Văn học nghệ thuật

Nam Du 'Du ký' – Kỳ 1: Đến Nam Du (2008)

Ngày đăng: 11-12-2022 06:34:06

(Ghi lại cuộc hành trình đến với Nam Du của nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng từ ngày 10/11/2008 đến ngày 18/11/2008)

Xuất phát từ Rạch Giá. Sau cuộc hành trình dài sáu tiếng đồng hồ vật lộn với sóng biển, ngang qua Hòn tre và Hòn Sơn, chiếc tàu khách từ từ cập vào cầu cảng của Hòn Lớn (Củ Tron) thuộc quần đảo Nam Du, một quần đảo gồm 21 hòn lớn nhỏ nằm cách Rạch Giá chừng hơn 100 km đường biển.

CQMT đến Nam Du (năm 2008)

Sau vài phút hỏi thăm, chúng tôi tìm được một nơi ở trọ cách cầu cảng khoảng 500m với giá 40.000đ/ một đêm. Căn phòng tuy không sang nhưng cũng đủ mùng, mền, nệm, quạt. Ở Hòn Lớn không có bất cứ một quán cơm “bụi” nào. Muốn ăn cơm, chỉ còn cách nhờ chủ nhà nấu giúp với giá 20.000 – 25.0000đ/ một phần cơm. Bữa ăn không sang nhưng cũng có đủ rau, thịt, cá. Gia đình chủ nhà thật thân thiện khiến chúng tôi có cảm giác như đang được ở chính nhà mình. Ở Nam Du, nguồn điện ở các đảo được cung cấp từ các máy phát điện chạy dầu. Buổi trưa từ 10 giờ đến 12 giờ. Còn buổi tối từ 17 giờ đến 23 giờ. Còn nguồn nước, chủ yếu lấy từ các mạch nước ngầm từ trên núi chảy xuống. Vào mùa khô, nước ở đây rất khan hiếm.  

Hòn Lớn (Củ Tron) – Nhìn từ trạm hải đăng Nam Du (Ảnh: CQMT)

Sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu khám phá Hòn Lớn, cũng là hòn lớn nhất, có diện tích khoảng 9 km2. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là đỉnh cao 300m của Hòn Lớn. Từ cầu cảng đi lên đỉnh núi, nơi có ngọn hải đăng với tầm nhìn địa lý 28 hải lý và một doanh trại quân đội, dài chừng gần 3 km. Chỉ cần 20.000đ là có thể thuê một chuyến xe ôm từ cầu cảng lên đỉnh núi và chạy về nhưng chúng tôi quyết định chinh phục đỉnh cao này bằng đôi chân của chính mình.

Đường lên Đài (theo cách gọi của dân địa phương) phải vượt qua nhiều đỉnh núi cao và dốc đứng trước khi leo lên đỉnh cao nhất. Vừa đi, chúng tôi vừa thả tầm nhìn ra mọi phía và tranh thủ chụp lấy những bức ảnh đẹp nhất. Lên tới đỉnh, chúng tôi được anh Nhữ Trần Vũ, một nhân viên trạm hải đăng đón tiếp niềm nở. Đứng trên trạm đèn, có thể bao quát được hầu như toàn cảnh của quần đảo, đẹp như những bức tranh. Đứng ở đỉnh cao này, nếu hôm nào trời trong, có thể nhìn thấy cả Phú Quốc bằng mắt thường – Anh Vũ cho biết.

Chia tay với anh Vũ, chúng tôi quay trở xuống và chỉ chưa đầy một tiếng sau, chúng tôi đã lội bộ xuống tới bãi Ngự nằm ở sườn tây-bắc của Hòn Lớn. Bãi Ngự khá đẹp, là nơi trú ngụ của một làng chài nhỏ. Một người dân chỉ cho chúng tôi chiếc giếng Ngự nằm ngay cạnh lối đi xuống bãi Ngự, đó là một chiếc giếng khi xưa được Nguyễn Ánh cho đào khi ông ta chạy ra đây để trốn tránh quân Tây Sơn nhưng những bút tích ghi trên tảng đá cạnh giếng đã bị con đường bê tông lấp mất.

Bãi Ngự (Hòn Lớn – Củ Tron) – Nam Du (Ảnh: CQMT)

Sau khi dạo quanh bãi Ngự, chúng tôi bắt xe ôm về cầu cảng và bắt đầu khám phá khu dân cư đông nhất của Hòn Lớn. Từ Bãi Chệt, chúng tôi thả bộ dọc theo con đường bê tông nhỏ chạy dài khoảng hơn 2 km qua bãi Tuồng, bãi Giếng, bãi Cỏ Lớn, bãi cỏ Nhỏ. Khi chúng tôi đi tới tận cùng con đường bê tông cũng là lúc trời sập tối. Từ đây, nếu tiếp tục “nhảy ghềnh” khoảng 2 km nữa thì tới bãi Cây Mến – một bãi đẹp nhất của đảo này.

Vượt sóng ở Nam Du (Ảnh: CQMT)

Sáng hôm sau, chúng tôi tạm chia tay Hòn Lớn, theo một chiếc đò nhỏ chạy sang Hòn Ngang. Sau gần một giờ bập bềnh trên những ngọn sóng lớn, chiếc đò đưa chúng tôi sang tới Hòn Ngang, một hòn lớn thứ hai sau Hòn Lớn nhưng lại có số dân đông hơn cả Hòn Lớn (Hòn Lớn có số dân khoảng trên 4000 người). Hòn Ngang khá sầm uất nhưng cũng khá phức tạp so với ở Hòn Lớn. Ở Hòn Ngang cũng có một con đường bê tông chạy dọc giữa khu dân cư nhưng nhỏ và khó đi hơn. Chính vì vậy mà ở đây cũng không hề có một chiếc xe ôm nào. Ở đây, cũng có thể tìm được vài nơi ở trọ với giá khoảng 30.000đ/một đêm. Tuy nhiên, nơi ở rất sập xệ và tạm bợ.

Sau khi khám phá hết Hòn Ngang, Hòn Dầu, chúng tôi đi đò sang Hòn Mấu nằm ở phía Nam quần đảo. Hòn Mấu còn khá hoang sơ và rất đẹp. Đến Nam Du mà chưa ghé Hòn Mấu thì chưa phải đến Nam Du – Một số dân ở đây nói với chúng tôi như vậy.

Một góc cảnh ở Hòn Mấu – Nam Du (Ảnh: CQMT)

Anh Đinh Văn Giang- Một cán bộ thông tin ở đây đã tình nguyện làm hướng dẫn viên, đưa chúng tôi đi tham quan khắp Hòn Mấu. Vừa đi, anh vừa giới thiệu cho chúng tôi biết thêm về Hòn Mấu và những hòn đảo xung quanh như Hòn Bờ Đập, Hòn Nồm, Hòn Khô…

Hòn Mấu có diện tích khoảng 200ha. Hiện có 126 hộ gia đình và khoảng trên 600 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hòn đảo có số dân đông thứ ba sau Hòn Ngang và Hòn Lớn. (Hiện đã có hơn chục hòn đảo ở quần đảo này có người ở).

Sau một đêm lưu lại ở Hòn Mấu cùng anh Giang và gia đình anh Lê Hoàng Phúc, chúng tôi trở lại Hòn Ngang và đi dò sang Hòn Lớn, tiếp tục chuyến “phiêu lưu” của mình.

Cảnh đẹp ở Nam Du (Ảnh: CQMT)

Do đang có một đợt áp thấp nhiệt đới và những ngọn gió bấc giật trên cấp 6 nên những chuyến đi từ đảo này sang đảo kia của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Suốt mấy ngày chúng tôi ở đảo, các tàu bè đều không thể ra khơi vì sóng quá lớn. Chỉ có vài chiếc ghe đò đưa người dân từ đảo này qua đảo kia để đi chợ. Chiếc tàu khách với trọng tải trên 500 tấn cũng phải nằm kẹt lại bên cạnh cầu cảng, không được phép ra khơi.

Chúng tôi định thuê một chuyến ghe để dạo một vòng quanh 21 hòn đảo nhưng không có chiếc ghe nào nhận lời và mọi người khuyên chúng tôi nên hủy bỏ ý định này để đảm bảo an toàn cho tính mạng.

Tám giờ sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục khám phá phía bắc Hòn Lớn. Do không biết đường, chúng tôi mấy phen bị lạc trong rừng. Cuối cùng, chúng tôi đành phải lội bộ từ cầu cảng vòng lên phía bắc của hòn đảo. Lội bộ sát mép nước và leo qua những tảng đá trơn nhãy cùng những mom ghềnh nhấp nhô, đầy nguy hiểm khiến bàn chân tôi bị trầy sước và rỉ máu. Những ngọn sóng lớn thi nhau ập vào những mom ghềnh rồi bắn tung tóe khiến chúng tôi ướt hết như chuột lột và những vết sước sót đến tận gáy.

CQMT lội bộ quanh Hòn Lớn Củ Tron) – Nam Du

Sau hai tiếng lội bộ, nhảy ghềnh đầy vất vả, chúng tôi đặt chân tới bãi Nhum, một bãi đá khá đẹp nhưng chỉ có gia đình ông Ba Đúng, một gia đình duy nhất cư ngụ. Ông Ba vui vẻ đón tiếp chúng tôi và chặt cho chúng tôi mỗi thằng một trái dừa để uống cho qua cơn khát. Ông Ba Đúng cho biết, ông đã cu ngụ ở đây mấy chục năm rồi. Quê ông ở An Giang. Hồi trẻ, ông trốn lính (lính ngụy) nên chạy ra đây.

Chia tay với gia đình ông Ba Đúng, chúng tôi tiếp tục cuộc phiêu lưu. Sau một chặng đường đầy ghềnh đá nữa thì chúng tôi đặt chân tới bãi Đá Trắng. Ở đây cũng chỉ có vài hộ gia đình sinh sống. Đứng từ bãi Nhum, bãi Đá Trắng, có thể quan sát được rất rõ một số hòn như Hòn Dâm, Hòn Mốc, Hòn Hàng, Hòn Nhàn và Hòn Tre.

Leo ghềnh một chặng nữa, chúng tôi đặt chân lên bãi Giếng Tiên. Ở đây cũng chỉ có gia đình anh Công sinh sống và một ngôi nhà nữa của hai người phụ nữ độc thân ẩn sâu trong rừng. Hai người phụ nữ năm nay khoảng ngoài 50 tuổi. Họ đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình.

Sau khi nghỉ ngơi ở bãi Giếng Tiên, chúng tôi quay lại bãi Nhum qua con đường rừng do anh Công chỉ dẫn. Về tới bãi Nhum, chúng tôi gặp một nhóm bạn trẻ cả trai lẫn gái ở bãi Chệt qua đây dã ngoại và tắm biển. Họ chừng 16-20 tuổi. Biết chúng tôi bị lạc rừng mấy lần, mấy chàng trai, cô gái vui vẻ dẫn chúng tôi trở về bãi Chệt theo con đường tắt ngang qua rừng. Chỉ sau gần 30 phút đường rừng, chúng tôi đã về tới chiếc hồ nước đang được gấp rút thi công và về tới bãi Chệt. Lúc này đã gần bốn giờ chiều.

Sau vài giờ nghỉ ngơi cho lại sức, chúng tôi ăn tối và ra cầu cảng ngồi câu mực với một nhóm thanh thiếu niên.

Những chiếc ghe do sóng lớn không ra khơi được, neo đậu ở khu cầu cảng khá đông, những ngọn đèn trên những chiếc ghe lung linh chiếu xuống những ngọn sóng dập dềnh nhìn giống như một khu phố nổi.

Sáng hôm sau, chúng tôi vui mừng khi nghe tin có tàu về đất liền. Dân đảo cũng xôn xao không kém vì đã mấy ngày không có “Đò”, nguồn hàng hóa tiếp tế từ đất liền ra đảo bị tê liệt hoàn toàn. Một số quán ăn ở gần cầu cảng cho biết, đã mấy ngày nay không có bánh phở để bán và đã có quán phải tạm đóng cửa.

Chiếc tàu khách lại đưa chúng tôi dập dềnh trên những ngọn sóng để trở về đất liền.

Chia tay với Nam Du, trong tôi vẫn lâng lâng đầy cảm xúc lạ.

Tôi sẽ còn quay lại Nam Du và sẽ tiếp tục khám phá những hòn đảo còn lại vào một ngày biển lặng.         

Chu Quang Mạnh Thắng
(Bài đã đăng trên “thethaovanhoa.vn” và nhiều trang báo khác, năm 2009) – Kỳ 2: Trở lại Nam Du (2015) 

Bài viết liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0913640143 - 028 99968822
Zalo:

Video clip

Copyright © 2022 Công ty Cổ phần Viện khoa học Quốc tế Stanford
Thiết Kế Website: Phương Nam Vina

Đang truy cập: 65

Trong ngày: 993

Trong tháng: 27360

Tổng truy cập: 536637

0913640143 - 028 99968822