đăng Châu, tổng cộng mười tám huyện. Tôn Bính hát Miêu Xoang, phụ nữ lệ chảy tràn. Ông vốn là người thích hò la. Nay dẫn đầu đám quân, ông không hò hét sao được? Để không bỏ sót cảnh này, để được nhìn thêm lúc nữa, tui đưa đu lên thật cao. Những kẻ ngu ngốc đứng dưới cứ tưởng tui biểu diễn cho chúng xem. Chúng hoa chân múa tay, hò hét như điên. Hôm ấy tui mặc đồ mỏng, lại thêm mồ hôi ướt đẫm – Cha nuôi tui bảo mồ hôi tui thơm mùi hoa hồng. Tui huy động bằng hết những bảo bối trên người, cái mông tròn lẳn vổng ra sau, bộ ngực xinh xinh nhô ra trước, cho bọn háo sắc thèm rỏ rãi! Gió lạnh luồn trong áo, xoáy tròn trong nách tui. Tiếng gió mưa tiếng hoa đào xòe cánh, cánh đào đẫm nước mưa. Tiếng hò tiếng hét của nha dịch, tiếng lanh canh của vòng sắt, tiếng rao hàng của dân bán dạo, tiếng nghé ọ của con nghé… tất cả quyện vào nhau. Một cái tết thanh minh ồn ào, một mồng ba tháng Ba rực lửa. Tại khu mộc ở góc tây nam, mấy bà già tóc bạc phơ đang hoá vàng. Một cơn lốc nhỏ quyện khói dựng đứng trên khu mộ, trông giống những cây bạch dương xám xịt xung quanh. Đội nghi trượng của cha nuôi ra khỏi cửa Nam, những người xem đánh đu đều quay lại nhìn. Quan huyện đến rồi! Có người kêu lên. Đội nghi trương của cha nuôi lượn một vòng quanh giáo trường, bọn nha dịch lên gân lên cốt, ngực ưỡn mắt tròn xoe. Cha nuôi, qua bức rèm trúc, tui trông thấy chiếc mũ đội trên đầu và khuôn mặt hình chữ điền hồng hào của cha, trông thấy bộ râu với những sợi thẳng và cứng như thép, nhúng vào nước không rối. Bộ râu của ông là chìa khóa, khóa chặt trái tim ông và tui, là sợi tơ hồng của ông Nguyệt lão, không có bộ râu của ông và bộ râu của cha đẻ tui, thì ông tìm đâu ra cô con nuôi ngon lành như tui?

Bọn nha dịch ra oai, thực ra chính là cha nuôi tui ra oai, thấy đã dủ, liền hạ kiệu xuống bên rìa giáo trường. Phía tây giáo trường là vườn hoa đào nở rộ, cây nọ nối tiếp cây kia, trong màn mưa mông lung, trông như những cụm khói. Một nha dịch đao cài thắt lưng tiến lên vén rèm, cha nuôi bước xuống kiệu. Mũ cánh chuồn đội ngay ngắn trên đầu, cha nuôi phải phủi phủi tay áo, rồi chắp tay trước ngực, cha xá mộ xá, cất giọng sang sảng: “Thưa các phụ lão, các con dân, chúc ăn tết vui vẻ!”

Cha nuôi, ông chỉ giỏi vờ vĩnh! Nhớ lại những lúc ông đùa với tui ở Tây Hoa sảnh, tui không nhịn được cười! Nghĩ tới nỗi khổ mà ông phải chịu trong mùa xuân năm nay, tui bất giác chỉ muốn khóc. Tui dừng đu, tay vịn thừng đứng trên bàn đạp, miệng hé mở, mắt đắm đuối nhìn cha nuôi làm trò, trong lòng rộn lên bao nỗi ngọt bùi cay đắng! Cha nuôi hiểu dụ:

- Bản quan xưa nay vẫn khuyến khích trồng đào…

Cà nhắc cà nhót đi theo sau cha nuôi tui là viên xã trưởng thành Nam, lão nói to:

- Quan tri huyện nhân tết xuân mưa phùn, trồng một cây phiên đào để làm gương cho dân chúng noi theo…

Cha nuôi liếc xéo viên xã trưởng một cái tỏ ý không bằng lòng về cái tội nói leo, ông nói tiếp:

- Hỡi các con dân, các ngươi hãy trồng đào trước nhà trước cửa, vườn trước vườn sau, “bớt chuyện gẫu bát phố, nên đọc sách, trồng đào”. Chỉ mươi năm là cùng, huyện Cao Mật sẽ có những ngày tươi đẹp.

“Nghìn vạn cây đào hoa nở rộ, muôn dân tận hưởng khúc âu ca”

Cha nuôi ngâm xong hai câu thơ, liền cầm xẻng xúc đất, lưỡi xẻng chạm một hòn cuội, tóe lửa. Đúng lúc đó, tên sai vặt Xuân Sinh lăn tới như một quả bóng. Hắn quấn quít vừa nói vừa thở:

- Bẩm quan lớn, hỏng rồi, hỏng rồi!…

Cha nuôi nghiêm giọng hỏi:

- Chuyện gì mà hỏng?

Xuân Sinh nói:

- Bọn dân đen ở vùng đông bắc làm phản…

Cha nuôi quẳng cái xẻng xuống, phủ tay áo, chui luôn vào trong kiệu chạy như bay, bọn nha dịch thất thểu chạy theo như chó nhà có tang.

Tui đứng trên đu, đưa mắt nhìn theo đội nghi trượng, trong lòng buồn rầu không kể xiết. Cha đẻ ơi, cha làm cái tết mất vui rồi. Tôi thẫn thờ nhảy xuống, lách vào đám đông ồn ào nhốn nháo, cắn răng chịu đựng bọn trai tơ đục nước béo cò, nghĩ là mình nên vào vườn đào ngắm hoa hay về nhà luộc thịt chó. Đang phân vân thì Giáp Con từ xó xỉnh nào vụt hiện ra trước mặt tui, mặt đỏ gay, mắt trợn trừng trợn trạc, miệng lắp bắp:

- Bố tớ, bố tớ về rồi!

Quái quỉ thật! Tự dưng tòi ra ông bố chồng. Bố anh chết rồi kia mà? Chẳng phải đã hơn hai mươi năm nay không có tin gì về bố anh đấy sao?

Giáp Con toát mồ hôi hột, vẫn tiếng được tiếng mất:

- Về rồi, đúng là về rồi!

Tui cùng Giáp Con hộc tốc chạy về nhà. Trên đường về, tui rất bật mình, hỏi Giáp Con đâu tự dưng tòi ra một ông bố? Cầm chắc là một tên cha căng chú kiết nào giở trò bịp, để tui xem hắn từ đâu tới, được thôi, bà mà nổi điên lên, đầu tiên là đánh gãy chân, sau đó lôi lên huyện, bất kể phải trái nện luôn hai trăm gậy cho nát mông ra, vãi cứt vãi đái ra, xem hắn còn dám xưng xưng là bố người ta nữa thôi!

 

Trên đường, gặp bất cứ ai, Giáp Con cũng níu lại, vẻ thần bí: “Bố tớ về rồi”. Họ ngớ ra, không hiểu đầu cua tai nheo làm sao, thì Giáp Con gào toáng lên:

- Tớ có bố rồi!

Chưa về tới nơi, tui đã trông thấy một cỗ xe kiệu đỗ bên ngoài cổng nhà tui, dân phố xúm xít chung quanh. Mấy đứa trẻ đầu để chỏm luồn lách giữa đám người. Kéo xe là một con ngựa mầu tía, béo núc ních. Một lớp bụi dầy bám trên xe, chứng tỏ đã đi một quãng đường dài. Mọi người nhìn tui bằng con mắt kỳ quặc, ánh mắt lấp lóe như ma trơi ngoài nghĩa trang. Bà Ngô chủ hiệu tạp hóa, vờ vĩnh ngỏ lời chúc mừng: “Xin mừng anh chị, đúng là có phúc ắt có phần, thần tài chỉ yêu người giàu sang! Đã ăn không hết mà nay lại có một ông bố từ trên trời rơi xuống, lưng giắt hàng vạn quan tiền! Chị Hai Triệu này, lợn béo vào nhà, của cải dôi ra, đại hỉ rồi!”.

Tui liếc xéo người đàn bà miệng loe như ống nhổ, bảo, bà Ngô này, bà cứ ngoác cái miệng lảm nhảm cái gì thế? Nếu nhà bà thiếu bố thì đón ông ta về, tui không tiếc mảy may! Bà ta cười hì hì, nói:

- Chị nói thật không đấy?

Tôi nói, thật thế, đứa nào không đón ông ta đi, thì nó là con la, bố lừa mẹ ngựa!

Giáp Con giận dữ ngắt ngang lời tui: 

- Đứa nào dám cướp bố tớ, tớ đập chết!

Cặp má bánh đúc của bà Ngô vụt đỏ lựng. Người đàn bà hay ngồi lê đôi mách, đơm đặt chuyện thiên hạ biết tui thân với quan lớn Tiền thì sinh lòng ghen ghét, thậm chí rất cay cú. Bị tui chửi vỗ mặt, Giáp Con lại bồi thêm một chưởng, mụ cụt hứng bỏ đi, miệng lảm nhảm những gì nghe không rõ. Tui bước lên bậc tam cấp bằng đá, quay lại nói với mọi người, thưa các vị hàng xóm láng giềng, vị nào muốn xem thì xin mời vào, không vào thì cút đi cho tui nhờ, đừng có đứng đực ra đấy! Mọi người lặng lẽ giải tán. Tui biết họ, ngoài miệng thì nịnh nọt tui bằng những lời đường mật, nhưng sau lưng thì nghiến răng nghiến lợi, chỉ mong tui nghèo xác nghèo xơ, phải đi hát rong độ nhật. Với bọn này thì chẳng cần nể nang, chẳng cần khách khí làm gì!

Vào trong sân, tui gào lên rõ to, thần linh nào giáng trần thế nhỉ? Cho tui chiêm ngưỡng một tí nào! Tui nghĩ bụng, không mềm mỏng vội, bố thật hay bố hảo thì cũng phải cho một đòn phủ đầu để lão biết tay, sau này khỏi tác oai tác phúc với con này! Tui trông thấy một chiếc ghế Thái sư bằng gỗ đàn hương quang dầu mầu huyết dụ kê ở giữa sân, một ông lão khó đăm đăm, đuôi sam bé tí trên đầu, đang lúi húi lau bụi trên ghế. Thực ra, chiếc ghế đã sạch bong, lẽ ra không cần lau chùi nữa. Nghe tui nói vậy, lão chậm rãi đứng lên, quay lại nhìn tui một thoáng, ánh mắt sắc lạnh. Mẹ ơi, cặp mắt gian giảo nằm sâu trong hốc mắt sắc như dao mổ lợn của Giáp Con! Giáp Con lon ton chạy đến trước mặt cha, nhệch miệng cười ngơ ngẩn, giới thiệu:

- Bố, đây là vợ con, mẹ cưới cho con đấy!

Lão già cũng không thèm nhìn lại tui một cái cho tử tế, miệng ừ ào mà tui không hiểu lão nói gì.

Người đánh xe sau khi đã ăn uống no nê ở quán cơm lão Vương Thăng bên kia đường, cầm roi trở lại nhà tui, cáo từ. Lão già rút tờ ngân phiếu trong bọc đưa cho anh ta, chấp tay trước ngực vái liền mấy vái:

 

- Người anh em, đi đường bình yên!

Chui cha, lão già đặc giọng Bắc Kinh, cũng phát âm chuẩn như quan lớn Tiền, không khác nhau là mấy. Người đánh xe sau khi liếc qua tờ ngân phiếu, nét mặt sầu khổ bổng tươi rói. Anh cúi rạp liền ba cái, miệng tuôn hàng tràng như đánh rắm:

- Cảm ơn lão gia, cảm ơn lão gia, cảm ơn lão gia!…

Chà, lão già quả đáng gờm, có vẻ một tài chủ lắm bạc nhiều tiền! Cái vật cồm cộm bên trong áo chùng, ắt hẳn là ngân phiếu. Nghìn lượng hay vạn lượng? Được lắm, thời buổi này ai cho sữa người đó là mẹ, ai cho tiền người ấy là cha. Tui phủ phục trước mặt lão, dập đầu một cái rõ kêu, nói như hát:

- Con chào cha!

Giáp Con thấy tui quì lạy cũng vội quì xuống, dập đầu đánh “cốp” một cái, không nói gì, chỉ cười ngây ngô.

Lão già không ngờ tui dùng đại lễ để chào lão nên lão có vẻ lúng túng đôi chút. Lão chìa hai tay ra – tui ngạc nhiên đến sững sờ khi trông thấy đôi bàn tay của lão – làm như định nâng tui dậy, nhưng không, lão không nâng tui, cũng không nâng Giáp Con, mà chỉ nói:

- Miễn lễ, miễn lễ, người nhà không nên khách khí!

Tui mất hứng, buộc phải đứng lên. Giáp Con cũng đứng dậy theo tui. Lão thò tay vào trong bọc, tui mừng thầm, tưởng lão lấy ngân phiếu cho tui. Mò mẫm hồi lâu, lão lấy ra một vật xinh xinh mầu cánh trả giơ ra trước mặt tui, nói:

- Lần đầu gặp mặt, chẳng có gì thưởng cho con, cầm cái này mà chơi!

Tui đón lấy cái đồ chơi, bắt chước lão, nói người nhà không nên khách khí. Cái đồ chơi nằng nặng, mềm nhũn, mầu xanh cánh tả trông thích mắt. Tui ngủ cùng quan lớn Tiền đã mấy năm, biết khá nhiều vật phẩm văn hóa, không đến nỗi quê mùa quá. Tui biết đây là vật quí, nhưng không biết nó là cái gì?

Giáp Con dẩu môi nhìn cha, có vẻ tủi thân. Lão cười cười, bảo.

Giáp Con nghe theo, cúi xuống. Lão già đeo vào cổ Giáp Con chuỗi hạt mầu sắc óng ả, xâu bằng chỉ đỏ. Tui nhận ra đó là chuỗi hạt cầu phước, bất giác bĩu môi nghĩ thầm, lão già, lão cho rằng con trai lão mới một trăm ngày tuổi chắc!

Về sau, tui đưa cái quà ra mắt của bố chồng cho cha nuôi xem. Cha nuôi bảo đó là cái bào tay dùng khi bắn cung, làm bằng ngọc phỉ thúy, quý hơn vàng, chỉ hoàng thân quốc thích, vương công quí tộc mới có báu vật này. Cha nuôi tay trái mân mê núm vú tui, tay phải nghịch nghịch cái bao tay, luôn miệng khen: “Của quí của quí của quí, đúng là của quí!” Tui bảo, cha nuôi thích nó thì biếu cha. Cha nuôi nói: “Không dám không dám, người quân tử không chiếm đoạt tình yêu của người khác”. Tui bảo, phụ nữ như tui, yêu cái bao tay để làm gì? Cha nuôi vẫn lựa lời thoái thác, tui bảo, nếu cha không nhận thì tui xé nát nó. Cha nuôi vội nói: “Chao ôi, nàng đừng xé, ta nhận vậy”. Cha nuôi đeo cái bao tay, giơ ngang tầm mắt ngắm nghía, quên cả công việc quan trọng là sờ vú tui. Sau đó cha nuôi đeo vào cổ tui cái tượng Bồ tát bằng ngọc. Tui mừng quá đỗi,::145i1::y mới là thứ dành cho phụ nữ! Tui vuốt râu cha nuôi, nói lời cảm ơn. Cha nuôi vật tui ra, cưỡi tui như cưỡi lên con ngựa của cha, vừa thở vừa nói:

- Mi Nương, Mi Nương, ta phải đi tìm hiểu xem bố chồng Mi Nương là con người như thế nào?

Trong khi bố chồng tui cười nhạt đầy nham hiểm, chiếc ghế thái sư và chuỗi hạt bằng gỗ đàn hương trong tay bố chồng đột nhiên tỏa mùi thơm gắt khiến tui đầu váng mắt hoa, ruột gan như lửa đốt. Lão không thèm quan tâm cha tui sống hay chết, không mảy may xúc động trước tình cảm của tui, lão run rẩy đứng lên, quẳng chuỗi hạt – vật bất li thân của lão, mắt lão tóe lửa. Cái gì làm lão xúc động đến như thế? Cái gì làm lão lo lắng đến như thế? Lão giơ hai bàn tay nhỏ xíu như tay loài yêu quái, miệng rên lên hừ hừ, mắt nhìn tui không chớp, nét hung dữ trong con mắt tan biến, lão van vỉ:

- Rửa tay… rửa tay!

 

Tui múc hai gáo nước lạnh trong ang, đổ vào chậu đồng, trông thấy lão vội vội vàng vàng ngâm tay trong nước, tui nghe thấy tiếng răng nghiến ken két trong miệng lão, không đoán được cảm giác của lão như thế nào. Tui trông thấy hai bàn tay của lão đỏ ửng lên như than hồng, những ngón tay nuột nà co quắp như móng vuốt của con gà trống. Tui hốt hoảng khi thấy tay lão như thép nung đỏ, nước trong chậu đồng phát ra tiếng lóc bóc, sùi bọt, bốc hơi. Kỳ quặc thật! Lần đầu tiên, tui được chứng kiến chuyện kỳ lạ như thế này! Lão già ngâm tay trong nước lạnh chắc khoan khoái lắm, hãy nhìn khuôn mặt lão: mắt lim dim, hít không khí vào qua kẽ răng, giữ hơi một lúc lâu mới thở ra. Rõ ràng là cách thở của anh nghiện. Đã nghiện chưa, đồ con lừa! Không ngờ lão có cái trò quỉ quái này, con yêu già!

Thoải mái lắm rồi, lão giơ hai tay nước rớt tong tỏng, trở lại ghế thái sư, khác chăng là lúc này lão không nhắm mắt nữa, mà là mở mắt nhìn trân trân hai bàn tay, nhìn những giọt nước rớt từ đầu ngón tay xuống đất. Lão thư giãn toàn thân, gân cốt chùng xuống, thỏa mãn cao độ.

Cha nuôi cũng vừa như thế trên mình tui…

Khi đó tui vẫn chưa biết lão là tên đao phủ khét tiếng. Tui cứ chăm chăm vào số ngân phiếu giắt trong người lão. Tui dịu dàng bảo lão:

- Cha ơi, hình như con đấm bóp hầu cha, cha thấy dễ chịu lắm. Cái mạng nhỏ nhoi của cha đẻ con không đêm nay thì sáng mai đi đức, dù sao cũng là xui gia, cha tính cách giúp con. Cha cứ từ từ mà nghĩ, để con nấu cháo huyết cha dùng.

Tui múc nước giếng vo gạo, cảm giác trống trải vẫn đeo đẳng trong lòng. Tui nhìn lên mái đao miếu Thành hoàng, một đàn chim câu mầu xám đang rủ rỉ, chúng đậu ken khít nhau, chẳng hiểu đang bàn bạc gì đó. Ngoài đường lát đá xanh rộn lên tiếng vó ngựa: một toán lính Đức đi qua. Qua khe hở, tui thấy chúng đội mũ hình ống có cắm lông chim. Tui giật mình, tim đập rộn lên, linh cảm thấy sự có mặt của bọn Đức liên quan đến chuyện cha tui. Tiểu Giáp mài xong dao, đang sắp xếp đồ nghề. Anh chàng cầm cây gậy bằng gỗ bạch lạp, một đầu có móc sắt, lôi một con lợn đen ra khỏi chuồng. Cái móc ở đầu gậy móc vào hàm dưới con lợn, có kêu thảm thiết, lông gáy dựng ngược, gúm người cố trằn lại, chân sau và mông miết trên mặt đất, mắt đỏ ngầu những tia máu. Nhưng nó không cưỡng nổi sức mạnh như thần của Giáp Con. Anh chàng chỉ cần nhún thấp một tí, vận sức ra tay, bàn chân như bàn cuốc từng bước từng bước lún sâu đến ba tấc, lôi con lợn ra, móng lợn cày đất thành rãnh, chẳng khác cày ruộng. Nói lại thì chậm, lúc làm thì nhanh, Giáp Con đã kéo được con lợn đến trước bàn mổ. Một tay ghìm móc, tay kia tóm đuôi lợn, anh chàng “hự” một tiếng đứng thẳng lên, nhấc bổng con lợn lên bàn mổ. Con lợn bị choáng quên cả chống cự, chỉ há miệng mà kêu, bốn chân thẳng đuỗn. Giáp Con mở cái móc quăng hẳn một bên, thuận tay cầm lấy con dao chọc tiết sắc như nước để trong chậu sành, rồi gần như không cần tính toán, anh chàng đâm một nhát vào cổ con lợn, đường dao đi ngọt như đâm vào tảng đậu phụ, ấn thêm một nhát nữa, lưỡi dao rồi cả cán dao lút sâu trong cổ lợn. Tiếng kêu im bặt, chỉ còn tiếng nấc cục, rồi tiếng nấc cục cũng không còn. Con lợn run rẩy, chân run, da run, đám lông cũng run. Giáp Con rút dao ra, lật nghiên con lợn để chỗ cắt tiết chiếu thẳng vào chậu hứng ở phía dưới. Một dòng máu nóng vuột ra, loang loáng mầu đỏ tươi, phun thẳng xuống chậu.

(hết phần 1)

Bài viết liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0913640143 - 028 99968822
Zalo:

Video clip

Copyright © 2022 Công ty Cổ phần Viện khoa học Quốc tế Stanford
Thiết Kế Website: Phương Nam Vina

Đang truy cập: 76

Trong ngày: 1004

Trong tháng: 27371

Tổng truy cập: 536648

0913640143 - 028 99968822