HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC THAI PHỤ MẮC BỆNH TIM
1. Phân loại bệnh tim ở thai phụ theo WHO
- Nhóm nguy cơ I: Không thể phát hiện gia tăng nguy cơ tỷ suất của mẹ và không có hoặc tăng nhẹ bệnh xuất.
- Nhóm nguy cơ II: Gia tăng nhẹ tỷ suất mẹ hoặc gia tăng bệnh suất trung bình.
- Nhóm nguy cơ III: Gia tăng rõ nguy cơ tỷ suất mẹ và bệnh suất nặng. Cần phải có lời khuyên của chuyên gia. Nếu quyết định mang thai, chuyên gia tim mạch sâu và sản khoa cần theo dõi sát trong thai kỳ, lúc sinh và trong thời gian hậu sản.
- Nhóm nguy cơ IV: Nguy cơ tỷ suất mẹ rất cao hoặc bệnh suất nặng. Có chống chỉ định mang thai. Nếu mang thai, cần thảo luận việc chấm dứt thai kỳ. Nếu quyết định giữ thai, cần chăm sóc như trong nhóm nguy cơ III.
2. Chăm sóc chung
- Cho sản phụ biết tình trạng bệnh, dấu hiệu có thể gặp, các dấu hiệu bệnh nặng lên, diễn biến, các bước trong quá trình điều trị bệnh; Giải thích kỹ những nguy cơ cho mẹ và thai với sản phụ, với chồng và người nhà sản phụ; Thông báo kết quả khám và điều trị cho sản phụ; Giải thích các thủ thuật có thể làm cho sản phụ trong quá trình điều trị và trong quá trình sinh.
- Theo dõi toàn trạng, dấu hiệu sinh tồn, đánh giá mức độ phù, ghi nhận nước tiều trong 24 giờ, xét nghiệm nước tiểu
- Ghi chép tỉ mỉ, cụ thể vào phiếu theo dõi chăm sóc.
- Nghỉ ngơi tại giường với tư thế và điều kiện phù hợp (nơi yên tĩnh, thoáng, ấm, tránh gió lùa, tránh để sản phụ gắng sức)
- Cho sản phụ thở Oxy qua mặt nạ hay qua Sonde mũi.
- Thông báo cho bác sĩ mọi thay đổi nhịp tim thai trên monitor.
- Hướng dẫn chế độ ăn nhạt và thường xuyên kiểm tra chế độ ăn nhạt.
- Vệ sinh thân thể, răng miệng, bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày.
- Bác sĩ sản khoa cần hội chẩn chuyên khoa tim mạch để có hướng xử trí phù hợp nhất cho sản phụ.
- Theo dõi sát khi vào chuyển dạ. Các dấu hiệu bất thường như ho, khó thở dữ dội, tím tái, khạc đờm có bọt hồng lẫn máu, đau ngực…Và phải báo cáo kịp thời cho bác sĩ điều trị.
- Đỡ sinh cho sản phụ bệnh tim cần có bác sĩ sản khoa, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gây mê – hồi sức, các nữ hộ sinh…
- Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ giúp sinh, hồi sức, hoặc mổ lấy thai.
- Đề phòng băng huyết sau sinh, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp sau đó.
- Chuẩn bị cấp cứu hồi sức cho trẻ sơ sinh.
- Tư vấn cách nuôi con, cách cho bú phù hợp.
3. Các mức độ chăm sóc cho thai phụ có bệnh tim
- Chăm sóc tại trung tâm/chuyên khoa: Thai phụ bệnh tim độ III hoặc IV (theo phân loại WHO), bệnh tim có tím không thể điều trị, dãn động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi, hẹp van động mạch chủ hay van 2 lá nặng, tăng áp động mạch phổi/Hội chứng Eisenmenger, chuyển vị đại động mạch, tuần hoàn Fontan, bệnh Ebstein, bệnh cơ tim phì đại hay dãn nở, thai phụ có dùng van cơ học, các bệnh tim bẩm sinh có thể điều trị kèm theo bất thường tồn lưu nặng.
- Phối hợp chăm sóc giữa các bệnh viện địa phương và trung tâm/chuyên khoa: Thai phụ bệnh tim độ II (theo phân loại của WHO), hở van 2 lá hay van động mạch chủ trung bình, hẹp van 2 lá hay van Động mạch chủ nhẹ hay trung bình, hẹp động mạch phổi trung bình, hẹp động mạch chủ có thể điều trị, khiếm khuyết vách nhĩ thất điều tị được, tứ chứng Fallot điều trị được.
- Điều trị tại bệnh viện địa phương: Bệnh tim độ I (theo phân loại của WHO), hở van 2 lá hay van động mạch chủ nhẹ, còn ống động mạch có thể điều trị được, hẹp động mạch phổi nhẹ, khiếm khuyết vách liên thất nhỏ hay có thể điều trị được, khiếm khuyết vách liên nhĩ nhỏ hay có thể điều trị được.
TS.BS. Chu Dũng Sĩ - Giảng viên Y Khoa