Nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng.
Sinh năm 1973.
Quê quán: Bắc Giang.
Sinh sống tại TP.HCM từ 1992.
Nghề nghiệp: Sáng tác văn xuôi, kịch bản, đạo diễn, kinh doanh tự do…v.v…
Tốt nghiệp Đại học KHXH & NV TP.HCM, Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.
Từng tham gia chương trình viết văn Quốc tế lần 2, do Viện văn học Lỗ Tấn và Hiệp hội các nhà văn Trung Quốc tổ chức năm 2018, tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Chiếc bình cổ (Truyện dài – NXB Kim Đồng, 2003).
– Hương hoa lý (Tập truyện – NXB Kim Đồng, 2003).
– Như những bài ca (Truyện dài – NXB Kim Đồng, 2004).
– Từ khi không còn mẹ (Truyện dài – NXB Kim Đồng, 2004).
– Mùa vải chín (Tập truyện – NXB Kim Đồng, 2005).
– Cậu bé miền xuôi (Truyện dài – NXB Kim Đồng, 2006).
– Chị Phượng (Tập truyện – NXB Hội nhà văn, 2006).
– Những giọt nắng quê ngoại (Truyện dài – NXB Văn hóa văn nghệ, 2015).
– Kẻ trộm bất đắc dĩ (Truyện dài – NXB Kim Đồng, 2022).
– Scene di vita in Vietnam (NXB Fiori d’Asia Edittrice – Italia, 2022).
Củng nhiều tác phẩm in chung và nhiều kịch bản phim đã được đưa vào sản xuất và công chiếu rộng rãi trên toàn quốc…
(Nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng)
……………………………………………………….
BÁT CƠM THIÊN HẠ
(Trích trong Tác phẩm NHƯ NHỮNG BÀI CA)
Bắt đầu một đêm làm việc. Hắn cùng làm với bốn thanh niên nữa. Cả bọn đều cởi trần trùng trục. Mới làm được một chút, hắn đã cảm thấy mệt rã rời. Mồ hôi chảy ròng ròng. Công việc này khá nặng, đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai mới chịu đựng nổi…
Ngôi làng của hắn được bao bọc gọn trong một khúc quanh hình cánh cung của dòng sông xanh hiền dịu. Ở đoạn quanh ấy, có những dải cát sạn khá dày nằm chìm dưới đáy sông. Ngày nào cũng có những chiếc thuyền từ vùng dưới ngược lên, đậu lại ở khúc sông rồi buông gàu xuống, moi cát đổ lên khoang thuyền, chở về vùng dưới phục vụ cho các công trình xây dựng. Họ moi cát bằng một hệ thống trục tời thủ công, không có động cơ. Chủ yếu dùng sức người để làm việc. Chiếc gàu lấy cát được gắn vào một chiếc sào tre khá dài, làm bằng cả một thân cây tre đực. Gắn vào chiếc gàu là hai sợi dây cáp. Sợi dây thứ nhất được gắn vào chiếc ròng rọc sau lái, cuốn vào một chiếc trục tời nhỏ. Khi chiếc gàu được thả xuống, một người dùng chân “ních” cho chiếc trục tời nhỏ cuốn lại, lưỡi gàu sẽ ăn sâu xuống dải cát dưới đáy sông. Sợi cáp thứ hai được gắn vào chiếc ròng rọc trên cột buồm, đầu dây gắn vào một chiếc trục tời lớn. Trên trục tời có năm cặp “tay hoa” làm bằng gỗ cứng được xỏ qua thân trục, tạo thành năm bộ, mỗi bộ, bốn chiếc vuông góc với nhau. Trên trục tời có năm người làm việc. Tất cả đều dùng chân đạp lên tay hoa cho trục tời cuốn lại, đưa gàu cát lên khoang thuyền.
Chiều qua, lang thang ra bờ sông ngồi ngắm những chiếc thuyền đang khai thác cát, hắn nảy ra ý định xuống đó xin việc làm tạm một thời gian. Để ý tới một chiếc thuyền màu xanh, trên thuyền chỉ có bốn người thanh niên đang làm việc. Có thể chiếc thuyền ấy đang thiếu người! Lúc trời nhá nhem tối, khoang thuyền đã đầy cát, họ nghỉ tay chuẩn bị nhổ neo. Một người trong số họ leo lên một chiếc thuyền nan bơi vào bờ. Anh ta leo lên chỗ gốc cây Gạo cổ thụ, kéo ra một cái mỏ neo rồi khệ nệ bê xuống. Hắn liền đứng bật dậy:
– Anh gì ơi!
Anh ta liền khựng lại nhìn hắn:
– Chú em cần gì?
– Dạ, ở dưới thuyền có cần người làm nữa không?
Người thanh niên gật đầu ngay:
– Thuyền đang thiếu một người đấy! Nhưng có nhận hay không, phải hỏi ông chủ. Chú em muốn biết thì đi theo anh!
Hắn nhanh nhẹn xúm lại, khiêng giúp anh ta chiếc neo xuống thuyền nan rồi bơi về chiếc thuyền lớn. Mấy thanh niên trên thuyền vẻ bặm trợn nhìn hắn chằm chằm làm hắn cảm thấy khó chịu.
– Ai vậy Hùng?
Một thanh niên lên tiếng hỏi. Người thanh niên tên Hùng vẫn im lặng, bám tay vào mạn thuyền lớn, giữ thăng bằng cho hắn leo lên. Giúp anh ta đưa chiếc mỏ neo lên sàn xong, hắn theo anh ta chui vào ca-bin. Phía trong có một người đàn ông khoảng gần năm mươi tuổi, ông ta cởi trần để lộ ra một thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh của dân sông nước.
Hắn rụt rè:
– Thưa chú! Cháu muốn xin việc làm ạ!
Không nói gì, ông ta nheo mắt ngắm nhìn hắn từ đầu tới chân một hồi lâu rồi nói:
– Tớ cũng đang thiếu một người làm. Nhưng công việc này nặng nhọc lắm. Chú em có vẻ thư sinh, liệu có kham nổi không?
Hắn gật đầu không do dự:
– Dạ, cháu làm được!
Đứng bên cạnh, Hùng cũng chen vào:
– Chú cho nó làm đi! Sức trẻ như nó không chừng vật ngã cả voi nữa ấy chứ !
Suy nghĩ thêm một lát, ông chủ thuyền khẽ gật gật cái đầu đang điểm bạc:
– Thôi được! Tùy chú em, nếu muốn làm thì chiều mai xuống đây, đêm mai bắt đầu làm việc! – Rồi ông ta nhấn mạnh thêm – Nhớ nhá! Mai làm đêm!
Hắn vội vàng cám ơn ông chủ rồi trở lại bờ bằng con thuyền nan mỏng mảnh do Hùng điều khiển. Lần đầu tiên trong đời, hắn đã “thành công xuất sắc” khi đi tìm việc làm!
Biết ý định của con trai, mẹ hắn tỏ ra lo lắng:
– Công việc ấy nặng nhọc lắm! Sống cảnh sông nước, đầy phức tạp, con phải cẩn thận!
(Ảnh bìa Tác phẩm Như những bài ca)
Chiều hôm sau. Hắn nhét mấy bộ quần áo vào chiếc ba lô cũ rồi ra bờ sông đứng đợi. Chập tối, chiếc thuyền màu xanh lại xuất hiện. Hùng lại bơi thuyền nan lên bờ bổ neo rồi đưa hắn xuống, bắt đầu một đêm làm việc…
… Hắn vừa đạp vừa thở một cách nặng nhọc. Bên cạnh hắn, một thanh niên dáng vẻ giống như côn đồ đang cao hứng với một bài vọng cổ được xuyên tạc bừa bãi. Đó là thằng Tùng, kế bên thằng Tùng còn có hai thanh niên nữa. Bọn chúng chắc cũng chỉ ngang tuổi với Mạnh. Chỉ có Hùng, lớn hơn cả. Dưới mạn là ông Phi, chủ thuyền, đang đứng điều khiển chiếc cán gàu. Thỉnh thoảng, ông ta lại ngước lên pha thêm một vài câu thật tếu táo, hài hước cho cả bọn cùng cười…
Hắn vẫn im lặng, hai môi mím chặt. Quả thật, chưa bao giờ hắn phải làm một công việc gì nặng nhọc như thế này. Đôi chân của hắn bắt đầu mỏi nhừ, hai đầu gối rệu rạo đau như đang muốn rời ra…
– Nghỉ chân một lúc! – Ông Phi bỗng lên tiếng.
Hình như chỉ chờ có thế, chiếc trục tời liền được thả tự do, quay tít. Cả bọn nhảy xuống, ngồi quây quanh một ấm trà đặc sệt đang tỏa mùi thơm phức.
– Có mệt không chú em?
Nghe ông Phi hỏi, hắn gật đầu:
– Dạ, cũng mệt! Chắc tại cháu chưa quen!
– Khi nào cảm thấy mệt quá thì cứ xuống nghỉ chân một chút rồi làm tiếp cũng được!
Ông Phi nói rồi đưa ly trà lên vừa thổi vừa nhấm nháp. Hắn cũng rót một ly, ngửa cổ uống rồi nhăn mặt:
– Chát quá!
Khoảng mười phút sau, công việc lại được tiếp tục. Đêm nay, phải lấy cho đầy khoang thuyền để sáng mai xuôi sớm. Cả bọn lại hì hục làm, cứ hai tiếng lại nghỉ giải lao một lần.
Tới nửa đêm, cả bọn nghỉ một chút, ăn cơm. Hắn dè dặt ngồi ăn bữa cơm đầu tiên trên thuyền, cũng là bữa cơm đầu tiên của đời hắn khi bắt đầu bước chân ra ngoài xã hội để kiếm sống. Bữa cơm chẳng ngon chút nào, hắn cảm thấy thế có lẽ vì quá mệt.
Ăn cơm xong, hắn cảm thấy buồn ngủ, đôi mắt muốn díp lại. Bây giờ mới nửa đêm. Hắn lại nhắm mắt, cố uống thêm vài ly trà đặc sệt nữa. Thấy vậy, ông Phi liền bảo:
– Nếu buồn ngủ quá thì cứ vào ca bin mà nằm ngủ, ưu tiên cho chú mày đấy!
Không thể được, đây là buổi đầu “ra mắt”, làm như vậy khó nhìn lắm. Hắn kiên quyết theo cho tới cùng. Dù sao thì cũng đã xong một nửa công việc rồi.
– Cháu còn làm được mà!
Hắn nói trong tiếng ngáp khiến ông Phi cùng cả bọn phải bật cười.
Đứng dậy, kéo một xô nước, hắn dội ào ào lên người cho tỉnh ngủ rồi tiếp tục leo lên ghế tời, tiếp tục làm việc.
Vừa làm, hắn vừa đưa mắt nhìn theo một ngôi sao sáng đang ngả dần về phía tây. Đây là lần đầu tiên trong đời, hắn phải thức trắng đêm để làm một công việc nặng nhọc như thế này. Ngôi sao không hề vội vã. Nó cứ nhích dần, nhích dần, từng tí, từng tí làm cho hắn cảm thấy vô cùng sốt ruột. Mới có hơn nửa đêm. Không biết bao giờ mới sáng? Hắn lại ngáp thêm một cái rõ dài. Một thứ mùi hôi hôi nồng nồng từ đống cát lại bốc lên làm hắn càng khó chịu. Vừa gật gù trong cơn buồn ngủ, đôi chân của hắn vừa đưa theo nhịp tời cho có lệ…
Sau một lần giải lao nữa, cả bọn lại cắm đầu làm việc. Khoang thuyền cũng sắp đầy. Phía hai bên bờ sông, tiếng gà đã bắt đầu lao xao gọi sáng. Ngôi sao mà hắn để ý đã biến đi đâu mất. Gương mặt hắn bơ phờ, hai chân đau nhức đã không còn một chút sức lực nào. Hai tai hắn ù đi, đôi mắt lừ đừ không ra nhắm cũng không ra mở…
Khi khoảng trời phía đông bắt đầu ửng đỏ, cũng là lúc kết thúc công việc. Cả bọn chuẩn bị nhổ neo. Hắn ngồi bệt xuống phía trước mũi thuyền, dùng hai tay bóp chân cho đỡ đau. Chiếc thuyền đã quay mũi, xuôi theo dòng nước. Không cần ai mời mọc, chỉ bảo, cũng không cần phải khách sáo, hắn nằm lăn xuống đống vải cũ rích dùng làm cánh buồm nay đã rách nát rồi ngủ thiếp đi…
… Con thuyền từ từ cập bến. Sau khi neo giữ xong, ông Phi đánh thức hắn dậy để ăn cơm. Bữa cơm sáng, hắn đã cảm thấy ngon hơn. Cái vẻ dè dặt như cô dâu mới về nhà chồng của hắn đêm qua cũng đã biến mất.
– Cố ăn cho khỏe đi em! – Bà chủ động viên – Ngày đầu tiên làm việc như vậy là cũng khá lắm rồi!
Ăn cơm xong, cả bọn lại lăn ra ngủ. Bọn thằng Tùng thở phì phò như một lũ trâu mộng. Hắn gác một chân lên chiếc cửa sổ của ca bin rồi cũng chìm dần vào một giấc ngủ thật say sưa. Trong mơ, hắn thấy mình bước đi lâng lâng như một người không có trọng lượng. Rồi hắn nhún mình bay vào một khoảng trời xanh mênh mông như một chú chim Chiền Chiện đã đầy đủ lông cánh, đang bay đi tìm kiếm một ngọn núi cho riêng mình…
* * * * *
Sau bữa cơm chiều, khi bóng hoàng hôn bắt đầu bao trùm lên dòng sông. Bọn thằng Tùng liền chui ra khỏi thuyền.
Hất hàm về phía hắn, thằng Tùng hỏi:
– Đi chơi không mày? Nằm ở đây chán bỏ mẹ!
– Thôi! Tao mệt lắm! – Hắn lắc đầu.
Bọn thằng Tùng đi rồi. Vợ chồng ông Phi cũng đã về nhà riêng trong thị xã. Chỉ còn Hùng và hắn ở trên thuyền.
– Nhà anh Hùng ở đâu? – Hắn hỏi.
– Nhà anh ở trong thị xã ấy! Lát nữa về nhà anh chơi!
Hắn vội xua tay:
– Hôm nay em mệt lắm, không đi nổi đâu!
Ngừng một chút, hắn hỏi tiếp:
– Sao anh lại đi làm công việc này? Em nghe nói ở thị xã dễ tìm việc lắm mà!
Hùng bỗng trở nên tư lự:
– Cũng vì chưa xin được việc gì nên mới phải nhảy xuống đây! Thi đại học thì chẳng đậu trường nào. Muốn ở nhà đi làm cũng chẳng kiếm được một công việc gì cho ra hồn. Chán! Nhưng không lẽ cứ ở nhà ăn bám “bà già” mãi?
Tiếng Hùng trầm xuống. Im lặng một lúc, anh hỏi hắn:
– Chú mày học hành tới đâu rồi?
– Dạ, mới hết chương trình phổ thông!
– Sao không đi học tiếp? Hay cũng thi trượt giống anh? Đi làm thuê thế này, chẳng khác gì đem tuổi trẻ quăng vào thùng rác! – Rồi Hùng thở dài.
Hắn lại càng cảm thấy buồn. Trong lòng hắn lại trỗi lên những cảm giác nao nao như những ngày đầu mới thôi học:
– Em chưa có điều kiện để đi học tiếp! Nhà em nghèo lắm!
– Thế à?…
Ngồi tâm sự thêm một chút rồi Hùng đứng dậy:
– Thôi, chú mày ở đây nghỉ nhé! Anh về thăm nhà một chút. Bữa nào khỏe thì về nhà anh chơi! Bây giờ, ở nhà còn một mình “bà già” thôi. Còn “ông già”, mất lâu rồi!
Hùng đi rồi, chỉ còn một mình hắn ở lại. Ngồi ngắm vầng trăng lơ lửng trên bầu trời xanh thẫm, hắn lại thấy nhớ nhà quá. Nhớ người mẹ gầy còm và hai đứa em nhỏ. Và lúc này, trong đầu hắn, những hình ảnh của tuổi thơ lại chợt hiện về…
Sở dĩ, hắn phải đi làm thuê ngay khi vừa rời khỏi ghế nhà trường cũng bởi nhà hắn cực nghèo. Nghèo tới mức, lắm lúc ăn còn không đủ huống chi nói tới chuyện đi học tiếp. Bố mẹ hắn đã chia tay nhau, mỗi người một ngả từ lâu. Ly dị xong, bố hắn đi lấy vợ khác, để lại cho mẹ hắn ba đứa con còn nhỏ dại. Một mình mẹ hắn phải đi làm để nuôi con, đồng lương chẳng được bao nhiêu. Ngoài giờ hành chính, mẹ hắn phải đi làm thêm đủ các công việc khác để kiếm tiền nhưng gia đình hắn cũng không thoát khỏi cảnh khó khăn thiếu thốn… Khi cơ quan của mẹ hắn phải giảm bớt biên chế. Mẹ hắn cũng là một trong số những biên chế không may mắn ấy. Lãnh được một “cục tiền” ít ỏi, mẹ hắn đưa ba đứa con nhỏ về quê ngoại, sống trong căn nhà nhỏ do ông bà để lại. Thuê được một cái sạp nhỏ nằm giữa chợ quê, ngày ngày mẹ hắn buôn bán mấy thứ quần áo, vải vóc rẻ tiền để nuôi anh em hắn ăn học…
Giờ đây, hắn đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Hắn muốn được đi học tiếp, được bay bổng với những ước mơ của mình… Nhưng hắn đi học tiếp, sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Hai đứa em hắn cũng đang ở độ tuổi ăn học, một mình mẹ hắn làm sao có thể gánh nổi? Không còn cách nào khác, hắn đành phải tạm gác lại những mơ ước cao đẹp của đời mình…
Trăng đêm nay sáng quá! Hắn ngửa mặt nhìn trời rồi lại nhẩm đếm những vì sao đang sáng long lanh. Mỗi vì sao nho nhỏ đang tượng trưng cho một ước mơ của hắn. Vậy mà trong muôn vàn những ước mơ cao đẹp ấy, hắn lại chưa mảy may thực hiện được một ước mơ nào. Cũng không phải vì hắn quá tệ mà tại vì cái vòng lẩn quẩn. “Cái vòng lẩn quẩn, cái vòng lẩn quẩn!” – Hắn thường lẩm nhẩm đọc nó như đọc một “câu ca dao” đầu tiên của cuộc đời mình vậy!
Đêm đã về khuya tự lúc nào. Hắn vẫn cứ ngồi miên man với những nghĩ suy, với những gì mà hắn đang tưởng tượng về chữ đời…
Dưới mặt nước, từng đợt sóng lấp lánh ánh trăng đang thi nhau vỗ ì oạp vào mạn thuyền, phá tan sự tĩnh mịch của màn đêm. Một giọng hát ru con trên chiếc thuyền đánh cá bên kia sông đang vọng sang, nghe mới buồn và ảm đạm làm sao! Hắn đưa mắt nhìn sang, con thuyền đen thui. Trên thuyền, một ngọn đèn dầu đỏ quạch đang tỏa chút ánh sáng lờ mờ xuống dòng sông lăn tăn gợn sóng…
(Hết đoạn trích)
Chu Quang Mạnh Thắng – 1994
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 128
Trong tháng: 24184
Tổng truy cập: 577095