Tác phẩm Chiếc Bình Cổ - NXB Kim Đồng 2003.
(Một đoạn trích....)
Ông Vạn mất. Nhà nghèo, ông Thế phải đi vay công non, công già để lo cho ông Vạn mồ yên, mả đẹp. Muốn không bị ai moi móc chửi rủa thì phải trả đủ nợ, nhưng ông Thế nghèo quá, cuối cùng phải đi ở cho người ta đến sáu, bảy năm mà rốt cuộc vẫn chưa trừ hết nợ.
Năm ấy, vào khoảng tháng tám âm lịch, ông Thế và năm người cùng làng rủ nhau đi một chuyến bè, định lấy thật nhiều nứa để bán cho người ta buôn về hội đền Kiếp Bạc(4). Sáu người hì hục nửa tháng trời, mỗi người đóng được mấy mảng. Cả nhóm định chia làm hai “dong” để xuôi. Ai ngờ hai ngày sau thì trời đổ mưa như trút nước. Mưa xong, lại có bão. Nước sông dâng cao, ngập ngang ngọn tre ở chân đê. Những mảng nứa trôi băng băng rồi vỡ tung ra thành từng mảng nhỏ, nước cuốn đi mất tiệt. Sáu người xúm lại cố sống cố chết bám lấy mảng nứa cuối cùng, vì trên mảng còn để thùng gạo, nồi niêu, chiếu áo. Nhưng rồi tới chỗ thác nước chảy xiết, mảng nứa lao vào một cái vực toàn những bụi gai. Sáu người bị hất tung xuống nước. Mọi người cố sức vùng vẫy. Tìm được một ngọn cây ven bờ, tất cả phải bấu víu suốt một ngày trời, chờ nước rút. Lúc đói, họ cùng vớt lấy những quả sung chín trôi qua trước mặt để ăn…
Chuyến ấy, mỗi người chỉ còn độc một cái khố. Sáu người trở về được mấy ngày thì ngoài đình có việc làng. Giữa tối hôm việc làng, Nghị Điền dẫn kiểm lâm về khám gỗ. Họ nghi trong làng có người giấu gỗ lậu. Khám mãi khắp trong làng không thấy gì, họ đành hậm hực ra về. Sáng hôm sau thì có giấy của Nghị Điền gọi sáu người lên nhà tra hỏi. Ông Thế đang ốm lử đử nhưng cũng bị trương tuần bắt phải đi. Sáu người lên hầu chỉ ăn mặc toàn quần đùi áo cộc. Vào đến sân, Nghị Điền không thấy ai khăn sếp áo dài, liền cho là vô lễ, bắt quì cả xuống sân. Trời nắng trang trang, họ phải quì hàng mấy tiếng đồng hồ liền. Xế chiều, Chánh Bảng - lúc ấy đang làm lý trưởng - đi đâu về, vừa dựng chiếc xe đạp lên thềm đã nghe Nghị Điền truyền:
- Bố Lý Bảng về rồi hả? Nọc sáu tên này ra đánh cho mỗi đứa một trận vì cái tội vô lễ rồi hỏi xem chúng đi bè, chở gỗ lậu thuê cho những ai?
Chánh Bảng liền rút cạc bò ra vụt sáu người không biết chán tay. Vừa đánh, lão vừa bắt mọi người khai chỗ giấu gỗ lậu. Năm người kia còn khỏe, bị đòn chỉ nhắm mắt cố chịu. Riêng ông Thế đang ốm, lại bị đánh đau quá không chịu được liền đứng dậy, bỏ chạy. Chánh Bảng cho người đuổi theo, tới đầu làng thì bắt được, lôi về. Chánh Bảng lại tiếp tục đánh cho tới lúc ông Thế ngất lả đi, toàn thân tím bầm...
Tuy không được tận mắt chứng kiến cảnh lão chánh Bảng đánh bố mình nhưng mỗi khi nhớ đến câu chuyện này, lòng cụ Hoàng lại đau như cắt. Gần cả một đời, ông Vạn, ông Thế - ông, cha của cụ Hoàng - phải bán rẻ sức lao động cho ông, cha nhà lão chánh Bảng. Đến đời chánh Bảng, Pháp còn dành cho lão một mối lợi mới: buôn tiền nhà nông phố(5). Chánh Bảng vay tiền nhà nông phố rồi đem cho những người buôn bán vay lại hoặc cho nông dân cầm ruộng, cầm đồ với mức lãi khá cao. Tiền bạc chảy vào túi lão ào ào. Ấy là chưa kể đến những ruộng vườn, nhà cửa của con nợ đến hạn chưa có tiền chuộc bị chánh Bảng chiếu theo văn tự chiếm mất. Trong số đó, có cả cánh đồng của một gia đình họ Phan mà sau này, người ta thường gọi là cánh đồng Phan. Những lợi tức đó cùng số tiền của tồn tích mấy đời, chánh Bảng đem ra tậu thêm ruộng đất rồi thuê người làm. Dọc bờ sông, lão còn cho mở một đồn điền cam dài hàng mấy cây số. Tới mùa thu hoạch, cam chín vàng rực cả một vùng rộng bao la. Giới kinh doanh thời đó gọi lão chánh Bảng là ông “vua cam”.
Năm Đinh Sửu (1937) mưa nhiều, vùng này lũ lụt tràn lan, nông dân mất mùa, nạn đói có nguy cơ xảy ra khắp nơi, người ăn xin khắp chốn. Ở đồn điền của chánh Bảng, người ta đua nhau xin vào làm công với cái giá hết sức rẻ mạt, cốt để được sống qua ngày. Chánh Bảng là kẻ vô cùng ác độc. Lão luôn ra tay đánh đập những kẻ làm thuê làm mướn không thương tiếc. Có người bị lão đánh đập tàn nhẫn đến mức độ không ăn uống gì được, rồi ốm mà chết. Chính mắt cụ Hoàng đã được chứng kiến cảnh lão chánh Bảng đánh một lúc hơn trăm người. Hôm ấy, vào cái dịp tổng này được phong bốn chữ “Thuần - Phong - Mỹ - Tục”, chánh Bảng đôn đốc dân đinh hàng tổng đắp đường, dựng cổng chào để mở hội đón mừng. Anh em dân đinh làm việc quần quật từ sớm đến trưa. Tới giờ nghỉ, họ giở cơm nắm ra ăn rồi kéo nhau xuống sông tắm. Tiếng trống báo giờ làm ở trên đê vang lên, do mải trò chuyện nên họ không nghe thấy. Chánh Bảng cưỡi ngựa đến hỏi: “Sao giờ này chưa có ai làm?”. Phó lý, trương tuần bẩm: “Họ đang tắm dưới sông, chúng con đã cho người đi gọi!”. Chánh Bảng liền cho lính lệ gác khắp ngả, chỉ để duy nhất một con đường từ dưới sông đi lên rồi sai phó lý xuống tận nơi đốc thúc. Chánh Bảng cầm cạc bò đứng chờ sẵn. Mỗi người đi qua, lão đánh đủ mười roi, ai nghiêng mình né tránh hoặc tìm cách che đỡ, lại bị đánh thêm năm roi. Trong số hơn một trăm người dân đinh hôm ấy, không có ai thoát đòn…
Cụ Hoàng mồ côi cha khi tuổi còn rất nhỏ. Ông Thế mất đi, nhà lại càng nghèo thêm. Gia đình bốn, năm miệng ăn, nhiều khi cháo cũng không đủ húp. Lớn lên, cụ Hoàng lại phải nối gót cha mình là ông Thế đến ở đợ cho nhà lão chánh Bảng. Kể đến đời cụ là đúng ba đời đi ở đợ. Cũng “nhờ” có mấy đời đi ở đợ, làm thuê cho dòng họ nhà chánh Bảng nên cụ Hoàng được chánh Bảng cho làm việc nhà, không phải ra đồng cày cấy như kẻ khác. Lão bảo cụ: “Như thế là phúc cho mày rồi đấy!”. Phúc đâu chẳng thấy, chỉ thấy lão bắt làm việc quần quật suốt ngày. Sơ ý một chút là bị đòn. Mỗi lần bị đòn, ít nhất cũng phải bị vụt hơn chục cái “cạc bò”.
Một lần, chánh Bảng sai cụ Hoàng cùng đám gia nô lên căn nhà hai tầng quét dọn, lau chùi sạch sẽ từng hạt bụi bám trên nền nhà cùng các đồ vật mà lão trưng khắp phòng, để lão chuẩn bị tiếp đón khách quí. Trong khi lau chùi, cụ Hoàng sơ ý để rơi một chiếc bình sứ xuống nền nhà, chiếc bình vỡ tan. Đám gia nô lo lắng nhìn nhau rồi xúm lại khuyên cụ tìm cách trốn đi ngay. Nếu không, sẽ khó mà sống nổi với chánh Bảng. Cụ Hoàng sợ hãi gom vội những mảnh vỡ của chiếc bình, đang định tìm cách thoát ra khỏi nhà chánh Bảng thì bị phát hiện. Một cặp bình tuyệt đẹp, bây giờ chỉ còn một chiếc đứng trơ trơ. Chánh Bảng điên tiết rút cạc bò ra đánh cụ Hoàng thâm tím hết mình mẩy rồi nhốt vào chuồng bò một ngày liền. Hôm sau, chánh Bảng cho gọi cả nhà cụ Hoàng lên rồi phán: “Mày, mẹ mày và các em mày, từ nay phải đi ở không công cho nhà tao để trừ nợ!”. Từ đó, cả nhà cụ Hoàng phải phục dịch cho nhà chánh Bảng. Mỗi bữa, mỗi người chỉ được ăn một bát cơm thừa, không cháy thì cũng thiu hoặc hẩm…
Chu Quang Mạnh Thắng
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 189
Trong tháng: 24245
Tổng truy cập: 577156