Văn học nghệ thuật

Nam Du 'Du ký' - Kỳ 2: Trở lại Nam Du (2015) - Truyện ký của Chu Quang Mạnh Thắng

Ngày đăng: 12-12-2022 08:58:04

(Bài viết đã được in trong một số tuyển tập văn xuôi và một số trang báo online)

------------------------------------ 

Sáng sớm ở Hòn Sơn. Mặt trời còn chưa lên. Trong căn nhà trọ, nhóm “phượt thủ” do tôi cầm đầu đã đều thức giấc. Nằm nghe gió thổi vù vù bên ngoài, cả bọn đều nhìn nhau, lo lắng. Tôi nói với Tú (một “phượt thủ” trong nhóm):

- Gió thổi kiểu này, sóng sẽ lớn lắm. Có thể bọn mình sẽ không đi Nam Du được.

Tú và những “phượt thủ” khác ngồi yên lặng, vẻ buồn buồn…

Năm 2008, Tú đã theo tôi khám phá Nam Du một lần, nên tôi và hắn chẳng còn lạ lẫm gì với quần đảo này. Chỉ tiếc cho mnấy bạn trẻ đi cùng chuyến này, từ lâu, họ đã háo hức được một lần đến với Nam Du, trong đó, có cô bạn gái của Tú vừa từ Hà Nội bay vào. Do đúng dịp lễ 30/4 nên tàu cao tốc đi Nam Du đã hết sạch vé. Bọn tôi phải đi tàu chợ từ Rạch Giá ra Hòn Sơn, rồi từ đây, sẽ tìm cách vượt biển qua Nam Du. Hôm qua, tôi đã dẫn nhóm bạn trẻ đi khám phá Hòn Sơn suốt một ngày liền. Họ đều cảm thấy thích thú, mặc dù trời tháng tư nắng như thiêu đốt. Năm 2008 tôi và Tú cũng đã từng khám phá hòn đảo này. Hồi đó Hòn Sơn còn hoang sơ, chưa có đường bê tông bao quanh đảo như bây giờ. Muốn đi đâu, bọn tôi đều phải lội bộ. Bây giờ thì thuê xe máy chạy vèo vèo, nên chỉ cần một ngày là khám phá hết hòn đảo, và tha hồ chụp choẹt, vui chơi, tắm tắm thỏa thích…

Ăn sáng xong, chúng tôi đến điểm hẹn với nhà ghe. Tối qua, bọn tôi đã liên hệ được với một ngư dân trên đảo (cũng là người quen cũ), và họ đã đồng ý chở bọn tôi qua Nam Du bằng chiếc ghe câu mực của chính gia đình họ. Bọn tôi sẽ chịu phần tiền xăng dầu, và tất cả các chi phí liên quan tới chuyến đi.

Nhìn những ngọn cây đang ngả nghiêng trước những cơn gió thổi vù vù, anh ngư dân có vẻ ngao ngán:

- Gió này, sóng cao dữ lắm. Tôi e mọi người sẽ không chịu nổi đâu.      

Nhóm bạn trẻ nhìn nhau, rồi họ nhìn tôi, chờ quyết định cuối cùng của tôi.

- Bọn tôi chịu được. Chỉ ngại anh vất vả thôi. – Tôi khẳng định chắc như đinh đóng cột.

- Bọn tôi là dân biển nên quen rồi. Chỉ sợ mấy anh thôi, mà nhóm lại có cả nữ nữa, nên…

- Không sao đâu. Bọn tôi là dân “phượt” chuyên nghiệp. Đi biển cũng nhiều rồi. – Tôi trấn an anh ngư dân, cốt để anh đồng ý đưa bọn tôi qua Nam Du. Và thực ra trong nhóm, chỉ có mình tôi là người đã từng đi biển nhiều. Còn mấy anh bạn trẻ kia, có người, đây là lần đầu tham gia hành trình trên sóng biển, và có vài bạn còn chưa… biết bơi.

Sau một hồi hội ý, bàn bạc, chúng tôi vẫn quyết định hành trình. Tôi nhờ anh bạn nhà ghe mượn thêm bốn thanh niên nữa đi cùng để có người hỗ trợ khi chẳng may xảy ra sự cố trên biển, họ đều là dân đi biển thực sự, và có khả năng bơi lội giỏi. Các thành viên đều phải khoác áo phao khi hành trình trên biển, và bọn tôi mang lên ghe khá nhiều can nhựa, bình nhựa (mượn của dân đảo), và các can, bình, phao cứu sinh… được cột dính thành một dây với nhau, chúng sẽ tạo thành một “dây phao” liên kết với nhau, để phòng ngừa bất trắc…

* * *

Chiếc ghe câu mực bắt đầu nổ máy, rời khỏi Hòn Sơn. Các thành viên trong nhóm “phượt” bắt đầu cảm thấy hồi hộp khi chiếc ghe dần dần rời xa khỏi hòn đảo, và thấy những ngọn sóng cũng bắt đầu mạnh dần, cao dần.

Ra khỏi Hòn Sơn chừng hơn một hải lý (khoảng 2 km), một số thành viên trong nhóm bắt đầu nôn ói do không quen với sóng mạnh…Những cơn sóng biển vẫn cao dần, cao dần, và đã có những ngọn sóng cao khoảng hai mét rưỡi (anh lái ghe nhận định).

Chiếc ghe câu nhỏ xíu liếc theo những con sóng lớn, lúc nghiêng sang phải, rồi bay lên đỉnh ngọn sóng, rồi lại lao xuống, liếc sang trái, rồi lại bay lên… Mỗi cú liếc, mạn ghe lại nghiêng sát một bên xuống mặt nước và sóng đánh tung tóe, nước biển văng đầy mặt các thành viên…

Không ai bảo ai, nhưng tất cả đã bắt đầu cảm cảm thấy hồi hộp, lo âu, và nhận thấy, đây là một hành trình vượt biển đầy điên rồ, có lẽ là điên rồ nhất từ xưa tới nay của chính tôi và tất cả bọn họ…

Hành trình bằng ghe câu từ Hòn Sơn  qua Nam Du, và do sóng lớn, nên sẽ mất khoảng hơn ba tiếng đồng hồ - Một anh ngư dân cho biết. Từ Rạch Giá (Kiên Giang) ra Nam Du, khoảng 65 hải lý (tương đương với gần 120 km đường biển). Hòn Sơn  nằm ở giữa hành trình từ Rạch Giá ra Nam Du, và hành trình bọn tôi đang đi, từ Hòn Sơn  qua Nam Du, khoảng gần 60 km đường biển, với chiếc ghe câu mực nhỏ xíu và biển rộng mênh mông, với những con sóng cao trung bình là hai mét rưỡi. Thật là điên rồ đúng mức. Nhiều thành viên trong nhóm của tôi bắt đầu tỏ vẻ sợ sệt. Không phải riêng họ, mà ngay cả chính tôi cũng đang hồi hộp, vì những con sóng lớn có thể hất tung và nhấn chìm chiếc ghe và cả bọn bất cứ lúc nào. Mà không phải chỉ riêng bọn tôi, cả anh ngư dân điều khiển ghe và mấy ngư dân đi theo cùng cũng đang tỏ vẻ căng thẳng…

- Nể anh lắm nên bọn tôi mới chở đi kiểu này đấy! – Anh chàng điều khiển ghe nói với tôi.

Chẳng là, bảy năm trước, khi tôi ghé Hòn Sơn  lần đầu, tôi và anh đã quen biết nhau và thân thiết với nhau. Nên kỳ này, anh coi tôi như bạn thân, nên mới mạo hiểm đưa bọn tôi vượt biển kiểu này. Ngoài việc mạo hiểm, bọn tôi còn đang vi phạm luật an toàn giao thông trên biển. Nếu bộ đội biên phòng mà phát hiện, họ sẽ “xử lý” chủ ghe và cả nhóm bọn tôi ngay lập tức.

Có lẽ, cái số tôi luôn vất vả mỗi khi đến với Nam Du. Hồi bảy năm trước, khi tôi đặt chân tới Nam Du lần đầu, hồi đó Nam Du còn hoang sơ và chưa có khách du lịch, thi thoảng mới có một kẻ điên điên khùng khùng giống như tôi tìm đến quần đảo và lội bộ quanh những hòn đảo để khám phá, ngắm nghía, và chụp chọet…Chuyến ấy, tôi cũng bị kẹt ở Nam Du mất mấy ngày, do đi giữa những đợt áp thấp, gió thổi, và biển động mạnh, các phương tiện ghe tàu đều bị cấm ra khơi. Con tàu khách trọng tải hơn 500 tấn cũng phải neo đậu ở khu cầu cảng, nằm chờ. Chuyến đó, tôi phải ở Nam Du mất mười ngày, thay vì chỉ có một tuần theo kế hoạch ban đầu. Và hồi đó, tôi cũng đã được chứng kiến cảnh dân đảo khổ sở vì suốt mấy ngày không có “đò”, nguồn hàng hóa tiếp tế từ đất liền ra đảo bị tê liệt hoàn toàn. Người dân cạn kiệt lương thực, thực phẩm. Một số quán ăn ở gần cầu cảng suốt mấy ngày liền không có bánh phở để bán và các quán đều phải tạm đóng cửa…

* * *

Hơn một tiếng đồng hồ cùng chiếc ghe câu bay lên, chúi xuống, liếc ngang, liếc dọc…mà vẫn an toàn… Bọn tôi bắt đầu cảm thấy an tâm hơn, và bắt đầu cảm thấy thú vị với cái “trò chơi” đầy cảm giác mạnh này. Trong nhóm, có vài bạn trẻ nằm bẹp dưới lòng khoang của ghe câu, do say sóng và nôn ói ra cả mật xanh lẫn mật vàng. Ơn trời, vì sức khỏe của tôi thật tốt. Trong nhóm “phượt thủ”, có lẽ chỉ còn mình tôi và Tú là không hề hấn gì. Không chỉ riêng nhóm tôi, cả nhóm thanh niên bơi lặn cực giỏi mà bọn tôi mượn đi theo, cũng có một người say sóng và bắt đầu tỏ vẻ mệt mỏi. “Bọn tôi là dân biển, nhưng dạo này ít đi biển, gặp sóng lớn kiểu này, cũng… khó chịu quá” - Anh chàng này cho biết.  

Chiếc ghe câu vẫn liếc ào ào theo những con sóng lớn… Tôi quay lại nhìn về phía Hòn Sơn, nơi chúng tôi đang dời xa dần dần…

Đảo Hòn Sơn nằm giữa Hòn Tre (Từ Rạch Giá ra Hòn Tre rất gần) và quần đảo Nam Du. Đảo có nhiều phong cảnh hoang sơ tự nhiên và những bãi biển dài. Hòn Sơn  là một quần thể núi rừng nguyên sinh bao gồm nhiều loại cây cối và động vật. Hòn Sơn còn có một tên gọi khác là Hòn Sơn Rái, do trước đây trên đảo có rất nhiều rái cá sinh sống. Đảo thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, nằm cách thành phố Rạch Giá 65 km về phía tây, với diện tích 11,5 km2. Bảy năm trước, khi tôi đến Hòn Sơn, phong cảnh tại Hòn Sơn  lúc đó vẫn còn hoang sơ lắm, chưa có khách du lịch như bây giờ.

Chiếc ghe câu đi được khoảng một nửa hành trình, thì bắt đầu nhìn thấy những hòn đảo của Nam Du hiện ra dần dần… Những bạn trẻ trong nhóm của tôi đều ngóc đầu nhìn về hướng Nam Du, và tôi lại nhận ra những ánh mắt háo hức của họ, xen lẫn những sự mệt mỏi đang còn lộ ra trên những khuôn mặt trẻ trung…Họ đều là bạn tôi, và từ lâu đã háo hức được đến với Nam Du một lần. Xui cho họ và cả cho tôi, chọn thời điểm nào không chọn, lại chọn ngay đúng thời điểm lễ lạt, và tàu cao tốc đã… “cháy vé” từ nhiều ngày trước, nên cả bọn mới đành phải “vượt biển” kiểu này…

Nam Du kia rồi. Đã hơn bảy năm, tôi mới lại có dịp ghé thăm lại quần đảo này. Ở đây, hầu như đảo nào tôi cũng có người quen, vì trước đó, như đã kể, tôi đã có mười ngày sống lang thang trên khắp quần đảo nho nhỏ xinh xinh này…

Chuyến đi kỳ này của tôi, cũng chủ yếu là để được gặp lại một số người trong bọn họ, những người bạn mà tôi đã thân quen từ hơn bảy năm trước. Rất nhiều lần nhắn gọi nhau về chơi, rồi lại hứa hẹn. Và cho tới ngày hôm nay, sau bảy năm đằng đẵng, tôi mới thực hiện được lời hứa của mình…

* *

Chiếc ghe câu từ từ tấp vào khu vực cầu cảng thuộc Bãi Chệt của Hòn Lớn – Nam Du. Sóng lớn, khiến các tàu thuyền neo đậu quanh khu vực cầu cảng đang thi nhau nhảy chồm chồm.

Theo một số tài liệu, thì cái tên Nam Du xuất phát từ thời vua Gia Long. Cũng có tài liệu nói rằng, cái tên "Nam Du" xuất phát từ tên "Nam Dự" (nghĩa là "đảo phía nam") do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ nho thời xưa. Còn theo bản đồ của người Pháp, ghi là Puolo Dama. Nam Du còn một tên gọi khác là Củ Tron (Củ Tron là hòn đảo lớn nhất của cụm đảo và người dân còn gọi nó là Hòn Lớn).

(Nhà văn CQMT ở Bãi Chệt - Hòn Lớn - Củ Tron - Nam Du, 2015) 

Theo Nam Du ký của nhà văn Anh Động, “Vào năm 1870, sau khi thất thủ thành Gia Định lần thứ 2, Chúa Nguyễn Ánh cùng một đám tàn quân bị quân Tây Sơn truy đuổi ráo riết, phải chạy ra biển Tây và tấp vào hòn đảo này  lẩn trốn. Do thiếu lương thực, cả đoàn phải đi đào củ nầng có dáng hình tròn tròn về nấu ăn cho đỡ đói. Đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế, chạnh nhớ đến những nơi mình đã từng ẩn náu thời bôn ba tẩu quốc, ông đã đặt tên cho hòn đảo này là hòn “Củ Tròn”. Vị quan hành khiển vốn người Ngũ Quảng, mang chiếu chỉ đến đây, tập hợp dân chúng, và đọc theo giọng Quảng, hai tiếng “Củ Tròn” đọc thành “Củ Tron”. Dân nghe chiếu dụ bảo “Tron” thì phải gọi theo là “Tron”, đâu ai dám kháng chỉ. Vậy là cái tên Hòn “Củ Tron” bắt đầu có từ đó. Cái bãi mà vua và đoàn tùy tùng trú ẩn, cũng có tên là Bãi Ngự, nằm phía tây bắc của Củ Tron, ở đây, hiện nay vẫn còn một cái giếng nước mà ngày xưa Nguyễn Ánh cho binh sĩ đào để lấy nước ngọt, cũng được gọi là “Giếng Ngự”…  

(Toản cảnh Bãi Chệt và khu cầu cảng, Hòn Lớn, Củ Tron - Nam Du. Ảnh: CQMT, chụp 2008)

Củ Tron cũng là hòn rộng nhất của quần đảo Nam Du. Hòn này có diện tích khoảng 9 km2.

Hiện nay, Quần đảo Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải – tỉnh Kiên Giang, gồm có 21 hòn đảo lớn nhỏ, thuộc hai xã An Sơn và Nam Du, trong đó có hơn một chục hòn có cư dân sinh sống. Đa số người dân ở đây sinh sống bằng nghề đánh bắt, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Một số ít mở dịch vụ kinh doanh, buôn bán, cho thuê nhà trọ, chạy xe ôm.v.v…

Phải vất vả một lúc, bọn tôi mới leo được lên cầu cảng (thuộc Bãi Chệt – Hòn Lớn) và bắt đầu hành trình thăm lại Hòn Lớn và toàn bộ quần đảo. Về nguồn gốc của Bãi Chệt, theo dân gian truyền lại, vào thế kỷ 16, trên vùng biển này đã xảy ra một trận thủy chiến dữ dội giữa đoàn tàu buôn của Hà Lan và của người Trung Quốc. Sau trận thủy chiến, mấy hôm sau, có hàng trăm xác người chết trôi dạt vào bãi này, từ đó người dân gọi bãi này là “Bãi Chết”. Nhưng có lẽ cái tên “Bãi Chết” nghe ghê quá, nên sau này nó được gọi chệch đi là Bãi Chệt. Một hòn đảo phía đông nam của quần đảo, sau trận thủy chiến, cũng đọng đầy máu tươi, và được người dân gọi là “Hòn Máu”, nhưng có lẽ cái tên “Hòn Máu” cũng ghê quá, nên sau này nó được gọi chệch đi là… “Hòn Mấu”. Ở quần đảo này, hầu hết các tên hòn đều có một sự tích riêng, và đầy thú vị…

(Một phần phía bắc của Hòn Lớn, Củ Tron, nhìn từ trạm hải Đăng Nam Du. Ảnh: CQMT, chụp 2008)

* *

Khác với bảy năm trước, khu vực cầu cảng giờ đây sầm uất hơn, đông đúc hơn, với nhiều quán ăn, nhà trọ, và hàng loạt các dịch vụ ăn theo khách du lịch.

Hồi năm 2008, Ở Hòn Lớn không có bất cứ một quán cơm “bụi” nào (chỉ có vài quán bán bún, hủ tiếu, vào buổi sáng và buổi tối). Muốn ăn cơm, chỉ còn cách nhờ chủ nhà trọ nấu giúp với giá 20.000 - 25.0000đ/ một phần cơm. Bữa ăn lúc đó không sang, nhưng cũng có đủ rau, thịt, cá.

Ở Nam Du, nguồn điện ở các đảo được cung cấp từ các máy phát điện chạy dầu. Còn nguồn nước, chủ yếu lấy từ các mạch nước ngầm từ trên núi chảy xuống. Vào mùa khô, nước ở đây rất khan hiếm, mặc dù bây giờ đã có một hồ nước dự trữ khá lớn được xây dựng ở ngay trên Hòn Lớn.  

Đúng dịp nghỉ lễ nên khách “du lịch bụi” kéo nhau ra Nam Du khá đông. Các khu nhà trọ, quán ăn, quán giải khát ở Bãi Chệt tấp nập những người…

Khác với gần chục năm trước, bây giờ, Hòn Lớn đã có đường bê tông chạy quanh đảo. Con đường tạo nên nhiều thuận lợi trong vấn đề đi lại trên đảo, nhưng nó đã phá tan những nét đẹp ban đầu của hòn đảo. Hồi trước, hòn đảo đẹp lắm, giờ bị đào bới vòng quanh, từ xa nhìn vào, thấy nó như một… con cóc ghẻ... (Có lẽ, tôi nói cũng hơi quá. Nhưng sự thật là ngày trước, khi chưa bị đào đường, tôi thấy hòn đảo đẹp hơn bây giờ nhiều).   

Tôi và nhóm bạn trẻ thuê xe gắn máy ở Bãi Chệt, và bắt đầu hành trình quanh đảo. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là đỉnh cao hơn 300m của Hòn Lớn. Từ cầu cảng đi lên đỉnh núi, nơi có ngọn hải đăng với tầm nhìn địa lý 28 hải lý và một doanh trại quân đội, dài chừng gần 3 km. Ngày trước, tôi và Tú đã quyết định chinh phục đỉnh cao này bằng đôi chân của chính mình. Hồi đó tụi tôi lội bộ cả buổi mới lên tới trạm hải đăng Nam Du.

Đường lên Đài (theo cách gọi của dân địa phương) phải vượt qua nhiều đỉnh núi cao và dốc đứng trước khi leo lên đỉnh cao nhất. Vừa đi, chúng tôi vừa tranh thủ thả tầm nhìn ra mọi phía và tranh thủ dừng lại những điểm quan sát đẹp nhất và chụp lấy những bức ảnh đẹp nhất.  

Lên tới đỉnh Hòn Lớn, chúng tôi được các anh nhân viên trạm hải đăng đón tiếp niềm nở. Đứng trên trạm đèn, có thể bao quát được hầu như toàn cảnh của quần đảo, đẹp như những bức tranh. Đứng ở đỉnh cao này, nếu hôm nào trời trong, có thể nhìn thấy cả đảo Thổ Chu và Phú Quốc bằng mắt thường.

Chia tay với đỉnh cao nhất, chúng tôi quay trở xuống và bắt đầu chạy xe quanh đảo. Ngày xưa, khi chưa có đường, bọn tôi phải lội bộ, nhảy ghềnh quanh đảo, cả ngày ngảy ghềnh mới khám phá được một góc đảo. Bây giờ, phóng xe máy ào ào một chút là đã dạo quanh toàn bộ hòn đảo. Từ Bãi Chệt, chúng tôi chạy dọc theo con đường bê tông qua bãi Tuồng, bãi Giếng, bãi Cỏ Lớn, bãi cỏ Nhỏ, bãi Cây Mến - một bãi tắm đẹp nhất của đảo này… Sau đó, tôi dẫn nhóm bạn trẻ phóng xe máy xuống Bãi Ngự nằm ở sườn tây-bắc của Hòn Lớn. Bãi Ngự khá đẹp, là nơi trú ngụ của một làng chài nhỏ. Tôi kể cho nhóm bạn nghe một số câu chuyện sự tích về Bãi Ngự, Giếng Ngự… và chỉ cho họ thấy chiếc giếng Ngự nằm ngay cạnh lối đi xuống bãi Ngự, đó chính là một chiếc giếng khi xưa được Nguyễn Ánh cho đào khi ông ta chạy ra đây để trốn tránh quân Tây Sơn, nhưng những bút tích ghi trên tảng đá cạnh giếng đã bị con đường bê tông ngày nay lấp mất. Nhóm bạn trẻ cảm thấy khá thích thú với những gì mà họ vừa khám phá được. Chẳng riêng gì nhóm bạn trẻ này, mà hầu như rất nhiều nhóm bạn trẻ khác, họ ào ào kéo nhau ra đây theo phong trào “đi phượt”, vì nghe nói quần đảo này khá xinh đẹp. Thế thôi, chứ ít thấy ai tìm tòi, nghiên cứu, xem cái lịch sử của quần đảo này thế nào, đời sống của người dân ra sao…v.v… Với họ, được đàn đúm với nhau, và được đi, được ngắm phong cảnh và chụp ảnh, thế là thỏa mãn lắm rồi, quan tâm tới những thứ khác làm chi cho nhức đầu…

Sau khi dạo quanh bãi Ngự, chúng tôi chạy xe về Bãi Chệt và bằt đầu ăn trưa tại một quán ăn gần khu cầu cảng. Vẫn còn một cung đường nữa ở Hòn Lớn mà tôi chưa dẫn nhóm bạn trẻ này đi, đó là phần phía Bắc của Hòn Lớn. Phần này chưa có đường bê tông chạy bao quanh, chỉ có đường rừng, xuyên từ khu hồ nước ngọt dự trữ, xuyên qua rừng, tới các bãi ở phía Bắc như Bãi Nhum, Bãi Giếng Tiên, Bãi Đá Trắng...v.v… Năm 2008, do không biết đường, tôi và Tú đã mấy phen bị lạc trong rừng. Cuối cùng, chúng tôi đành phải quay ra và chọn cách lội bộ từ cầu cảng vòng lên phía bắc của hòn đảo. Chúng tôi lội bộ sát mép nước và leo qua những tảng đá trơn nhãy cùng những mom ghềnh nhấp nhô, nhọn sắc, đầy nguy hiểm, khiến bàn chân bọn tôi bị nhiều vết trầy sước và rỉ máu. Những ngọn sóng lớn thi nhau ập vào những mom ghềnh rồi bắn tung tóe khiến chúng tôi ướt hết như chuột lột và những vết sước gặp nước biển, sót đến tận gáy. Sau mấy tiếng lội bộ, nhảy ghềnh đầy vất vả, chúng tôi đặt chân tới bãi Nhum, một bãi đá khá đẹp nhưng chỉ có gia đình ông Ba Đúng, một gia đình duy nhất cư ngụ (nhiều người dân ở đây gọi gia đình ông là gia đình Rô-Bin-Sơn). Ông Ba vui vẻ đón tiếp chúng tôi và chặt cho chúng tôi mỗi thằng một trái dừa để uống cho qua cơn khát. Ông Ba cho biết, ông đã cư ngụ ở đây mấy chục năm rồi. Quê ông ở Đồng Tháp. Hồi trẻ, ông trốn lính (lính ngụy) nên chạy ra đây. Sau khi chia tay với gia đình ông Ba Đúng, chúng tôi tiếp tục cuộc phiêu lưu. Sau một chặng đường đầy ghềnh đá nữa thì chúng tôi đặt chân tới bãi Đá Trắng. Ở đây cũng chỉ có vài hộ gia đình sinh sống. Đứng từ bãi Nhum, bãi Đá Trắng, có thể quan sát được rất rõ một số hòn như Hòn Dâm, Hòn Mốc, Hòn Hàng, Hòn Nhàn và Hòn Tre. Leo ghềnh một chặng nữa, chúng tôi đặt chân lên bãi Giếng Tiên. Ở đây cũng chỉ có gia đình anh ngư dân tên Công sinh sống và một ngôi nhà nữa của hai người phụ nữ độc thân ẩn sâu trong rừng. Hai người phụ nữ năm đó khoảng ngoài 50 tuổi, chưa ai có chồng. Họ đón tiếp, trò chuyện với chúng tôi rất nhiệt tình, vui vẻ. Năm nay thì họ đã khoảng 60 tuổi rồi. Sau khi nghỉ ngơi ở bãi Giếng Tiên, chúng tôi quay lại bãi Nhum qua con đường rừng do anh Công chỉ dẫn. Về tới bãi Nhum, chúng tôi gặp một nhóm bạn trẻ cả trai lẫn gái ở Bãi Chệt qua đây dã ngoại và tắm biển. Họ chừng 16-20 tuổi. Biết chúng tôi đã bị lạc rừng mấy lần, mấy chàng trai, cô gái vui vẻ dẫn chúng tôi trở về Bãi Chệt theo con đường tắt ngang qua khu rừng mà bọn tôi đã từng loay hoay trong đó. Chỉ sau gần 30 phút đường rừng, chúng tôi đã về tới chiếc hồ nước đang được gấp rút thi công và về tới Bãi Chệt. Lúc này đã gần bốn giờ chiều…

- Anh mệt lắm hả? Sao đăm chiêu dữ vậy? – Một thành viên trong đoàn vừa ăn vừa hỏi tôi.

- Không! – Tôi lắc đầu – Tớ đang nghĩ đến hành trình nhảy ghềnh chinh phục Bắc đảo hồi năm 2008.

Nhắc đến chuyện nhảy ghềnh, Tú chợt hào hứng với những kỷ niệm và hành trình cũ, hắn liền thao thao kể lại cho nhóm bạn trẻ đi cùng và cô bạn gái của hắn… Nhóm bạn trẻ và cô bạn gái của Tú cứ tròn mắt nghe và thi thoảng lạo ồ lên một cách đầy thán phục.

- Có muốn nhảy ghềnh khám phá Bắc đảo thì ăn xong, tớ sẽ dẫn các bạn đi! – Tôi nói với họ.

Các thành viên đành lắc đầu, xua tay:

- Mệt quá rồi anh ạ.

- Đuối quá rồi anh ơi.

Tôi gật đầu:

- Nói chơi với mấy bạn thôi, chứ nhảy ghềnh rất nguy hiểm, có thể té ngã, vỡ đầu bất cứ lúc nào.

Nhóm bạn trẻ, nhất là nữ, thì lè lưỡi, lắc đầu, và tức khắc xua tay từ chối vụ nhảy ghềnh và lội bộ khám phá Bắc đảo…

* * *

Ăn trưa xong, để mọi người ngồi uống nước và nghỉ ngơi tại quán, tôi tranh thủ ghé thăm một gia đình mà hồi năm 2008, tôi và Tú đã tới và ở trọ trong gia đình của họ trong suốt hành trình dài cả chục ngày (trừ một đêm ngủ ở Hòn Mấu). Đó là gia đình chú Đời, ở ấp Củ Tron.

(Vợ chồng chú Đời, chủ nhà trọ năm 2008. Ảnh chụp 2015, khi gặp lại)

Gia đình chú Đời hơi ngỡ ngàng khi tôi bước tới cửa và chào họ. Phải mất vài phút, họ mới nhận ra tôi. “Đã gần chục năm rồi còn gì”. Họ thì vẫn thế, không có gì thay đổi. Còn tôi, khi xưa tới đây còn để tóc dài, kỳ này để đầu trọc lốc, nên cả gia đình chú nhận không ra. Họ rất cảm động khi thấy tôi quay lại đây, nơi biển cả xa xôi này để thăm lại họ, mà lại vượt biển bằng… ghe câu mực nữa chứ. Những kỷ niệm ngày xưa lại ùa về trong tôi và gia đình họ. Hồi đó, đã có cả gần chục ngày họ nấu nướng cho bọn tôi ăn, và nhường chỗ cho bọn tôi ngủ, và kể cho bọn tôi nghe biết bao thứ chuyện về cái quần đảo này…

Ngồi chơi khoảng gần một tiếng thì tôi xin chia tay với gia đình chú Đời, để tiếp tục hành trình cùng nhóm bạn trẻ. Tôi và gia đình chú lại quyến luyến, vì không biết đến khi nào nữa, mới được gặp lại nhau…

* *

Chia tay Hòn Lớn, chúng tôi chạy sang Hòn Ngang. Sau hơn nửa giờ bập bềnh trên sóng, chiếc ghe câu đã đưa chúng tôi sang tới Hòn Ngang, một hòn lớn thứ hai sau Hòn Lớn nhưng lại có số dân đông hơn cả Hòn Lớn. Hòn Ngang khá sầm uất nhưng cũng khá phức tạp so với ở Hòn Lớn. Ở Hòn Ngang cũng có một con đường bê tông chạy dọc giữa khu dân cư nhưng nhỏ và khó đi hơn. Chính vì vậy mà ở đây dịch vụ xe ôm không phát triển được như ở Hòn Lớn.

Ở cái vịnh của Hòn Ngang, có rất nhiều bè cá của ngư dân. Những bè cá nằm phủ kín trên một diện tích rộng tạo nên một cái làng nổi khá nhộn nhịp, tiếng ghe, tiếng tàu chạy lạch tạch cứ vang lên liên tục khắp làng nổi.

Tới Hòn Ngang kỳ này, chúng tôi còn tìm gặp một thanh niên tên Đinh Văn Giang. Giang là bạn của tôi. Anh là một nhân viên phụ trách điện lực. Chúng tôi quen nhau năm 2008, khi tôi và Tú lang thang ra đây khám phá quần đảo này. Lúc đó, Giang phụ trách cái máy phát điện ở Hòn Mấu. Suối từ năm đó tới nay, chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc. Hôm qua, lúc ở Hòn Sơn, tôi đã gọi điện báo tin cho Giang biết lịch trình thăm lại Nam Du của bọn tôi. Giang cũng mừng lắm. Gần chục năm rồi chưa được gặp lại nhau mà.

Giang đã đợi sẵn trên một bè cá ở Hòn Ngang. Bọn tôi tấp vào bè cá đón Giang. Tôi và Tú gặp lại Giang. Cả bọn vẫn giống như xưa, chẳng hề thay đổi bao nhiêu. Tay bắt mặt mừng, rồi cả bọn cười nói rổn rảng. Giang lắc đầu, lè lưỡi, và thán phục bọn tôi, khi thấy cả nhóm đã vượt biển sang đây bằng chiếc ghe câu mực nhỏ xíu này. Trước khi rời bè cá, bọn tôi mua thêm được một ít mực, ghẹ… để làm mồi nhậu. Hải sản mua tại đây rất rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với giá cả ở đất liền, mà lại ngon và tươi rói…

(Nhà văn CQMT và anh Đinh Văn Giang. Ảnh chụp 2015)

Sau khi khám phá hết Hòn Ngang và khu làng nổi của Hòn Ngang. Bọn tôi cho ghe chạy quanh Hòn Dầu và mấy hòn cạnh đó. Xong, chúng tôi đi sang Hòn Mấu nằm ở phía Nam quần đảo. Hòn Mấu là hòn đảo xinh đẹp và có một bãi tắm đẹp nhất quần đảo. Đến Nam Du mà chưa ghé Hòn Mấu thì chưa phải là đến Nam Du – Từ hồi năm 2008, nhiều người dân ở đây nói với chúng tôi như vậy.

Cũng như hồi năm 2008, Giang lại tình nguyện làm hướng dẫn viên, đưa nhóm bạn trẻ của tôi đi tham quan khắp Hòn Mấu. Vừa đi, anh vừa giới thiệu cho họ biết thêm về Hòn Mấu và những hòn đảo xung quanh như Hòn Bờ Đập, Hòn Nồm, Hòn Khô…

Hòn Mấu có diện tích khoảng 200 ha. Hiện có khoảng gần 1000 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hòn đảo có số dân đông thứ ba sau Hòn Ngang và Hòn Lớn. (Hiện đã có hơn chục hòn đảo ở quần đảo này có người ở).

Hòn Mấu có năm bãi biển, trong đó bãi Chướng là bãi cát trắng và đẹp nhất. Ngoài ra còn có bãi Nồm, bãi Đá Đen và bãi Đá Trắng, Bãi Nam. Bãi Nam  là mặt tiền của đảo, nơi đây hầu như sóng yên, gió lặng quanh năm, cũng là nơi giao lưu thương mại, neo đậu tàu thuyền. Ở đây cũng có một chiếc cầu cảng nho nhỏ bằng gỗ, phù hợp cho những chiếc ghe câu và ghe thu mua ghé vào trao đổi hàng hóa và neo đậu.

(Nhà văn CQMT cùng anh Lê Hoàng Phúc, ngư dân của Hòn Mấu. Ảnh chụp 2015)

Sau khi đưa nhóm bạn trẻ dạo quanh Hòn Mấu, chúng tôi dừng chân ở Bãi cát trắng. Ở đây, có khá nhiều du khách đang tắm biển. Nhóm bạn trẻ của tôi ngồi uống nước dừa, xong, họ kéo nhau nhảy ào xuống biển và té nước, bơi lội, vùng vẫy như một đám con nít.

- Nhậu nha anh! – Giang bảo.

Tôi và Tú, cùng nhóm ngư dân đi theo liền đồng ý.

Giang cầm điện thoại gọi mồi và rượu.

- Ở đâu có mồi và rượu nhanh vậy? – Tôi hỏi.

- Nghe bọn anh ra đảo, em có nhờ người chuẩn bị sẵn rồi. Mình ngồi ngắm biển, lai rai chút chơi.

- Ở ngoài ghe có rượu, bọn anh mang theo từ Hòn Sơn. – Tôi quay sang một ngư dân – Phiền anh ra ghe lấy giùm bình rượu.

Giang liền xua tay…

- Khỏi, anh. Em chuẩn bị đầy đủ rồi.

Lúc sau thì rượu và mồi được một ngư dân mang tới.

Bọn tôi vừa nhâm nhi rượu trắng, với mực tươi hấp và ốc hương luộc…

Tôi, cùng Tú và Giang ngồi ôn lại những kỷ niệm từ hồi năm 2008, khi lần đầu bọn tôi đặt chân tới hòn đảo xinh đẹp này. Hồi đó, hòn đảo thật vắng vẻ và bình yên. Bọn tôi vẫn nhớ như in cái đêm lưu lại ở Hòn Mấu. Đêm đó, đúng dịp trăng tròn, ba thằng cũng từng ngồi ở bãi biển này, cùng ngắm trăng và uống rượu, nghe sóng vỗ ì ào và gió thổi vu vút… Hồi đó không có khách du lịch, người dân trên đảo ban đêm đi ngủ mà không cần phải đóng cửa. Tôi rất thích điều này. Khi về Sài Gòn và khi viết bài về Nam Du, tôi cũng vẫn thường kể cho mọi người nghe về điều này. Ngày nay thì đã khác. Hồi nãy, đi dọc theo con đường bê tông từ cầu cảng về bãi tắm, tôi có để ý một số cái biển nho nhỏ được dán vào những thân cây dừa, trên tấm biển có ghi:  “Cảnh giác, kẻ gian vào nhà cạy cửa, lấy đồ…”. Vậy là Hòn Mấu đã không còn bình yên nữa. Du lịch phát triển, thì sự bình yên và những nét hoang sơ trên đảo đã biến mất.

- Du lịch Nam Du phát triển, cũng một phần là nhờ những bài viết của anh đấy! – Giang nói với tôi và nhóm ngư dân đang cùng ngồi nhậu.

Tôi cười hì hì… Chẳng là hồi đó, sau chục ngày lang thang ở quần đảo xinh đẹp này, về Sài Gòn, tôi có viết một loạt bài về Nam Du và quăng hàng chục tấm ảnh đẹp lên mạng. Đã có thêm rất nhiều người biết tới Nam Du qua những bài viết của tôi hồi đó, nhưng nó chỉ là một phần nhỏ thôi, so với cả một kế hoạch quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh này. Mấy năm nay, du lịch Nam Du đã phát triển thật, nhưng chủ yếu vẫn là các nhóm bạn trẻ kéo nhau đi một cách tự phát, theo kiểu “đi phượt, đi bụi” nhiều hơn là những nhóm du khách do những công ty lữ hành tổ chức.

Nhóm bạn trẻ sau khi vùng vẫy thỏa thích một hồi dưới biển đã kéo nhau lên chỗ bọn tôi:

- Nhậu rồi tắm tiếp! – Tôi bảo họ.

Một vài bạn nữ mỉm cười và lắc đầu. Còn mấy bạn nam thì gật đầu cái rụp. Họ đón ly rượu, uống rồi tỏ vẻ khoan khoái…

Bãi biển dịp này khá đông. Tôi và Tú lại nhớ hồi đó, bọn tôi có hẳn một buổi chiều ngâm mình và vùng vẫy trên cái bãi tắm này. Bãi tắm lúc đó vắng ngắt, cả buổi cũng không thấy ai, ngoài tôi và hắn. Lúc đó, bãi biển này được bọn tôi ví như một thiên đường giữa nơi biển cả. Nước biển ở bãi này hồi đó trong vắt, lội ra xa, nước ngập gần tới cổ, nhìn xuống vẫn thấy rõ những hạt cát trắng tinh. Bây giờ thì nhộn nhịp và bắt đầu phức tạp rồi. Và tất nhiên, càng đông người đến tắm thì bãi này càng mất đi độ trong xanh và vẻ đẹp vốn có của nó…

(Nhà văn CQMT tại bãi tắm của Hòn Mấu, 2015)

Bọn tôi lại vừa tiếp tục nhậu, vừa hỏi chuyện nhau. Giang vẫn làm điện lực và kỳ này đang phụ trách ở Hòn Ngang. Ở đó, Giang cũng có thêm một cái cửa tiệm bán điện thoại và bán thẻ cào. Nhu cầu sử dụng và đổi điện thoại của ngư dân ngày càng cao nên Giang làm ăn cũng khá.

Theo kế hoạch ban đầu, đêm nay, bọn tôi sẽ ở lại Hòn Mấu nghỉ ngơi và nhậu nhoẹt… Nhưng nhiều bạn trẻ trong nhóm đã thấm mệt, và họ bắt đầu đòi về luôn. Sau khi hội ý, chúng tôi và nhóm ngư dân đồng ý sẽ về luôn trong đêm nay, mặc cho Giang níu kéo và muốn bọn tôi ở lại. Tôi lại đành hẹn Giang vào một dịp khác.

* *

Mặt trời đã gần tắt trên biển. Nhóm chúng tôi rời bãi tắm của Hòn Mấu, đi ra phía cầu cảng để tiếp tục cuộc hành trình về Hòn Sơn. Tôi tranh thủ ghé vào thăm hỏi vài gia đình ở dọc hai bên con đường bê tông nhỏ, những người mà kỳ trước tới đây, tôi đã tiếp xúc và làm quen với họ. Hầu hết, họ đều nhận ra tôi và rất muốn tôi và nhóm bạn trẻ ở lại đây thêm một ngày. Tôi đành hẹn họ vào một dịp khác.  

Ra tới cầu cảng, Giang quăng lên ghe bọn tôi một bịch ốc hương:

- Gửi bọn anh, mang về Hòn Sơn nhậu tiếp.

Tôi rủ Giang sang Hòn Sơn chơi, anh lè lưỡi lắc đầu khi nghĩ tới cảnh phải vượt biển và vật lộn với sóng gió, bằng chiếc nghe câu nhỏ xíu này…

Một ngư dân trong nhóm ghé vào chỗ mấy phụ nữ đang ngồi gỡ lưới bên cạnh cầu cảng, hỏi mua ít cá mồi để trên đường về, sẽ câu cá Thu.

- Ghe chạy mà sao câu được hả anh? – Một bạn trẻ trong nhóm hỏi anh ngư dân.

Anh ngư dân gật đầu:

- Được chớ. Cá Thu “ăn chạy” mà. Nên mình sẽ vừa đi vừa câu.

Mấy người phụ nữ ngồi gỡ lưới đã hào phóng, tặng luôn cho bọn tôi một mớ cá nhỏ cỡ hai ngón tay và dài chừng gần một gang tay:

- Cho các chú đấy. Không lấy tiền đâu.

Bọn tôi cám ơn, rồi leo lên ghe. Tôi, Giang, và Tú lại lưu luyến với nhau một hồi. Vì không biết tới khi nào, bọn tôi mới lại được gặp lại nhau.

Hoàng hôn đã tắt hẳn. Khu cầu cảng của Hòn Mấu đã nhụ nhọa tối. Chiếc ghe câu bắt đầu nổ máy, rời khỏi Hòn Mấu. Giang đứng trên cầu cảng nhìn theo chiếc ghe câu đang rời xa. Bọn tôi đưa tay vẫy nhau, và vẫy mãi, cho đến khi không còn nhìn rõ nhau nữa…

* *

Đêm đã xuống.

Chiếc ghe lại nhảy chồm chồm trên những ngọn sóng lớn. Lúc đi thì  xuôi gió nên chiếc ghe liếc bên phải, liếc bên trái. Khi về ngược sóng, chiếc ghe nhảy chồm chồm, cứ lao lên rồi chúi xuống, nước văng tung tóe… Gió vẫn thổi mạnh, do đường về ngược gió và ngược sóng, ngoài việc nhảy chồm chồm, chiếc ghe còn nghiêng hẳn sang mạn trái (do gió thổi quá mạnh). Nhiều thành viên trong nhóm lại tỏ ra lo âu… Nếu lượt đi được coi là sự điên rồ “tập một”, thì hành trình trở về được coi là sự điên rồ “tập hai”… Chiếc ghe có thể lật nghiêng hoặc bị sóng nhấn chìm bất cứ lúc nào…

Anh chàng lái ghe liền trấn an:

- Nghiêng tí mà nhằm nhò gì. Không sao đâu. Sóng này, gió này, bọn tôi chạy hoài.

Các thành viên trong nhóm nghe vậy thì có vẻ an tâm hơn.

Trước khi rời khỏi Nam Du, tôi đọc cho nhóm bạn trẻ một bài thơ nói về các hòn ở đây, bài thơ này tôi đã thuộc lòng từ năm 2008, khi tới đây lần đầu:

Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai

Đô Nai quay sang Bờ Đập

Bờ Đập tấp lại Hòn Lò

Hòn Lò mò đến Hòn Ngang

Hòn Ngang tạt sang Hòn Đụng

Hòn Đụng cụng vào Hòn Dầu

Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo

Bỏ Áo tháo ngược Hòn Ông

Hòn Ông dông đến Hòn Dâm

Hòn Dâm đâm thẳng Hòn Tre

Hòn Tre te đến Hòn Mốc

Hòn Mốc xốc lại Hòn Nhàn

Hòn Nhàn tràn thẳng Hòn Hàn

Hòn Hàn quàng cổ ba Hòn Nồm

Hòn Nồm chồm đại lên Hòn Khô

Hòn Khô vô Bãi Chệt

Bãi Chệt lết lên Hòn Lớn...  

Nhóm bạn trẻ thích thú bắt tôi đọc đi đọc lại bài thơ để họ đọc theo cho đến khi họ thuộc lòng…

* * *

Chiếc ghe đã rời xa quần đảo Nam Du. Những ngư dân trên ghe bắt đầu buông dây để câu cá Thu. Một anh thì chui vào cabin, lôi một bịch mực tươi (mua ở Hòn Ngang) ra, bật bếp và hấp mực… Xong, anh ta bưng mồi và rượu ra giữa khoang:

- Nhậu nào anh em.

Trong nhóm bạn trẻ, lại có người tiếp tục say sóng. Những ai không bị say thì tiếp tục ngồi nhậu. Do chiếc ghe nhảy chồm chồm, nên mỗi người được phát một con mực hấp, cầm chắc trên tay, sau đó chuyền tay nhau một con dao nhỏ, ăn đến đâu tự cắt đến đó. Chai rượu cũng được chuyền tay nhau (không thể rót ra ly, vì sẽ bị hất đổ do chiếc ghe nhảy chồm chồm), sau đó, tới lượt ai uống thì người đó cầm chai rượu và ngửa cổ tu. Bọn tôi vừa nhậu, vừa kể cho nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, rồi cả bọn cười ha hả… Những câu chuyện vui đã khiến nhiều thành viên trong nhóm quên bớt đi sự sợ hãi, lo âu và mệt mỏi…

Tôi đề xuất, khi về gần tới Hòn Sơn, sẽ cho ghe dừng lại ngoài biển và cả nhóm sẽ cùng nhau trải nghiệm cảm giác đi câu mực ban đêm. Nhóm bạn trẻ ồ lên tán thưởng ngay lập tức.

Biển đêm mênh mông. Chiếc ghe nhỏ vẫn một mình nhảy múa trên sóng và đưa chúng tôi tiến dần về phía Hòn Sơn. Do khi về ngược gió và ngược sóng, nên hành trình sẽ tốn nhiều thời gian hơn lúc đi.

Mười giờ đêm, bọn tôi đã về tới gần Hòn Sơn. Những chiếc ghe câu từ Hòn Sơn đã chạy ra, giăng đầy trên mặt biển, đèn thắp sáng rực, nhìn như một thành phố trên biển.

- Đêm ở biển thấy cũng vui mà, đâu có buồn! – Một bạn trẻ thốt lên.

Một ngư dân gật đầu:

- Đêm ở biển là vậy đó! Nhìn quanh, chỗ nào cũng thấy đèn, cũng vui.

Anh bạn trẻ kia cũng gật đầu…

Sắp về tới Hòn Sơn, chúng tôi bắt đầu tìm vị trí để cùng nhau câu mực. Hào hứng nhất vẫn là nhóm bạn trẻ lần đầu tiên đi biển, và lần đầu tiên được lênh đênh trên biển đêm và được câu mực…

Tôi cũng đã cảm thấy an tâm hơn khi chiếc ghe đã về gần tới Hòn Sơn và tất cả đều đã an toàn sau một hành trình dài gần 150 km đường biển (tính cả đi lẫn về, và chạy quanh những hòn đảo), giữa những con sóng cao trung bình 2,5 mét…

Có lẽ, đây là một chuyến hải hành đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi, và trong cuộc đời của tất cả những bạn trẻ kia. Một chuyến hải hành thật điên rồ. Và chắc hẳn, cũng chẳng có mấy ai muốn hoặc thích thực hiện những chuyện điên rồ này, giống như bọn tôi.

Chu Quang Mạnh Thắng - 2015

Bài viết liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0913640143 - 028 99968822
Zalo:

Video clip

Copyright © 2022 Công ty Cổ phần Viện khoa học Quốc tế Stanford
Thiết Kế Website: Phương Nam Vina

Đang truy cập: 78

Trong ngày: 1006

Trong tháng: 27373

Tổng truy cập: 536650

0913640143 - 028 99968822