Nhà văn Nguyễn Phước Thảo sinh năm 1964 tại Đồng Tháp, tốt nghiệp kỹ sư cơ khí chế tạo máy, Đại học Bách Khoa TP.HCM và Cử nhân Luật, Đại học Khoa học Huế; hiện làm việc tại Đồng Tháp. Các tác phẩm đã in: Em và kí túc xá của tôi (truyện dài, NXB Trẻ, 2002), Kẻ di trú đi tìm chất xám (truyện dài, NXB Trẻ, 2002) – tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình 20 tập Kẻ di trú, Một Tình Bạn (truyện dài, NXB Kim Đồng, 2005), Những thiên thần xanh (truyện dài, NXB Kim Đồng, 2005) – chuyển thể thành phim truyền hình Cầu trường không yên tĩnh, Tôi và các siêu sao (truyện dài, NXB Kim Đồng, 2006), Vượt long môn (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2006), Miền xanh (truyện dài, NXB Kim Đồng, 2018) được Hãng phim Truyền hình TPHCM chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên dài 30 tập. Ngoài công việc chuyên môn và viết văn, anh còn là một nhiếp ảnh gia cự phách. Những ngày nghỉ, anh thường cưỡi mô-tô đi lang thang khắp vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, và đã thu về được khá nhiều tác phẩm ảnh đặc sắc. Bạn bè thân hữu thường gọi anh là Lãng Tử Miền Tây. Dưới dây là truyện ngắn “Chuyến nghỉ hè kỳ thú” của anh, stan-ford.com trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Chuyến nghỉ hè kỳ thú
Hè đi đâu chơi? Tôi đâu có quyền lựa chọn. Như thành thói quen, mỗi khi được hỏi ý kiến về bất cứ đều gì, tôi trả lời như đã được lập trình.
– Ba mẹ tính sao cũng được, con không ý kiến.
Nói Ba có “tụ” vậy thôi chớ mọi chuyện trong nhà mẹ mới là người quyết. Chính vì không ý kiến, ý cò mà lúc nào mẹ cũng khen tôi ngoan, đi đâu cũng khoe. Mẹ khoe quá lời nhiều khi làm tôi mắc cỡ.
Thái độ đó của tôi làm ba bực mình.
– Con phải là đàn ông không, chuyện gì cũng để cho ba mẹ quyết?
– Mẹ quyết ba còn không dám cãi, con sao dám?
Ba có vẻ buồn:
– Ba khác, con khác. Ba muốn con phải mạnh mẽ hơn ba. Trai trẻ bây giờ là phải năng động, quyết đoán. Sống như con là nhu nhược.
Chẳng lẽ tôi không cãi mẹ là nhu nhược! Đơn giản, cãi mẹ tôi chẳng được gì. Mẹ muốn, tôi chiều, thế là tôi được mọi thứ. Mẹ muốn ngoan, thì tôi ngoan. Mẹ muốn học giỏi, đứng nhứt lớp thì tôi học giỏi, nhứt lớp, thế thôi. Bù lại, mẹ “cưng” tôi hết mình. Tôi muốn Ipad, có Ipad. Muốn Iphone, có Iphone. Muốn trực thăng điều khiển từ xa là có trực thăng liền… Giữa tôi và mẹ như có một giao kèo ngầm, miễn tôi ngoan, học giỏi y như ý của mẹ, thì muốn bất cứ thứ gì cũng được. Mới mười ba tuổi đầu, hiểu được vậy thì tôi quá năng động rồi. Không năng động, không quyết đoán sao được là học sinh giỏi, đứng nhứt lớp. Nhưng tôi cũng không cãi với ba, vì tôi là đứa con ngoan.
Ba tôi làm giám đốc một công ty, mẹ làm trưởng phòng tín dụng một ngân hàng. Nhà tôi không giàu, nhưng chẳng nghèo. Bằng chứng lớp tôi khối đứa là con đại gia, nhưng chúng không hơn được tôi. Cái chúng có, tôi có. Cái tôi có, chúng không có, đó là học sinh giỏi, là kẻ đứng đầu.
Thành tích học tập của tôi, ba mẹ rất tự hào. Nhưng với nội tôi, người chưa có dấu hiệu hài lòng. Mỗi khi về quê, ba mẹ đua nhau khoe thành tích đứa cháu nội là tôi, nội chỉ gật gật đầu lấy lệ:
– Thế à….thế à….
Đúng ra nội phải tự hào vì nội chỉ có một đứa cháu là tôi. Vậy mà trước thành tích hơn người của tôi, nội chỉ thốt hai từ ngắn cũn: “Thế à, thế à”. Thái độ của nội làm tôi cụt hứng. Tôi có cảm giác nội không thương tôi và khó chịu khi nội thường hay gọi tôi là “Chuột bạch”. Đừng nghĩ tôi là con nít mà không hiểu hai từ ấy ám chỉ điều gì. Tôi hiểu, mẹ tôi cũng hiểu. Tôi khó chịu một, mẹ khó chịu mười, nhưng cả hai mẹ con đều hiểu, lâu lâu về thăm nội chỉ vài ngày, hơi sức đâu…
Hè năm nay ba đưa ra quyết định:
– Hè năm nay con phải về quê với nội.
Tôi chưa kịp lên tiếng thì mẹ nói liền.
– Em tính rồi, hè này mình đưa con ra chơi Hà Nội, sẵn tiện thăm ông bà ngoại. Chơi dăm mười ngày rồi về cho con học hè. Em đặt vé máy bay rồi.
– Học riết con bị khùng. Hè là để con chơi. Con nít bây giờ không biết tuổi thơ là gì.
– Mỗi thời đại con nít có tuổi thơ khác nhau. Thời bây giờ không học, lớn lên chỉ có ăn mày.
– Ăn mày vẫn tốt hơn là bị khùng.
– Không học hè, mai mốt con không bằng ai.
Ba nhún vai.
– Vì thành tích, ngành giáo dục đè đầu học sinh. Vì hám danh, cầu lợi, cha mẹ đè đầu con cái… Chúng ta sinh ra con để lớn lên chúng làm người chớ không phải làm Quan, làm Giáo Sư, Tiến sĩ.
Mẹ nhìn ba rồi quay nhìn tôi.
– Ba nói con nghe được không, nói kiểu vậy không khùng cũng là ba trợn.
Và thế là ba mẹ cãi nhau…. Thường thôi, chuyện thường ngày mà. Và tôi biết, mẹ luôn luôn thắng. Đôi khi tôi tự hỏi, biết mẹ luôn thắng….vậy ba cũng cố cãi, được gì?
Nhưng lần này thì khác, ba không tranh luận, không biện minh, không cố giành phần thắng. Ba nói nhẹ nhàng, nhưng kiên quyết:
– Em chăm con tới giờ, anh rất hài lòng. Bây giờ tới anh. Nó là con trai anh, cháu nội của ba anh. Anh muốn nó sau này là một thằng đàn ông, chớ không phải là cái thứ chuột bạch.
Mẹ nổi nóng.
– Hở cái là chuột bạch, chuột bạch… Đúng là thứ cha nào con nấy…. Các người đâu thấy công sức của tôi bỏ ra chăm con, chăm chồng. Ba kêu con em là chuột bạch, là ba sỉ nhục em, sỉ nhục cả anh nữa đó, biết không?
– Đúng. Ba sống và cho anh niềm tự hào, còn anh… anh thì không.
Mẹ trề môi, miệt thị:
– Lão nhà văn quê mùa đó cho anh được gì mà tự hào, có giúp cho gia đình này đồng xu, cắc bạc nào không? Đáng lý ra em chăm cháu, chăm con của ổng như vậy ổng phải thương em, tự hào về em… đằng này, ổng coi em như con hâm.
Ba hầm hầm quát nào mặt mẹ:
– Em có quyền coi thường anh, nhưng em không có quyền coi thường ba anh. Ba anh sống một đời trong sạch, chớ không phải loại hám quyền, hám của như em.
Mẹ giẫy nẩy như đĩa phải vôi:
– Này… này, nói cho biết nhé, không có con này, anh chẳng là cái đếch gì trong xã hội đâu nhé.
– Ô kê…. không có em anh chẳng là cái đếch gì. Ba nói đúng mà, trong tay em, anh chỉ là đứa con nít, chớ không phải là thằng đàn ông.
Nói xong, ba bước ra khỏi nhà, đóng cửa cái rầm. Mẹ hét lên:
– Giỏi thì đi luôn đi, đừng về.
Thông thường cãi nhau, ba giận đi cả ngày, đêm về người sặc mùi rượu. Mẹ phải lấy khăn nóng lau mình, lau mặt loay quay cả đêm làm cho ba tỉnh, ba khỏe. Nhưng lần này thì không, một ngày, hai ngày, ba ngày… rồi cả tuần ba không về. Thoạt đầu mẹ còn giận bỏ mặc, sau đó mẹ cuống cuồng tìm, nhưng không ai biết ba đi đâu. Công ty của ba chưng hửng khi được mẹ hỏi. Người công ty nói ba nghỉ phép năm, đi du lịch… Cuối cùng mẹ điện cho nội. Biết ba về với nội, mẹ thở phào…
Nhà không có ba, hoang vắng, lạnh lùng như nghĩa địa. Lần đầu tiên tôi cảm nhận, ba quan trọng với tôi như thế nào. Mẹ có thể cho tôi tất cả, nhưng mẹ vĩnh viễn không thể là ba…
Cuộc chiến trạnh lạnh của bà và mẹ kéo dài. Mẹ nói với tôi.
– Ba bị khùng. Ổng nói về sống với nội là ổng “ xả ” hết… không màng. Xả là sao?
Lần đầu tiên…. mẹ thua, mẹ đưa tôi về quê với nội để đổi lấy ba.
*****
Sáng nay ngồi đây, ngồi trên cái nhà sàn của nội nhìn ra cánh đồng sen xanh ngát, tôi mới cảm nhận được thâm ý của ba. Cánh đây vài năm, nơi đây là những bưng tráp, lung bàu, mọc đầy cỏ dại. Vùng đất trũng này là của nội tôi, một vùng đất mênh mông bỏ hoang không canh tác. Mẹ thường nói:
– Tài sản thừa kế của ba con là cánh đồng hoang… vô giá.
Biết mẹ mỉa mai, nhưng ba chỉ nhún vai, cười. Bà nội mất sớm, ông nội tôi rảnh chân nên ngao du sơn thủy. Cái nghề văn chương đưa nội đi hết địa phương này tới chân trời khác. Nội kể ở chỗ này ba ngày, nơi kia mười bữa, thậm chí có nơi nội ở tháng trời. Nhưng nhà ba tôi, người ở không quá ba ngày. Tôi hỏi:
– Sao nội không ở chơi lâu lâu, lần nào nội đi, ba con cũng buồn lắm.
Nội xoa đầu tôi:
– Nội được sinh ra là để rong chơi, sáng tác… và chết. Không ai có thể qui định nội phải làm như thế này, sống như thế kia.
– Nhưng ở nhà này có ai dám ra qui định gì với nội đâu. Nội là số một mà!
Nội nhìn tôi cười vẻ ưu tư.
– Nội nói câu này cháu không hiểu, và lớn lên chưa chắc gì cháu hiểu. Con người được sinh ra không phải để làm số một. Con người được sinh ra là để yêu thương. Càng cố làm người số một, kẻ đứng đầu, con người chỉ thương mỗi bản thân mình.
“Không thương mình, thì thương ai?”. Nội là như vậy, người thường nói những câu khó hiểu. Mẹ tôi khôn hơn tôi gấp trăm lần mà lắm lúc cũng phải bó tay. Thấy mẹ tất bật làm ăn, mua sắm, tích lũy. Nội hỏi:
– Con làm cho “cố”… được gì?
Nội đi, mẹ nhún vai nhìn theo rồi nói với tôi:
– Cái nhà này mà không có mẹ, cháu con nhà ổng… ăn mày hết.
Ngoại sống ở Hà Nội, làm quan to, mẹ hay ỷ lại… Mệt! Tôi chả thích làm người lớn tí nào. Làm người lớn chi mà cứ tranh nhau chuyện đúng sai, sai đúng, hại não, chẳng được gì…
Sáng nay, ngồi đây ngắm cánh đồng sen của nội trong ánh ban mai, tôi lờ mờ nhận ra một điều gì đó trong tôi, rất lạ.
Cánh đồng sen bát ngát chạy tít xa xa, tới tận màng mù sương trắng xóa. Mặt trời lên tròn vo, đỏ hồng nhô trên hàng cây, treo lơ lửng trên những mái nhà. Gió thổi nhẹ, những đóa sen hồng rung rinh, những hạt sương đọng trên lá, sáng lên lóng lánh. Hương sen theo gió lùa qua căn nhà thoang thoảng một mùi hương trong lành, tinh khiết.
Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được điều gì đó rất lạ, mở ra trong tôi, làm tôi say sưa, làm tôi choáng ngộp… Tôi không biết đó là gì, nhưng sáng sáng được ngồi đây, ngồi giữa vùng trời đất bao la tràn ngập hương sen thế này, tôi không còn bận tâm chuyện mai mốt tôi có còn là người số một.
– Ông Năm ơi! Ông có ở nhà không?
Một thằng bé đen nhẻm trạc tuổi tôi bước lên sàn nhà kêu ơi ới. Tôi quay nhìn.
– Ông Năm đi ra đồng rồi?
Trong đời tôi chưa từng thấy ai đen như nó. Nước da nó đen bóng, ngời lên… ngời như màu đen trong đôi mắt của nó. Nó nhìn tôi, đôi mắt tròn lên, cảnh giác.
– Mày là ai, làm gì mà ngồi trong nhà này?
– Còn mày là ai, làm gì mà kêu la um sùm? Mày biết nhà này là của ai không?
Nghe tôi hỏi, mắt nó sáng lên đầy vẻ tự hào.
– Sao hỏng biết, đây là nhà ông Năm của tao.
Tôi khinh khỉnh cái mặt.
– Ông Năm của mày là ông nội của tao, biết chưa?
Nó nhìn nhìn tôi rồi cười ré lên.
– A… mày là chuột bạch phải không? Tao nghe ông Năm nhắc tới mày hoài.
Lại chuột bạch. Nghe nói tự dưng tôi nổi máu:
– Tao là chuột bạch… còn mày là chuột đồng à?
Nó xà xuống ngồi đối diện với tôi và cười rất vô tư.
– Dĩ nhiên… mày là chuột bạch, mày là dòng giống cao quý mà.
Câu trả lời của nó làm tôi nghi nghi… Tôi nhướng mắt:
– Mày có hiểu từ chuột bạch là ý gì không?
Nét tự tin chạy tràn trên gương mặt nó:
– Sao hông. Cái gì có chữ Bạch là đều cao quý. Như Bạch Hổ, Bạch Hạc, Bạch Mã… Mày là Bạch… Như mày là Bạch Tý. Nội mày cưng nên mới kêu mày là chuột bạch.
Không kìm được là tôi đã xà ra cười, tôi nghi nghi đâu có sai. Thằng này nói chuyện đúng vui, dân miền quê có khác.
– Mày học lớp mấy rồi mà khôn dữ ạ?
– Khôn gì…. Sao bằng mày, dân Sài Gòn mới khôn hơn chớ.
Tự nhiên tôi thấy thích nó.
– Đương nhiên, tao không khôn hơn mày mới lạ. Kiếm nội tao chi?
– Chiều hôm qua tao với ổng làm mấy cái tàu, giờ qua rủ ổng đi bắt cá.
– Tàu mà làm tới mấy cái? Tàu là cái thuyền đó phải không?
Nó nhìn tôi rồi phá ra cười:
– Ba cái vụ này dân sài Gòn như mày dốt đặc. Tàu là cái lỗ nằm chặn giữa hai cái bàu. Tối, cá nhảy qua nhảy lại rớt xuống lỗ, mình bắt. Tàu là cái bẫy cá đó biết hông?
– Bẫy cá thì kêu là bẫy cá, sao kêu bằng tàu.
– Xứ này ai cũng kêu bằng cái tàu, không có ai kêu bằng bẫy cá. Bẫy cá là tao giải thích cho mày hiểu thôi.
– Bẫy cá như vậy người ta có la không?
– Chim trời cá nước mà… ai bắt được nấy ăn.
– Bẫy như vậy có được nhiều cá không?
– Mệt… hỏi nhiều quá… muốn biết đi bắt với tao, biết liền.
– Đi bắt cá như vậy có dơ không?
– Muốn ăn thì phải lăn vô bếp…
Nó nghiêng nghiêng mắt nhìn tôi vẻ coi thường.
-Thứ công tử bột như mày biết làm gì, chết liền. Thôi mày ở nhà đi, để tao đi một mình. Chuột bạch như mày, gặp cá hỏng dám bắt nữa là…
Hồi nào giờ tôi ghét cái từ “Công tử bột”. Đồ nhà quê như nó bày đặt chê tôi.
– Được rồi… để tao bắt cá cho mày coi. Sợ cái tàu của mày không có cá cho tao bắt thôi.
Tôi xăng xái theo nó lội ra cánh đồng. Ôi mẹ ơi, lần đầu tiên tôi thấy cá đồng, cá nhiều vô số, lớn nhỏ đủ loại. Cá lóc con bành bành, bắt đã tay. Mới đầu, tôi chỉ bắt được mấy con nhỏ. Gặp con lớn, chộp, nó quẩy một cái, vuột liền. Thấy vậy nó nhìn tôi cười.
– Cá to mày phải bắt hai tay… vầy nè…
Và nó làm cho tôi coi… Dễ ợt, chỉ một loáng là tôi biết cách bắt cá to. Cầm hai tay chặn ngang eo con cá lóc bự, nghe nó vùng vẫy, cảm giác thật là đã tay. Thấy tôi mê, nó chỉ bắt mấy con nhỏ, cá lớn giao cho tôi xử, thiệt sướng. Bắt mấy cái tàu, gần cả chục kí cá…
– Xứ gì mà lạ kỳ… Cá đâu mà cả đống.
Nó nhìn tôi trề môi.
– Có gì mà lạ kỳ, bi nhiêu đây nhằm nhò gì… Mùa cá ra, con cá nó lội dựng đứng không hà.
Vừa nói nó vừa cầm con cá dựng thẳng đứng lên bơi bơi cho tôi coi.
– Mày xạo vừa thôi, cá mà lội thẳng đứng.
– Nói vậy mày không hiểu hả?
– Mày nói khùng khùng, sao hiểu.
– Cá lội thẳng đứng là gì sông quá chật, cá thì quá đông… không còn chỗ cho nó lội nằm ngang…. hiểu chưa?
Nói xong nó nhìn tôi cười khà khà. Biết nó nói xạo mà tôi vẫn thích… Nó xạo mà thật hồn nhiên, thật dễ thương. Bắt cá xong nó nhìn tôi cười:
– Mày bây giờ thành chuột đồng rồi…. Sình không.
Giờ tôi mới có dịp nhìn lại mình….từ đầu tới chân, chỗ nào cũng dính sình. Kệ… dính bao nhiêu cũng kệ. Tôi chỉ biết là lòng tôi rất vui, rất sướng… Và sướng nhứt là khi về tới, nội nhìn tôi cười, nụ cười rất lạ. Nội nhìn vào đám cá hai đứa tôi bắt về:
– Trưa nay coi bắt mấy con cá to nướng trui đãi dân Sài Gòn nghen Tèo.
Nó giơ tay lên liền:
– Dạ… chuyện nấu cơm, nướng cá ông Năm để con làm, không ngon không lấy tiền.
À! Tèo là tên của nó. Mà thằng Tèo này giỏi thiệt, từ chuyện bắc cơm, nướng cá đến cả chuyện lội ra ao hái sen non, chuyện gì nó cũng làm gọn hơ… Thấy con cá lóc nó nướng rơm vàng ươm, mắc thèm… Ôi trời ơi nó ngon! Miếng cá lóc nướng trắng phau, nóng hổi chấm vô nước muối ớt… ăn mà ngon tê tái. Cá lóc nướng tôi ăn hoài, nhưng trong đời đây là miếng cá mà tôi ăn ngon nhứt. Vị ngọt từ cá, vị chát của lá sen non và nước muối ớt… Từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ nghĩ muối ớt lại là một thứ nước chấm ngon tuyệt vời như vậy.
*****
Không chỉ thằng Tèo. Bọn con nít trong xóm kéo đến chơi cả lũ. Trước là để coi mặt cái thằng chuột bạch, sau là vì… tất cả bọn chúng đều là “ bạn” của nội tôi. Khi không có tôi, bọn chúng thường ngày đến chơi nhà nội. Trước, chúng mê nghe nội kể chuyện. Sau là giúp nội hái sen, lặt búp, móc củ, lấy ngó… Nói chung, chúng là lực lượng chính thu hoạch đồng sen của nội. Thằng Tèo nói:
– Nội mày giàu, ổng làm sen văn nghệ cho vui thôi… xứ này có cái đồng sen như ổng, thiên hạ cất nhà lầu.
– Nội tao có nhà lầu rồi… cất chi nữa.
– Thì vậy nên tao mới nới nội mày giàu.
Số là nội tôi có cái nhà hai tầng ở Thị Trấn Mỹ An, Tháp Mười. Nhà đẹp nhưng nội không ở. Bà nội mất, ngôi nhà đó dùng để thờ tự… Từ lúc dừng bước chân “giang hồ”, nội cất cái nhà sàn tại đây và chơi sen. Chơi thời gian, được cả cánh đồng. Mấy năm trước nghe ba tôi thường xuyên về quê trồng sen giúp nội. Tôi nghĩ đồng sen của nội lớn lắm bằng cái Đầm Sen ở Sài Gòn… Ai ngờ, về đây tôi mới thấy là cả một cánh đồng sen bát ngát. Tôi nhìn thằng Tèo:
– Làm sen văn nghệ là sao, không hiểu?
Thằng Tèo lúng túng:
– Tao… tao biết chết liền. Tao nghe nội mày nói, nói theo vậy thôi… Nhưng tao hiểu… nội mày làm sen cho vui chớ không có nặng chuyện tiền bạc. Sen ổng bán rẻ rề, tiền công ổng cho tụi tao muốn hết, đâu còn bao nhiêu.
Mà nội kể chuyện hay thiệt. Một đêm trăng, cả bọn chúng tôi quây quần bên nồi chè hạt sen, vừa ăn chè vừa nghe nội kể. Chuyện vầy:
Ngày nọ, người cha giàu có dẫn cậu trai đến sống thực tế ở một gia đình nghèo nhất nhì vùng. “Đây là một cách để dạy con biết quý trọng những người có cuộc sống cơ cực”. Người cha nghĩ đó là bài học tốt cho đứa con bé bỏng của mình. Sau khi tìm hiểu đời sống ở đây, họ trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười:
– Chuyến đi này thế nào hả con?
– Thật tuyệt vời ba ạ!
– Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!
– Ô, vâng.
– Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này?
Đứa bé không ngần ngại:
– Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải treo những chiếc đèn vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống, họ có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở lẫn nhau…
Đến đây, cậu bé kết luận:
– Ba ơi, con đã biết… so với họ mình còn nghèo lắm.
Người cha giàu có nhìn cậu trai, sững sờ.
– Ôi trời… đôi khi chân lý lại được thốt ra từ miệng trẻ.
Nội có cách kể chuyện như vậy, ai muốn hiểu sao cũng được. Bọn thằng Tèo thì khỏi nói, chúng gân cổ cãi nhau về chân lý giàu nghèo của cậu bé. Tôi làm thinh. Tôi biết câu chuyện của nội là dành cho tôi.
Về đây sống với nội tôi mới hiểu, hiểu vì sao nội không thể ở lâu trong căn nhà của ba tôi. Tính nội phóng khoáng, người quen sống trong một vùng trời đất bao la thế này. Trong căn nhà bố tôi, quả là một vùng trời chật hẹp, tù túng.
Trưa, nước lớn, dòng sông bên hông nhà đầy tràn, xanh ngắt. Tụi thằng Tèo rủ tôi đi tắm sông.
– Thôi, nước sông dơ lắm.
– Trời… nước trong veo vậy mà dơ.
Bọn chúng xúm tới lôi kéo, nói đủ lý do rủ tôi tắm sông và tôi cũng viện chừng đó lý do để từ chối. Chỉ có con Mận là hiểu ra vấn đề.
– Tao mệt tụi bây quá, nó đâu có biết lội mà rủ tắm sông.
Cả bọn ngớ ra nhìn tôi.
– Trời… mày hỏng biết lội thiệt hả?
Trong con mắt của tụi nó, tôi hỏng biết lội là chuyện lạ kỳ. Tôi làm tỉnh nhún vai:
– Ai nói, lội với tao là chuyện nhỏ, tại tao không thích tắm sông, vậy thôi.
Rủ tôi không được, bọn chúng kéo nhau ra bờ sông trèo lên cây nhảy đùng đùng… Dữ hơn, chúng còn kéo cả một tàu dừa xụ xuống rồi lấy đà đu ra cho rơi giữa dòng sông, vẫy vùng thỏa thích.
Thấy tôi ngồi đó say sưa nhìn ra bờ sông. Nội ngồi kế bên tôi:
– Cháu có biết câu chuyện chim con tập bay không?
Tôi làm thinh. Nội nói tiếp:
– Chim con sinh ra không biết bay. Khi chim mẹ thấy chim con đủ lông, đủ cánh. Một ngày đẹp, chim mẹ đẩy chim con văng ra khỏi tổ, rơi vào vùng không gian bao la… thế là tự nhiên chim con biết bay. Bay là bản năng sinh tồn của loài chim.
Nói tới đó, nội đưa mắt nhìn ra dòng sông:
– Trái đất mình đang sống ba phần tư là nước, con người sinh ra trên hành tinh này đều ẩn trong mình yếu tố bơi lội. Đó là bản năng sinh tồn của loài người. Con cố học làm giáo sư, tiến sĩ nhưng không khai thác được bản năng sinh tồn, chết dễ như không…
Nội chỉ tay ra dòng sông nơi bọn thằng Tèo đang đùa giỡn dưới nước:
– Là con người không ai không thích nước…
Tôi cụp mắt xuống:
– Nhưng cháu không phải là chim… nhảy khỏi tổ là biết bay.
– Sai. Cháu tin không, nội quăng xuống nước tự nhiên cháu lội được liền. Vì bơi lội là bản năng sinh tồn đã có sẵn trong cháu. Xuống nước cháu chỉ cần nín thở, tay đập cánh như chim, cháu sẽ bơi lội như cá. Sống là tin vào bản thân mình. Khi có niềm tin, con người làm nên những chuyện rất phi thường.
Những lời của nội chảy vào trong tôi…. làm tôi hào hứng. Thế là nội dẫn tôi ra bờ sông… và người ẵm tôi quăng ra giữa dòng…. Tự nhiên tôi biết lội. Thoạt đầu tôi thụt thụt như chó lội nước nhưng không chìm… vài lần sau đó, tôi lội được vào bờ. Trời ạ!… không có niềm hạnh phúc nào đột ngột ập tới làm tôi sướng khi biết lội… Nó vở òa trong tôi, làm tôi trào nước mắt. Mấy năm nay, hè nào ba cũng dẫn đi tập lội. Nhưng tôi có lội được đâu. Điện thoại báo cho ba mẹ biết, hỏng ai tin.
Những ngày sau đó, hở là tôi tắm sông, một mình cũng tắm, cũng lội… Dòng sông xanh của nội nó trong trẻo, nó mát làm sao… Lâu lâu làm một ngụm vào miệng, từng ngụm, từng ngụm ngọt ngào chạy vào trong tôi, lan tỏa khắp châu thân…
Tôi là game thủ có hạng, trước kia cái Ipad không rời tôi một bước. Hễ xong những việc theo qui định, như học bài, giải toán… là tôi ghì đầu vào game. Còn bây giờ… nó hết pin mà tôi không buồn sạc. Bọn thằng Tèo, con Mận, Thằng Tí dẫn tôi đi hái sen, bắt cá, bẫy chim, đào chuột… Giờ thì tôi biết nướng cá và mê mẩn cái món cá lóc nướng trui ăn với lá sen non, chấm nước muối ớt.
Những lần theo chân bọn chúng lùng sục trong rừng tràm tìm chim, bắt chuột, bắt rắn… với tôi là cả một trải nghiệm kỳ thú. Không có gì hạnh phúc bằng sau một buổi săn, bọn tôi ngồi đó nướng từng con một trên đống lửa hồng, xé từng miếng thịt thơm bưng, chấm muối ớt rồi đưa vào miệng… Không có ngôn từ nào diễn tả được cái ngon mà tôi đang thụ hưởng. No nê, chúng tôi lăn ra ngủ mê muội dưới bóng mát của những rặng tràm, gió mơn man thổi, giấc ngủ sao quá đỗi ngọt lành.
Về đây, mọi thứ đều thay đổi trong tôi. Trước, mẹ phải kêu năm lần bảy lượt tôi mới dậy. Bây giờ, nội thức là tôi thức. Sáng sớm nội thức dậy pha trà, trà tim sen. Nội nói, trà tim sen thanh lọc tạp niệm trong tâm. Tôi không biết tâm tôi có tạp niệm hay không, nhưng những ngày ở đây, những sáng đón bình minh trên cánh đồng sen, được uống trà, được trò chuyện với nội tôi thấy lòng mình tràn ngập niềm vui. Nội thường nói:
– Con người sống cả đời đi tìm hạnh phúc, nhưng người ta cứ tìm đâu đâu… họ không biết hạnh phúc là tại tâm, là hài lòng với những gì mình đang có, là biết sống với thực tại. Muốn được vậy, con người sống phải biết “xả”.
Tôi không hiểu hết những lời của nội, nhưng tôi cảm nhận được mình đang hạnh phúc. Cảm nhận nội đang mở ra trong tâm hồn tôi một chiều sâu khác…
Những ngày cuối hè, tôi kéo thằng Tèo ra đồng, chỉ cái bàu nhỏ nằm cặp đồng sen.
– Tao muốn trồng Sen trong cái bàu này.
– Mày khùng hả, sen nội mày cả cánh đồng, trồng chi nữa.
– Mày giúp tao không? Cứ làm theo ý tao, làm xong mày sẽ hiểu. Nhưng phải bí mật nghen.
Không chỉ thằng Tèo, con Lài, con Mận, thằng Tí đều bí mật đến giúp tôi một tay. Hiểu ra ý đồ của tôi đứa nào cũng hăng hái nhiệt tình. Trên cái bàu rộng chừng một ngàn mét vuông, chúng tôi chiết từng gốc sen con, trồng một đám sen to hình quả tim. Khi hoàn thành, cái bàu toàn đưng lát đã thành một cái hồ sen với quả tim tuyệt đẹp.
Cả bọn tôi đứng đó chiêm ngưỡng thành quả của mình. Con Mận nói:
– Ba cái vụ này chỉ có dân Sài Gòn mới nghĩ ra.
Thằng Tèo cười:
– Thì vậy… người ta là chuột bạch, bọn mình chỉ là đám chuột đồng, sao bằng.
Tôi nhìn bọn chúng.
– Nói thiệt… về đây tao học được tụi bây rất nhiều… Tao đã được một vé của tuổi thơ.
Thằng Tèo nghiêng mắt nhìn tôi:
– Mày lại giống ông Năm, nói toàn câu khó hiểu… nhưng nghe đã.
Giờ trong tôi không còn lợn cợn từ chuột bạch hay chuột đồng. Tôi chỉ Hồ Tim Sen:
– Làm cái này là để tao nhớ tụi bây và cũng là cái để tụi bây nhớ tới tao.
Hết hè, ba mẹ xuống rước tôi về Sài Gòn. Hai người đã làm lành, mẹ đi bên ba ngoan hiền, hay cười, ít nói.… và khi ít nói, mắt mẹ sáng lên, ấp ấm, thân tình. Không báo mà tất cả bọn chúng đều có mặt. Chỉ mấy tháng thôi mà tình cảm giữa chúng tôi quá đỗi thân thiết, chia tay mà nước mắt đứa nào cũng rưng rưng.
Tôi bắt tay từng đứa một.
– Tụi bây thay tao chăm sóc Hồ Tim Sen, khi nào trổ bông điện tao biết.
Nội cười kéo tôi vào lòng. Người vỗ vỗ vào tim tôi:
– Cháu đừng lo… Hồ Tim Sen chưa nở, nhưng sen đã nở trong cháu rồi.
Nội lúc nào cũng vậy… cũng nói những lời sâu xa. Dù chưa hiểu hết
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 503
Trong tháng: 24559
Tổng truy cập: 577470