(Nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng - Năm 1993)
* * * * *
Ping poong… Ping poong…
Một hồi chuông chợt reo vang. Đang mải lau cái sàn nhà, Nhừng không để ý. Cô vẫn lúi húi với công việc của một người giúp việc.
Ping poong… Ping poong…
Lại một hồi chuông nữa vang lên, dài hơn nhưng thong thả. Lúc này, Nhừng mới chịu dừng tay, dỏng tai nghe ngóng. Chắc cô nghe lộn tiếng chuông cổng nhà kế bên vì có bao giờ ông bà chủ về vào giờ này? Nghĩ vậy, cô lại cúi xuống, lau tiếp.
Ping poong… Ping poong…
Không ổn rồi, có thể ông bà có việc về đột xuất. Đúng là tiếng chuông cổng nhà mình, cô không nhầm. Quăng nắm giẻ lau vào xô nước, cô chạy ra cổng, vừa chạy, vừa chùi chùi hai tay vào vạt áo, trông đến là bận rộn.
- Chờ con chút! Chờ con chút!
Nhừng hấp tấp định mở cổng nhưng cánh cổng vẫn khép chặt. Chùm khóa treo bên ngoài khẽ kêu lách cách khi cánh cổng bị lay động. Không phải ông bà chủ, vậy thì ai nhỉ? Hay lại bọn con nít! Phá quá đi mất! Không biết người ta đang bận cuống lên đây… Nhừng lẩm bẩm rồi bực bội định lui vào nhà.
- Nhừng ơi?
Ai đó vừa gọi đúng tên Nhừng, một giọng con trai, lạ hoắc.
- Ai kêu tui đó? - Nhừng ngạc nhiên.
- Tui đây! Nhừng quên rồi hả?
- Tui là ai? Quen hồi nào?
Nhừng khẽ lại gần cánh cổng, kéo miếng kim loại nhỏ để hở ra một cái ô cửa bằng bàn tay - ô cửa mà sáng sáng bác đưa thư vẫn thường nhét một tờ báo qua đó rồi nhấn chuông cho Nhừng ra nhặt.
Một cái… mũi phập phồng lộ ra giữa ô cửa làm Nhừng giựt nảy mình.
- Ai vậy? - Nhừng lại hỏi.
- Tui đây! Nhừng quên rồi hả?
- Tui là ai? Đứng xa xa coi nào!
“Cái mũi” liền rời xích ra một chút. Nếu thò tay qua ô cửa, Nhừng có thể túm ngay được cái lỗ mũi ấy mà… kéo.
- Lạ hoắc! Xa chút nữa! - Nhừng vẫn dán mắt vào ô cửa - Chút nữa, chút nữa…
“Cái mũi” lùi xa dần rồi lộ ra thêm đôi mắt và bộ mặt… đen thui.
- Hì! Nhận ra rồi! Anh… Lọc! - Nhừng reo lên.
- Nhận ra rồi hả? - Giọng nói bên ngoài mừng rỡ.
- Ừa! Anh đi đâu đây?
- Thì… thì đi thăm Nhừng chứ còn đi đâu nữa?
Vẫn dán mắt vào ô cửa, Nhừng khẽ cười làm hai khoé mắt nhăn lại:
- Thăm Nhừng! Hôm nay anh đi thăm Nhừng? - Nhừng ngạc nhiên rồi bĩu dài môi - Xạo!
- Thiệt mà! Tui đang làm ở gần đây! Ghé thăm Nhừng một chút rồi phải về ngay!
- Thăm Nhừng, để làm chi?
- Làm… bạn chứ làm chi!
Nhừng im lặng. Cô cảm thấy sung sướng đến nghẹn ngào. Hôm nay, có một người đến thăm cô. Lại là con trai nữa chứ! Từ hồi lên thành phố tới giờ, cô có người bạn nào đâu, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà ông bà chủ và chỉ được ra ngoài đi chợ mỗi sáng sớm. Vậy mà hôm nay, có một người con trai đến thăm cô. Ôi, mừng quá! Biết nói thế nào đây nhỉ?
- Nhừng có hay về thăm nhà không? - Tiếng người con trai hỏi.
- Không! Từ hồi lên thành phố tới giờ! Mà Nhừng cũng quên đường về mất rồi!
- Không sao! Chừng nào Nhừng muốn về, tui đưa giúp!
- Thế quê anh ở đâu?
- Xa lắm! Xa hơn quê Nhừng!
- Quê em ở dưới Vĩnh Long đó!
- Tui biết rồi!
- Biết hồi nào? Xạo!
- Hồi trước, tui được nghe Nhừng nói…
- Ờ quên! Xin lỗi hén! Thế còn quê anh?
- Bạc Liêu! Nhừng tới Bạc Liêu bao giờ chưa?
- Chưa! Xa lắm!
- Gần xịt à! Cách có đốt ngón tay trên bản đồ à!
Reng… reng… reng…
Hình như có tiếng chuông điện thọai đổ. Nhừng luống cuống nói vọng ra:
- Thôi, Nhừng vô đây! Hình như ông bà chủ gọi về!
- Vậy, trưa mai tui đến!
- Ừa!
Nhừng vội chạy vào nhà nghe điện thọai. Xong, cô lại chạy ra, kéo “ô cửa” nhìn xem tên con trai hồi nãy đi chưa?
Bên ngoài vắng ngắt. Hắn đã đi rồi.
Quay vào nhà, Nhừng lại lôi nắm giẻ lau, vắt kỹ rồi lui cui ngồi lau tiếp cái sàn nhà rộng thinh. Cô cảm thấy tiếc quá. Giá ông bà chủ đừng gọi về lúc ấy thì cô còn được nói chuyện thêm vài câu nữa. Nhưng mà hổng sao, ngày mai, hắn còn đến nữa mà.
Dạo trước, ông chủ khuân về khu vườn rộng thênh một lũ chậu cây kiểng, cây nào cũng cong cong queo queo, cây thì giống con cò, cây thì giống con… con gì nhỉ, à, con hư…ơ…u! Có cây thì lại chẳng giống con gì cả, xấu ơi là xấu. Ấy vậy mà ông chủ thích lắm, cứ ra ngắm vào trông suốt cả ngày. Lại bắt Nhừng ra học cách tưới nữa chứ. Chỉ được tưới thôi, còn cắt tỉa thì phải có “tay nghề” như ông chủ mới được. Hình như vẫn chưa ưng ý lắm, ông chủ lại kéo về một đống đá xanh rồi xi măng, gạch, cát… Mấy hôm sau thì xuất hiện hai người thợ hồ. Ông chủ bảo mướn họ về để xây hòn non bộ và cái bể, thả cá tai tượng. Cái tên vừa thụt thò ngoài cổng khi nãy là một trong hai tên thợ hồ ngày trước. Tranh thủ mấy ngày xây xây, trát trát, hắn làm quen được với Nhừng, người giúp việc trong căn nhà to đùng này. Ngày hoàn tất, hắn đứng ngắm kỹ lại cái bể nước và ngọn núi con con, nửa đùa nửa thật: “Bao giờ Nhừng có biệt thự, tui sẽ xây cho một cái đẹp hơn như thế!”. Rồi hắn đi mất biệt, tưởng chừng chẳng bao giờ được gặp lại. Bỗng dưng trưa nay, hắn lại đến. Chắc là hắn muốn đến để xem Nhừng đã có biệt thự hay chưa? Tr…ờ…i… ơi, ăn còn chẳng đủ nữa là… Mà có xây được biệt thự đi nữa thì Nhừng cũng chẳng thèm xây hòn non bộ. Tiền ấy để xây cho ba má cái nhà nho nhỏ còn hơn! Ở dưới quê, ba má Nhừng và mấy đứa em vẫn ở trong cái nhà bé xíu, vách lá, mái cũng lá nhưng lại nằm trong một khu vườn không lá. Nhìn căn nhà cứ trơ trơ như một túp lều vịt. Lốc đã thổi thốc đi mấy bận, ba lại lui cui sửa chữa, che chắn, cả nhà lại ở. Trong nhà cũng chẳng có gì đáng giá nên chẳng lo bay mất. Chỉ có cái nghèo thôi, giá mà có cơn lốc nào đó cuốn bay cái nghèo đi được thì hay biết mấy. Năm ngoái, Nhừng lên mười bảy, ba má cho Nhừng lên thành phố giúp việc nhà cho vợ chồng ông Sáu. Có được công việc này cũng là nhờ một người quen giới thiệu. Nhừng ngoan ngoãn, giỏi dắn, lại xinh nữa nên ông bà Sáu rất cưng. Có điều, mỗi khi ra khỏi nhà, ông bà vẫn khoá chặt cổng. Nhừng chỉ được quanh quẩn quanh nhà, quanh sân. Điều ấy cũng chẳng sao, được ở trong một thế giới tuyệt vời như thế này đối với cô cũng đã là quá đủ. Sở dĩ, ông bà phải cẩn thận như vậy là vì dạo trước, có một chị giúp việc bỗng nổi máu tham cuỗm đi của ông bà mấy chục triệu đồng, không biết giờ này đang hí hửng ở phương nào? Ôi, phức tạp! Những người như thế làm ô nhiễm cả cộng đồng những người giúp việc khác. Nhừng ấy à, có dúi tiền vào tay cho không, cô cũng chẳng dám cầm. Ba má vẫn dạy: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” mà. Cô nhớ lắm, mỗi lần nghĩ đến ba, đến má, cô lại nghĩ đến những lời răn dạy của ba má trước lúc cô đi xa… Chắc giờ này, ba má vẫn đang lam lũ ngoài đồng với cái nắng chang chang. Nghĩ mình được - đi - ở thế này vẫn là phúc đức lắm! Bây giờ lại có bạn trai nữa chứ! Cô bỗng cảm thấy những niềm vui đang dâng lên dào dạt… Năm nay, cô đã mười tám rồi còn gì. Ở dưới quê, bằng tuổi cô, khối đứa đã bế bồng, chồng chồng con con từ khuya rồi. Cô khẽ mỉm cười nghĩ đến gã trai đen nhẻm hồi nãy và lại mong chóng đến trưa mai…
* * *
Trưa hôm sau, khi mặt trời vừa đứng bóng, Nhừng đã lau xong cái sàn nhà và ngóng cổ ra phía cánh cổng, chờ đợi, trong lòng xôn xao lạ. Cái cảnh con gái ngóng con trai, phim trên tivi ngày nào mà chả chiếu. Mà dạo này, người ta toàn là chiếu phim “Hàn Cuốc” nhá, tha hồ mà xem lũ trai gái bên ấy chúng nó hò hẹn, dỗi hờn, rồi khóc hết cả nước mắt. Ôi khiếp quá, sao mà lũ con trai con gái bây giờ chúng thay người yêu nhanh thế, cứ xoành xoạch như là thay… màu tóc ấy.
Ping poong… Ping poong…
Tiếng chuông đổ đột ngột khiến Nhừng giật bắn mình, trống ngực đập loạn xạ:
- Có tui, có tui!
Nhừng luống cuống chạy ra, kéo miếng kim loại rồi thò mũi ra ngoài.
- Ai đó?
- Là tui! - Giọng nói hôm qua.
Nhừng lùi lại một chút rồi nhìn kỹ bên ngoài. Hắn cũng đứng cách cánh cổng vừa đủ một khoảng để Nhừng có thể nhìn thấy hết khuôn mặt lấm lem mồ hôi và bụi bặm. Trên chiếc áo bảo hộ lao động màu xanh của hắn còn lấm đầy xi măng và cát…
- Anh đến lâu chưa?
- Vừa!
Im lặng. Nhừng nhìn hắn một lát, cười cười:
- Anh làm gần đây thiệt hả?
- Ừa! Có một công trình cuối phố, lớn lắm! Tranh thủ giờ nghỉ trưa, tui ghé thăm Nhừng!
- Hì hì…
Nhừng đứng mân mê cái vạt áo khiến nó quăn tít rồi cười trừ.
- Nè! - Gã trai tiến lại gần rồi muốn đưa cho Nhừng một nắm hoa dại - Nhừng có thích cái này không?
- Cỏ dại hả?
- Ừa! Tui bứt được ở gần bờ rào của công trình đấy! Ở đây, những thứ hoa này hiếm lắm!
- Ở dưới quê Nhừng mọc nhiều lắm!
- Ừa, ở quê tui cũng nhiều nữa!
- Anh thích nó lắm hả?
- Ừa! Không biết Nhừng có thích không?
- Thích! - Nhừng gật đầu.
Gã trai im lặng một lát rồi lại ghé sát lỗ… mũi vào ô cửa:
- Tặng cho Nhừng nè!
Đón lấy nắm hoa dại có lẫn những bông may, Nhừng đưa lên mũi, nghe nhột nhột. Ngày trước, Nhừng vẫn thường cầm bông may dụi vào cổ mấy đứa em khiến chúng co rụt cổ, người nổi đầy da gà rồi cả lũ cùng cười lăn ra bãi cỏ…
- Nhừng ơi?
- Ơi! Ý quên, dạ!
- Thôi, tui về đây! Sắp tới giờ làm rồi!
Nhừng im lặng một lúc rồi hỏi:
- Trưa mai, anh có tới nữa không?
- Có chứ! Trưa mai, tui lại hái hoa may cho Nhừng nữa nghe!
- Ừa, hái nhiều vô…
Gã trai đi rồi, Nhừng lui vào nhà, cầm nắm hoa dại ngắm mãi. Rồi cô cắm nó vào khe cửa sổ dưới nhà bếp, nơi cô thường bận bịu. Nhìn những bông cỏ may rung rinh, cô khẽ mỉm cười và bỗng nhớ quê hương quá chừng!
* * *
Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, hắn vẫn tới đều đều.
Rồi từ đó, cứ mỗi trưa, Nhừng lại thấp thỏm không yên. Những công việc nhà cũng được làm một cách chóng vánh hơn mọi khi, để cô có thêm chút thời gian nghe hắn trò chuyện.
Bỗng một ngày, không nghe thấy tiếng chuông reo, cô thấy lòng mình nóng ran như lửa đốt. Quanh quẩn bên cánh cổng suốt buổi trưa để chờ mà không thấy. Thỉnh thoảng, cô lại kéo miếng kim loại rồi nhìn ra bên ngoài. Hắn vẫn bặt tăm…
Hết buổi trưa, cô lui vào trong nhà, lòng buồn rười rượi.
Tối. Cả nhà vây quanh chiếc máy thu hình to tổ chảng đặt ở phòng khách. Ông bà Sáu cứ lắc đầu, chặc lưỡi liên tục:
- Tai họa! Tai họa! Khiếp quá!
- Cháy lớn quá bà ạ! Không biết có ai làm sao không?
Ở phòng sau, Nhừng đang loay hoay với vài công việc vặt. Không hiểu cháy cái gì, cô thụt thò định xem một chút nhưng chương trình đã hết. Chỉ còn tiếng ông bà Sáu than thở:
- Thảm quá!
- Tội nghiệp người ta quá, ông ơi!
- Chậc! Cháy giữa ban ngày mà không ai làm gì được!
- Ôi, có khi nào đây là một vụ khủng bố không hả ông? - Bà Sáu sợ hãi.
- Chắc là không phải đâu! Chỉ là vụ cháy thôi! Để xem bản tin sau, họ nói cái gì? Tội quá! Tội quá!…
Nhừng lui vào phòng sau, tiếp tục với công việc của mình. Cô băn khoăn: hồi nãy, cháy ở đâu thế nhỉ? Mong sao không phải căn nhà lá của nhà mình. Ôi, lại cả chết người nữa! Cô bắt đầu thấp thỏm, đứng ngồi không yên…
Trưa hôm sau, vẫn không thấy có tiếng chuông reo và người bạn trai xuất hiện. Chờ một lúc lâu, Nhừng lui vào nhà. Bật tivi xem bọn trai gái “Hàn Cuốc” thấp thỏm hẹn hò, chờ đợi nhau ra sao? Hết cả phim rồi. Cô bật sang kênh khác. Chẳng có gì để xem. Cô lại ra cửa, ngó đăm đăm về phía hai cánh cổng to đùng. Bỗng, trên ti vi lại vang lên một bản tin có những từ cháy... cháy…
Nhừng vội lao vào xem. Trên màn hình, cô thấy toàn là khói. Những cuộn khói bốc cao ngùn ngụt. Thì ra là cháy ở thành phố, cháy một ngôi nhà cao tầng (Thảm họa có thật: vụ hỏa hoạn thiêu rụi tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế ITC - TP.HCM, chiều 29-10-2002, làm chết nhiều người). Ôi, Nhừng chăm chú theo dõi và đứng lặng nhìn cảnh tượng những người bị nạn nháo nhào ôm nhau chạy ra khỏi đám cháy và cả những người trên cao đang loay hoay tìm cách nhảy đại xuống những ngôi nhà bên cạnh. Khói vẫn bốc nghi ngút, kín cả màn hình. Những tiếng còi cứu thương, cứu hỏa hú inh ỏi y như trong những bộ phim hình sự rùng rợn của Mỹ. Nhừng bật khóc khi trên màn hình hiện ra những xác người cháy đen thui và thân nhân của họ đang gào khóc, kiếm tìm, nhận dạng. Hu.. hu… Nhừng cũng khóc rống lên như chính mình đang là họ.
Buổi tối. Ông Sáu mang về cả xấp báo, ngồi tìm kiếm những thông tin về vụ cháy rồi lại mở tivi, coi đi coi lại những mẩu tin đã phát nhiều lần trong ngày.
- Chà, mấy chục người chết rồi bà ạ! - Ông Sáu kêu lên não nề.
- Tội nghiệp những người xấu số! - Bà Sáu rưng rưng chậm nước mắt rồi không nói thêm được gì nữa.
Ngày hôm sau nữa, cũng không thấy gã trai kia xuất hiện, Nhừng bắt đầu thấy lo lo. Linh tính như có điều không lành. Có lẽ nào… Không, không thể! Nhừng vội xua đi cái suy nghĩ không hay vừa chợt đến…
* * *
Tiếng chuông cổng bỗng vang lên giòn giã giữa cái nắng ban trưa. Nhừng vội lao ra như tên bắn. Cô đứng chết trân vì sung sướng. Cái khuôn mặt lem luốc của gã bạn trai mới quen đã hiện bên ngoài ô cửa…
- Xin lỗi Nhừng, mấy hôm rồi, tui phải đi xa đột xuất!
- Sao anh không cho Nhừng biết? Làm người ta lo muốn chết!
- Vậy hả? Nhừng lo cho tui nhiều lắm hả?
- Ừa! Tưởng đâu… cháy thui rồi!
- Cháy cái gì? - Gã trai ngạc nhiên.
- Cháy… Cháy mấy hôm trước đó!
Gã trai khẽ nhăn trán rồi “à” lên một tiếng:
- Hiểu rồi! Nhừng tưởng tui chết cháy rồi chứ gì?
Rồi hắn cười khì:
- Ở dưới quê, ba tui cũng điện lên hỏi thăm xem tui có… khoẻ không? Rồi ổng biểu: “Tao lo quá, thấy chết mất bao nhiêu là người!”. Ba tui cười khà khà khi biết tui vẫn bình an vô sự rồi ổng cúp máy cái cụp!
- Vậy hả? Ba anh thương anh quá hén!
- Ừa, tui cũng thương ba tui nữa!
Rồi gã trai lại cười:
- Không ngờ, cả Nhừng cũng lo cho tui!
- Tại anh bỗng dưng đi đâu mất, chẳng thèm nói câu nào làm người ta cứ tưởng…
- Ôi, tui là thợ hồ, làm gì có tiền mà lui tới toà nhà ấy! Mỗi lần lãnh lương, được ra phố uống ly cà phê đen là hãnh diện lắm rồi!
Reng… Reng… Reng…
Tiếng chuông điện thoại trong nhà lại reo vang, thật chẳng đúng lúc chút nào. Nhừng vội vã:
- Ông bà chủ gọi!
- Khoan đã! Bông may cho Nhừng nè!
Nhừng đón lấy nắm bông may rồi chạy ào vào trong nhà. Tiếng chuông chợt tắt ngấm khi cô vừa nhấc ống nghe. Chắc tại ông bà đợi lâu quá mà. Thế nào tối về, ông bà cũng la! Nhừng bỗng cảm thấy lo lo. Ngày mai, hễ điện thọai reng là cô phải vô liền!
* * *
- Đây rồi! Lần này bắt được quả tang nhá!
Một anh dân phòng túm tai tên thợ hồ rồi nói với người bên cạnh:
- Dẫn nó về phường, chờ ông Sáu xuống xử!
- Sao lại bắt tui? - Gã thợ hồ hốt hoảng.
- Vì sao à? Vì cái tội rình mò nhà người khác! - Một gã nói.
- Định ăn trộm hả mày? - Một gã khác.
- Không, không! - Tên thợ hồ càng hốt hoảng - Tui không phải ăn trộm!
- Không ăn trộm sao trưa nào cũng rình rập cổng nhà người ta làm gì?
- Tui…tui… tui gặp người quen!
- Người quen à? - Một gã trợn mắt - Mày ở đâu tới đây? Quen ai trong ngôi nhà này?
- Tui… tui quen cô…
- Quen tui! - Tiếng Nhừng và cái lỗ mũi đang thò qua ô cửa.
Mấy gã dân phòng ngạc nhiên:
- Người quen của mày hả?
- Dạ! - Tiếng Nhừng ngoan ngoãn.
- Quen gì mà cứ thụt thụt thò thò… À, tụi mày đang bày mưu tính kế gì phải không? Định rủ nhau cuỗm đồ nhà bác Sáu chớ gì?
- Mấy anh không được xúc phạm người khác! - Tên thợ hồ nói to như quát.
- Ái chà, còn bênh nhau nữa!
Dứt lời, một tay dân phòng ra lệnh:
- Đưa thằng này về phường!
- Không được bắt tui! - Tên thợ hồ hét lên - Tui không phải ăn trộm…
Mặc, hắn vẫn bị lôi tuột đi…
* * *
- Hai đứa chúng mày chịu nhau rồi hả? Sao không nói sớm? - Ông Sáu nói như trách.
Cả hai đứa ngập ngừng e thẹn. Ông Sáu lại vỗ đùi:
- Cứ nói với tao một tiếng thì chết chóc gì. Thụt thụt thò thò cho dân phòng họ bắt, dại chưa!
Hai đứa vẫn im lặng. Ông Sáu quay sang phía tên thợ hồ:
- Dạo này làm ở đâu mày?
- Dạ, cũng gần đây, thưa bác!
- Ờ, cái núi với cái hồ mày xây, ai cũng khen đẹp!
- Hì, hì… Thiệt hả bác? - Gã thợ hồ cười tít.
- Bữa nào rảnh, ghé xây giùm tao mấy cái bồn hoa!
- Dạ, chủ nhật được không bác?
- Ờ, được! Chủ nhật càng tốt!
Rồi ông Sáu quay lại đề tài cũ:
- Sao? Hai đứa bây nói thiệt đi! Có gì, tao giúp cho!
Một phút im lặng, ông Sáu lại tiếp:
- Thằng Lọc thì chịu khó, khéo tay. Con nhỏ kia thì hiền lành, ngoan ngoãn! Đẹp đôi quá còn gì…
Hai đứa khẽ quay qua nhìn nhau rồi lại thẹn thùng di di ngón chân xuống đất. Ông Sáu cười khà khà:
- Tụi bây giỏi thiệt, dám qua mặt tao! Thôi, hôm nào đưa nhau về quê cho biết nhà biết cửa!
Hai đứa lại nhìn nhau, im lặng. Những gì muốn nói, ông Sáu đều đã nói giùm hết cả rồi. Việc còn lại của hai đứa, nhìn nhau là đủ.
- Sao? Tao nói thế, nghe có được không?
Ngập ngừng một lúc, cả hai đứa cùng đồng thanh:
- Dạ… được!
* * *
Chủ nhật. Lọc dẫn theo một người bạn tới nhà bác Sáu để xây mấy cái bồn hoa nho nhỏ cạnh bức tường rào. Trong lòng Nhừng cũng vui như có hội, quay ra nhìn thấy Lọc, chạy vào cũng nhìn thấy Lọc.
Bà Sáu cười:
- Bữa nay, nhìn nhỏ này cứ như người khác ấy!
Nhừng mắc cỡ chạy biến vào bếp, làm ca trà đá rồi bưng ra cho hai anh thợ hồ. Xong, Nhừng lại chạy biến vào bếp, làm gì chẳng rõ. Lâu lâu, Nhừng lại nhìn ra vườn một cái… Cứ thế, cho đến khi hết buổi, hết ngày…
* * *
Tết. Nhừng được ông Sáu cho về quê sớm. Lãnh lương xong, Nhừng lại được ông Sáu cho thêm tiền. Mấy triệu này, cô sẽ mang về phụ cho ba sửa lại cái nhà ăn Tết cho sáng sủa. Ông Sáu còn giao cho Lọc nhiệm vụ phải đưa Nhừng về tới tận nhà cho…biết.
… Ăn Tết xong, Nhừng trở lại thành phố với gương mặt hớn hở. Bà Sáu cười, hỏi:
- Tết có vui không con?
- Dạ, vui lắm thưa bà! Năm nay, gia đình con được ở nhà mới nữa!
- Vậy hả?
- Thằng Lọc nó xây giúp chớ gì? - Ông Sáu đoán mò.
- Dạ, sao ông biết? - Nhừng ngạc nhiên.
Ông Sáu chỉ cười trừ. Bà Sáu lại hỏi:
- Thế gia đình thằng Lọc lên chơi chưa?
- Dạ rồi! Sửa nhà giúp ba má con xong, ảnh mới về quê. Được vài bữa thì ảnh đưa ba ảnh lên chơi!
- Vậy hả? Rồi ba má tụi bây nói sao?
Nhừng tủm tỉm cười:
- Dạ, họ bảo… được!
- Thế thì tốt rồi! Chừng nào thì… cưới?
- Dạ, ảnh nói cứ để từ từ…
- Vậy hả? Chừng nào tụi bây làm đám cưới, tao sẽ tặng cho bây một đôi bông tai vàng “bốn số chín”, chịu hông?
- Dạ, chịu! Nhưng có trừ vào tiền lương không bà? - Nhừng cẩn thận hỏi lại.
- Cái con nhỏ này! Tặng là tặng, còn lương là lương chớ!
Rồi bà quay sang phía ông Sáu khi Nhừng lui vào trong thay đồ:
- Hai đứa nó… đơn giản quá ông hả!
- Ờ, đôi khi thế lại hay đó bà!
Phía sau, Nhừng đã thay đồ xong và bắt đầu những công việc linh tinh trong nhà. Vừa làm, cô vừa tưởng tượng tới ngày mình được làm cô dâu. Hôm ấy, chắc mình được mặc đẹp lắm! Cả Lọc nữa… Nhưng ảnh tính: “Khi nào cưới, chỉ cần làm đơn giản thôi, vì hai đứa còn nghèo!”.
Trưa nay, ảnh cũng sẽ đến nhưng không còn phải đứng thụt thò qua ô cửa nhỏ nữa, bởi trưa nay chủ nhật, ông bà Sáu… ở nhà!
Sài Gòn - Tháng 2 - 2003
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 191
Trong tháng: 24247
Tổng truy cập: 577158