Truyện ngắn

Truyện ngắn Chu Quang Mạnh Thắng - MÁ LÚM ĐỒNG TIỀN

Ngày đăng: 23-08-2022 03:27:53

Truyện ngắn MÁ LÚM ĐỒNG TIỀN của nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng, viết năm 2003, đã đăng in nhiều nơi và sau đó đã được tác giả lấy cảm hứng và ý tưởng từ câu chuyện để phát triển thành một bộ kịch bản phim truyền hình dài 31 tập, mang tên SÓNG GIÓ LÀNG NGHỀ. Bộ phim xoay quanh những câu chuyện tình đầy éo le của các bạn trẻ trong làng nghề và sự thăng trầm của làng nghề trong giai đoạn chuyển đổi các kỹ thuật sản xuất và những biến động đầy sóng gió của thị trường sơn mài. Phim do Lasta film sản xuất năm 2013 và đã trở thành một bộ phim rất "ăn khách". Bên cạnh đó, tác phẩm MÁ LÚM ĐỒNG TIỀN cũng đã được dịch ra một số tiếng nước ngoài và đã được đăng in ở một số quốc gia khác nhau...

(Ảnh: Diễn viên Võ Thành Tâm, vào vai nhân vật nam chính, trong phim "Sóng gió làng nghề")

Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở những lán bên cạnh cứ bốc xộc vào mũi, thật khó chịu. Bên cạnh hắn, những người thợ khác cũng đang cặm cụi làm việc. Chiếc loa to tướng trên căn phòng của ông chủ, đang vọng xuống một giọng hát cải lương thảm thiết não nề, kể lể mối tình buồn nẫu ruột của cô gái tên Lan và anh chàng Điệp…

Cô con gái cưng duy nhất của ông chủ tên Châu, người không cao cũng không thấp, không ốm cũng không mập, tóc dài ngang lưng và đôi má có lúm đồng tiền cỡ… hai xu mỗi khi cô nàng cười chúm chím. Phải công nhận là Châu khá đẹp. Hắn chép miệng ao ước: “Giá như…”. Thật tiếc, hắn chỉ là một kẻ làm công nghèo rớt.

Kìa, Châu lại đang đi xuống, trên tay bưng một rổ ốc lóng lánh màu sắc đã can sẵn. Bắt gặp ánh mắt của hắn đang liếc trộm, đôi chân nàng bỗng bước thấp, bước cao như vấp phải một… cục đá vô hình. Quái lạ! Nàng khẽ cúi xuống, e thẹn. Tới bên cạnh, nàng đưa cho hắn rổ ốc:

- Anh cưa gấp mấy cây Tùng rồi đưa cho thợ cẩn, cẩn gấp.

Hắn đón lấy rổ ốc rồi lại tranh thủ liếc trộm cô chủ. Hắn bỗng bối rối khi bắt gặp ánh mắt cô chủ cũng đang nhìn mình. Cô chủ vội vã nhìn đi chỗ khác rồi hỏi:

- Đôi Long - Phụng, anh cưa xong chưa?

- Đây, xong rồi Châu ạ!

Hắn đưa cho cô chủ chiếc rổ nhựa nho nhỏ có đựng những mảnh ốc đã được hắn cưa cắt một cách khá điệu nghệ rồi lại cúi xuống, cặm cụi cưa tiếp.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, hắn đã học nghề ở đây cả gần năm trời, tay nghề cưa cẩn đã khá, mức lương cũng đã được nâng lên từng ngày. Mai mốt, hắn sẽ được học sơn rồi tách(*)… Hắn quyết sẽ tìm cách học cho bằng được những công đoạn thủ công để có thể hoàn chỉnh được một tác phẩm sơn mài. Thời gian đầu, ông chủ giấu nghề kỹ lắm, thường thì ông chỉ bắt hắn làm hoài một công đoạn, làm đến phát ngán. Cũng may có cô chủ luôn luôn ở nhà. Tranh thủ những khi ông chủ đi vắng, hắn thường lân la tới bên cô chủ mà học hỏi. Được một gã con trai cùng lứa quan tâm và tín nhiệm, thế nên cô chủ cứ vô tư mà… truyền nghề cho hắn. Đúng là… “con gái hại cha mà!”.

- Thằng này sáng dạ!

Một ngày, ông chủ bỗng phát hiện ra tay nghề của hắn, khen lấy khen để. Hắn cũng “lên luôn” từ dạo ấy!

Cô chủ lại trở về với hai chiếc lục bình to tướng và những miếng ốc đã cưa sẵn rồi lui cui ngồi cẩn. Tiếng gõ chuôi nhíp(*) của cô vang lên lạch cạch. Thỉnh thoảng, cô lại liếc trộm xuống chiếc lán dừa cách đó không xa, nơi có anh chàng “sáng dạ” đang chăm chỉ học nghề. Hắn có chí lắm! Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, hắn sẽ thành một tay thợ lành nghề! Không chừng, khi đó, hắn cũng sẽ lại tung cánh bay đi như bao nhiêu kẻ khác. Chuyện đó ở đây xảy ra hoài. Cũng chính vì lý do đó mà cha cô thường tìm cách giấu nghề rất kỹ, cố kéo dài thời gian học nghề của thợ càng dài càng tốt, một là để thử tính kiên trì, hai là để giữ chân thợ. Trả lương học việc ắt sẽ không tốn nhiều như lương thợ chính rồi…

Trong lán dừa bên cạnh con lạch nhỏ, hắn và mấy người thợ nữa vẫn đang lui cui ngồi cưa kéo cặm cụi. Tiếng đập nêm, kẹp, lóc cóc và những tiếng cưa loẹt xoẹt vẫn vang lên đều đều…

(Ảnh: Diễn viên Oanh Kiều, vai cô chủ Châu, trong phim "Sóng gió làng nghề")

* * *

Giúp ông chủ vần mấy chiếc bình to tướng, cao ngang ngực lên chiếc xe lam, xong, hắn phủi hai vạt áo lấm đầy bụi. Ông chủ đạp máy xe nổ pằng pằng, rồ ga lao vọt đi. Hắn quay vào, phụ cô chủ cẩn mấy bức tranh Cầu - Đào(*).

- Bức tranh đẹp quá! - Vừa cẩn, hắn vừa tấm tắc khen.

Cô chủ, đôi má đỏ ửng, lúc này chỉ còn biết tủm tỉm cười.

- Châu có tin không? Tôi cũng có thể vẽ được những bức tranh như thế! - Hắn khoe tài.

- Thật không? - Châu có vẻ nghi ngờ.

- Châu không tin ư?

Châu vẫn tủm tỉm cười khiến hai lúm đồng tiền cứ đậu hoài trên đôi má.

- Vậy, tôi vẽ thử cho Châu xem nghen!

Rồi hắn với được một mảnh giấy, dùng cây bút chì, bắt đầu lui cui vẽ. Cô chủ cũng chăm chú dõi theo từng nét vẽ lả lướt, thoăn thoắt, điệu đà của hắn, rồi gật đầu khi bức tranh Cầu - Đào từ từ hiện ra. Thật đẹp, chẳng kém gì bức tranh mà cô và hắn đang cẩn.

- Anh vẽ đẹp quá! - Châu khen.

- Ngày trước, khi còn đi học, lúc nào tôi cũng mơ ước được trở thành họa sĩ…

- Vậy sao anh không đi học làm họa sĩ?

Khuôn mặt hắn bỗng lộ ra những nét buồn rười rượi. Hắn chép miệng:

- Có lẽ, tại tôi không có duyên!

Ngắm bức vẽ một chút rồi hắn gấp lại, tiếp tục cùng cô chủ làm nốt công việc đang dang dở. Chẳng mấy khi được làm việc cùng Châu, hắn lại bắt chuyện:

- Hôm nào rảnh, tôi sẽ vẽ tặng Châu một bức chân dung!

- Ý! Không được đâu!

- Sao vậy?

- Kỳ lắm!

Rồi Châu lảng vội sang chuyện khác:

- Ba em nói, sang tháng bắt đầu cho anh học sơn. Chừng nào sơn thạo rồi, cho anh học tách!

- Học tách khó lắm phải không Châu?

- Dạ, ban đầu cũng khó! Nhưng mà anh khéo tay, chắc cũng mau!

- Sao Châu biết tôi khéo tay?

- Thì ban nãy, Châu vừa được xem anh trổ tài đó thôi. Chắc hồi còn đi học, anh vẽ nhiều lắm hả?

Nhớ lại thời còn đi học, hắn hào hứng:

- Châu biết không? Thời còn đi học, tôi nghịch lắm! Có lần, bốn bức tường vôi trắng tinh của lớp học đã được tôi trang trí bằng đủ mọi hình ảnh do tôi tự sáng tạo, từ những mẩu gạch non. Có cả hình ông thầy giáo chủ nhiệm suốt ngày đội mũ nồi, đeo kiếng cận nữa chứ! Tôi họa giống y như thật, từ ánh mắt, khuôn mặt đăm đăm có cái mụn ruồi to bằng hạt gạo nếp… tất thảy đều giống. Sau khi tôi họa xong, không biết đứa nào trong lớp đã phết thêm cái tên của thầy vào ngay bên cạnh khiến thầy cứ tấm tắc: “Ai vẽ tôi mà đẹp thế này?”- Tôi liền đứng vùng dậy: “Thưa thầy, em ạ!”. 

Châu chăm chú nghe và đôi má lúm đồng tiền cứ lúm xuống sâu hoáy như cái xoáy nước mỗi khi Châu tủm tỉm cười.

- Bữa ấy, thầy có thưởng cho anh cái gì không? - Châu hỏi.

- Có chớ! Thầy bảo: “Trưa nay ở lại, quét vôi bốn bức tường, xoá giùm tôi những bức tranh này đi!” - Tôi cứ tiếc ngẩn vì những bức họa của mình có “tuổi thọ” quá ít. Sau lần đó, thầy thường xuyên để ý tới tôi. Mỗi khi cần trang trí báo tường, thầy giao cho tôi đảm nhiệm hết!

- Anh giỏi thế, vậy mà không đi học vẽ?

- Tôi nói rồi, chắc tại không có duyên!

Pằng Pằng… Pằng…

Chiếc xe lam của ông chủ đang trên đường về, tiếng nổ như xe tăng. Sao hôm nay ông chủ giao hàng nhanh thế? Hắn thôi không kể chuyện nữa. Cô chủ cũng thôi tủm tỉm cười. Cả hai lại cầm nhíp gõ lóc cóc lên những miếng ốc óng ánh màu sắc đang được gắn vào bức tranh Cầu - Đào khổ lớn…

(Ảnh: Nhân vật nam chính, cùng các thợ sơn mài, phim "Sóng gió làng nghề")

* * *

Không phải chỉ có thời đi học, mà ngay cả bây giờ, hắn vẫn luôn ao ước được trở thành một họa sĩ để được sống trọn đời với một môn nghệ thuật mà mình luôn yêu thích. Nhưng ở đời, đã có mấy ai được sống trọn với những mơ ước của mình. Hắn cũng thế, yêu vẽ lắm nhưng hắn lại chẳng thực hiện được điều gì. Thi đi thi lại đôi lần đều trượt. Mới đầu, hắn thi vào ngành kiến trúc, sau đó thì mỹ thuật... “Mình thật là vô dụng!” - Hắn tự sỉ vả mình rồi chép miệng: “Thôi thì tại… phận!”. Có điều, không vào được đại học, hắn vẫn cứ muốn được làm một điều gì đó có dính dáng tới… nghệ thuật! Vậy là hắn chọn nghề sơn mài, một nghề thủ công mỹ nghệ đã có mặt trên mảnh đất này từ cái đời thuở nào. Vì theo hắn, dù sao đi nữa thì đó cũng là một hình thức lao động mang tính… nghệ thuật.

Nguyên nhân khiến hắn kiên quyết đi học nghề sơn mài chỉ có thế. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp và hắn sẽ trở thành một người thợ cực giỏi trong nay mai. Oái oăm thay, ông chủ lò lại có một cô con gái cưng khá đẹp! Mọi chuyện rắc rối được bắt đầu từ đây. Giá mà hắn chỉ nhìn trộm và ngắm nàng thôi thì đã đành. Đằng này… chậc, chậc… hắn lại đi thích cái đôi má lúm đồng tiền của người ta có chết không cơ chứ! Giá như cô chủ… lạnh lùng với hắn một chút thì tốt biết bao. Ác một nỗi, cứ nhìn thấy hắn, cô chủ lại chúm chím cười khiến hắn ăn không ngon, ngủ không yên…

Một bữa, hình như ông chủ đã phát hiện ra những điều “bất thường” giữa cô con gái cưng và cái kẻ làm thuê sáng dạ. “Sáng dạ thì được, nhưng còn chuyện ấy thì không thể!”- Ông đe con gái mình như thế. Châu im lặng và có vẻ hơi buồn. Cũng từ đó, ông thường để mắt tới đứa con gái cưng nhiều hơn và luôn đề phòng cái thằng làm công… sáng dạ.

Rồi lại một ngày u ám nữa. Ông chủ bỗng cho gọi hắn cùng một vài người nữa lên, bảo:

- Dạo này ít việc, tụi bây tạm nghỉ ít bữa, chừng nào nhiều việc, tao sẽ cho kêu!

Hắn và mấy người kia lặng lẽ nhìn nhau rồi “dạ” khẽ. Mấy người kia thì chẳng nói làm gì, còn hắn: “sáng dạ, thông minh, được việc…”, vậy mà ông chủ cũng cho nghỉ, còn không quên “tặng” thêm cho hắn một cái nhìn nảy lửa. Vậy là đã rõ. Ông chủ sẽ không bao giờ cho kêu lại hắn, cho dù hắn có tài giỏi cỡ nào.

Hắn thở dài rồi cuốn gói ra khỏi xưởng. Được vài bước, hắn bỗng quay lại nhìn cái lán dừa thân quen và để được lén nhìn thấy nàng một lần nữa. Trong lán, Châu cũng đang trộm nhìn theo. Ông chủ liền lừ mắt nhìn cô con gái rồi khẽ “e hèm” khiến hắn phải vội quay mặt đi.

Ra tới hàng dừa bên cạnh bờ sông, hắn đút hai tay vào túi quần, tựa lưng vào một gốc cây, nhìn xa xăm sang phía bờ bên, nghĩ ngợi. “Đỉa mà cũng đòi đeo chân hạc ư? Đáng đời nhà mi!…”. Bây giờ thì hắn mới biết thế nào là tai hại. Con đường nghệ thuật của hắn lại một lần nữa dang dở. Ai bảo, hắn cứ thích đôi lúm đồng tiền nơi gò má con người ta? Thích ai không thích, lại đi thích con gái ông chủ!

- Nè, sao không về? Đứng đây làm gì?

Nghe tiếng quen quen, hắn quay đầu nhìn lại. Thì ra là một người làm chung cũng mới vừa bị “giảm biên chế”. Anh ta chép miệng:

- Thôi! Nuối tiếc mà làm gì! Hãy quên cô ta đi!

- “Cô ta” nào? - Hắn buột miệng hỏi.

- Nè, đừng giả bộ nai tơ! Bọn này biết hết trơn rồi, biết trước ông chủ nữa kìa!

Hắn lại im lặng. Chán chường. Thì ra là vậy, ai cũng đã biết. Ông chủ tống cổ hắn đi cũng là phải lắm!

- Thôi, đi kiếm chỗ nào đó làm vài ly rượu đế cho đỡ buồn!

Cái gì? Uống rượu à? Phải lắm! Lúc này, hắn cũng muốn được uống vài ly, mặc dù trước đây chẳng bao giờ hắn thích uống rượu. Hắn cũng đang muốn được đập phá một cái gì đó. Nghĩ vậy, hắn gật đầu:

- Đi thì đi!

* * *

Hắn nói với người bạn sau khi ngửa cổ uống cạn mấy ly rượu đế nóng phừng phừng:

- Anh nói chủ quán cho tôi xin tờ giấy trắng với cây viết chì…

- Để làm gì? Viết thư cho cổ à?

- Cũng gần như thế! - Hắn gật đầu.

Tờ giấy, cây bút chì được đưa tới. Hắn vừa ngâm nga một bản nhạc buồn vừa quơ tay vẽ. Hắn vẽ say sưa một hồi…

- Nè, chú mày vẽ ai vậy? - Người bạn của hắn tò mò.

Hắn không trả lời vội. Những nét vẽ vẫn liên tục được phác ra trên trang giấy trắng. Mái tóc này, đôi mắt này, khuôn mặt này, nụ cười này, đôi má lúm đồng tiền này… Chỉ một loáng sau, hắn đã họa xong một bức chân dung mà không cần hình mẫu.

Người bạn của hắn gật gù nhìn bức tranh khi hắn hoàn tất, khen:

- Đẹp! Cứ y như thật vậy! Hèn chi cô chủ thích chú mày!

Rồi anh ta vung tay lên trời:

- Uổng, tao mà là ông chủ, tao rước chú mày về, cho ở rể luôn! Một nhân tài thứ thiệt. Vậy mà ông chủ lại chê!

Hắn nhếch mép cười buồn. Nốc thêm một ly rượu đắng nữa, hắn lại hát. Sao lúc này hắn tự dưng thích hát đến thế…

Rồi hắn cuốn bức tranh, đưa cho anh bạn:

- Nhờ anh chuyển giùm cho cổ! Nói rằng tôi tặng!

- Ờ, được! Tội nghiệp chú mày! Làm vài ly nữa được không?

- Dạ, được!

Rồi hắn ưu tư:

- Vài ngày nữa, có lẽ tôi sẽ phải đi xa!

- Đi đâu?

- Tôi sẽ xuống Sài Gòn!

Người bạn lại rót rượu. Hắn lại đón thêm một ly nữa rồi ngửa cổ uống cạn. Xong, hắn quẹt miệng:

- Thôi, tôi phải về đây!

- Sao vậy? Đang vui mà!

Hắn xua tay rồi ngật ngưỡng đứng dậy:

- Mẹ tôi không thích nhìn thấy tôi say rượu!

Rồi chân nam đá chân chiêu, hắn đi ra khỏi quán. Hình ảnh nàng lại chập chờn nhảy múa trong đầu. Hắn muốn xua đi mà không tài nào xua nổi. Đôi má lúm đồng tiền của nàng và nụ cười hàm tiếu của ông chủ cứ quấn chặt lấy tâm trí của hắn mà tra tấn…

Ra đến bờ sông, hắn lại đứng nhìn sang bờ bên và những đám lục bình đang quanh quẩn trên dòng nước. Hình như có cả bóng hình của Châu cũng đang chập chờn trước mặt…

    * * *

Lặng lẽ ngồi riêng trong một góc xưởng, hắn lại mải mê với một bức tranh sơn thủy. Sau khi quyết định tạm rời xa quê hương, hắn xuống thành phố, xin được một chân thợ trong một cơ sở sơn mài nằm trên đường Cộng Hòa, tiếp tục đeo đuổi con đường mình đã chọn.

Cái lán dừa, con lạch nhỏ, những cơn gió lồng lộng thổi vào từ dòng sông đục ngầu phù sa, và tất nhiên, cả đôi má lúm đồng tiền của nàng… tất cả lại hiện về trong tâm tưởng khiến hắn chợt buồn. Thế là hết, tất cả bây giờ chỉ còn là kỷ niệm, một kỷ niệm thiêng liêng của những năm tháng đầu tiên khi hắn bắt đầu chập chững làm… người lớn.

Tối. Trong góc phòng ngủ dành cho những người thợ, hắn lại ngồi nhớ tới cô chủ cũ. Người đâu mà đẹp lạ! Lấy cuốn sổ và cây bút chì, hắn lại loay hoay ngồi vẽ. Những bức chân dung của nàng lại hiện ra trên từng trang sách nhỏ. Bức nào cũng đẹp, cũng có đôi má lúm đồng tiền và nụ cười tươi rói. Có lẽ kiếp này, hắn chỉ được ngắm nàng thôi. Cái nhìn nảy lửa của ông chủ dành cho hắn hôm nào đã nói lên tất cả. Cả hắn và Châu lúc này, đều không ai có đủ can đảm để vượt qua cái nhìn nghiêm khắc đó.

Khuya. Hắn gấp cuốn sổ rồi ngả lưng xuống chiếc chiếu dưới nền nhà. Nằm hoài mà không sao ngủ được. Cố quên đi hình ảnh của nàng, hắn tưởng tượng những tháng ngày sắp tới. Hai bàn tay trắng xuống Sài Gòn lập nghiệp. Con đường trước mặt còn dài hun hút. Cũng chẳng biết đến khi nào, hắn mới được gặp lại nàng, gặp lại đôi má lúm đồng tiền đã khiến hắn mê mẩn suốt một thời… Hắn bỗng nghêu ngao hát, một bài hát kể lể mối tình buồn nẫu của cô gái tên Lan và anh chàng tên Điệp. Bài hát ấy hắn đã thuộc lòng vì ngày nào cũng được nghe đi nghe lại vài lần, khi còn làm việc ở xưởng cũ. Hắn cất tiếng hát mà trong lòng đau quặn. Hình ảnh đôi má lúm và nụ cười xinh xắn của Châu lại hiện lên… Hắn cố xua đi nhưng không thể nào xua nổi…

Hát chán rồi, hắn lại nằm trằn trọc.

Chẳng bao lâu, đã thấy trời gần sáng.

Đêm Sài Gòn hình như cũng ngắn hơn đêm ở quê.

 Sài Gòn, tháng 3 – 2003

CHU QUANG MẠNH THẮNG


(*) Cưa, cẩn, sơn, tách... - những công đoạn của nghề sơn mài thủ công.

(*) Đồ nghề dùng để cẩn ốc lên sản phẩm sơn mài.

(*) Long - Phụng; Cầu - Đào… là tên gọi sản phẩm sơn mài dựa theo chủ đề bức tranh mô tả.

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0913640143 - 028 99968822
Zalo:

Video clip

Copyright © 2022 Công ty Cổ phần Viện khoa học Quốc tế Stanford
Thiết Kế Website: Phương Nam Vina

Đang truy cập: 8

Trong ngày: 493

Trong tháng: 24549

Tổng truy cập: 577460

0913640143 - 028 99968822