Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình

Thì tương lai trong thơ Phan Hoàng qua Chất vấn thói quen

Ngày đăng: 03-03-2023 09:28:59

Tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Namđã được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023. Tập thơ do nhà thơ Sándor Halmosi chuyển ngữ từ bản tiếng Anh sang tiếng Hungary và nhà thơ Attila F Balázs hiệu đính, được Nhà xuất bản AB-ART ấn hành. Trang "Stan-ford.com" xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Bình Địa Mộc cảm nhận về tập thơ “Chất vấn thói quen”.

Đã có hơn mấy mươi bài bình, bài giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về tập thơ "Chất vấn thói quen" của Phan Hoàng xuất bản lần đầu năm 2012 và tái bản 2015, 2022, 2023 bằng tiếng Việt, Anh, Hungary. Nhưng hơn hết là người yêu thơ, người làm thơ yêu quý tác phẩm tìm đọc. Tôi, một độc giả không ngoại lệ xin có đôi lời cảm nhận…

 

(Nhà thơ Attila F Balázs – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube của Hungary trao giải thưởng cho nhà thơ Phan Hoàng)

Sau cơn bão đưa ta vào thượng tầng khí quyển, say điệu vũ thiên nga, tác giả đã lần mở từng giấc mơ hiện thực "những lúc rơi dưới đáy đau đớn / lơ mơ thấy mình / hồn nhiên thơ dại đại dương bình yên của mẹ / cưỡi cơn hồng thủy lặng im / tẩy xóa nếp nhăn tư duy già nua / hằn sâu gương mặt rỗ nhàu trái đất / rỗ nhàu đúc khuôn thần đồng sáng tạo".

Đã có sự hiển lộ ngày mai. Nơi, những chàng trai sẽ độc quyền hào phóng trên cánh rừng nguyên sinh rực hương thiếu nữ. Nơi, cánh tay lực lưỡng ném phăng kỹ năng dục vọng trên trang phục mục ruỗng mà bềnh bồng ngọn lửa khoái lạc.

Nơi, cái “tôi” định vị đúng nghĩa, chấp nhận đau đớn để tìm đến sự thăng hoa ẩn tàng dưới lớp ngôn ngữ tưởng chừng vô ngôn, không khuôn thước, không văn bản. Thậm chí một thứ “văn bản không văn bản”. Một loại chữ mộng mị, du miên, ấu trĩ cõi cằn, nằm mọt ruỗng trong kho tàng hư danh, giả dối có thể hủy diệt mầm xanh ý tưởng như "nhữngcon đom đóm vừa bay / vừa phát tín hiệu khẩn cấp / những con sóng vừa chồm lên / vừa báo động nguy cơ / những cơn gió từ phía đông / vừa ào về vừa thảng thốt / lãnh hải ập trận cuồng phong / ngư dân tay không chống chọi từng cơn áp thấp".

Trái đất đang nóng dần lên bởi môi trường sống ngày càng hủy diệt đến từng giây, từng phút. Đến, nhà thơ quèn trong tôi / cũng phải bất lực trước tiếng gà báo thức ở một xóm chài hiu quạnh. Đến, có lúc cả người cùng vật đánh mất khái niệm thời gian như món hàng xa xỉ "con khỉ nhảy nhót bên nhau không cần giờ / những con sấu quấn lấy nhau không cần giờ / những con muỗi vo ve không cần giờ". Và, một bạn trẻ ngơ ngác, dọc ngang ngôi rừng ngập mặn cũng bàng hoàng "trong mỗi mắt lá tràm /trong rễ bần rễ đước / đâu đâu cũng ngây ngây mùi máu lẫn mùi bùn".

Có lúc nhà thơ đã hớt hải chạy về phía tương lai như một nhà vô địch điền kinh, mang đôi hài vạn dặm quấn bằng rơm rạ quê hương. Anh đã chạy giữa gầm gừ dã thú, giữa đói khát hỏa họan, giữa ầm ào sóng thần, giữa sự đe dọa của vũ khí hạt nhân, giữa nhập nhoạng mặt người mới mở mắt đã gian manh, lừa dối. Anh e rằng không kịp. Ở đó, một sự giao thoa vừa hợp nhất quá khứ với hiện tại. Một Con Người viết hoa như cánh phượng hoàng ngôn ngữ đa tầng, đa sắc giã biệt hoàng hôn thẫm quạch để về với chân trời tím tái vô tận. Một con đường định mệnh an bài. Mới mẻ, chông chênh và rất quyết liệt. Bằng sự linh cảm tiền nhân, bằng kinh nghiệm nghiệt ngã đời thường. Bằng niềm tin thiêng liêng vào phía trước.

Thơ anh, một sự tiên liệu chín chắn, một dự cảm chân thực, báo biến sinh tồn từ lúc “đỏ hỏn” đến hồng hào sắc mặt nhưng tâm hồn trắng bệch. Đến, "đồng phục trắng, da thịt trắng, năng lượng trắng, khát khao trắng" trước cuộc mưu sinh ngày một đen đúa. Trước những tàn phá kinh khủng của ý thức hệ, của những cái chết “đen” bắt đầu mai phục tay ná, tay cung.

"Trái đất không thể bảo vệ mình trước lỗ đen những nguy cơ

Bao em bé châu Phi chết đói chết khát chết đạn chết đen trên những ngã đường không ánh sáng

Bao cụ già Nhật Bản chìm trong sóng thần đen sạm phóng xạ hạt nhân".

Vâng. Sự thức tỉnh, hối tiếc của chúng ta sẽ không hề muộn nếu như muốn cứu rỗi chính ta, muốn hàn gắn vết thương tinh thần lẫn vật chất chính ta khi có thể. Bằng sự khởi nguyên thi ca, sự phát minh giá trị tinh thần khi có thể bắt đầu từ cá thể, lan tỏa ra dần từ da thịt căng đầy nhựa sống của môi trường. Hãy nhanh chân lên kẻo không kịp, bóng tối đang chờ chực nuốt chững chúng ta một khi "khí hậu biến đổi từng ngày / trái đất nóng dần lên từng ngày / gió thốc mạnh từng ngày / nước dâng cao từng ngày / rừng cháy lan từng ngày".

Những đàn chim di cư tìm bầu trời mới. Nhà thơ dự báo cuộc sống đảo chiều những tiến sĩ, kỹ sư, luật sư có trình độ học vấn, chuyên môn trang bị tới tận chân răng bước ra từ gánh thóc trĩu nặng mồ hôi của mẹ, từ mớ hàng rong chênh chao của chị sãi bước trong khói bụi phố phường. Những người mẹ, người chị nghèo queo quắt, mù chữ động kinh rùng mình trong giấc mơ câu hỏi. "Có khi nào lớn lên con giống mẹ giống cha không" lơ lửng sáo diều.

 

(Giải thưởng dành cho "Chất vấn thói quen" của nhà thơ Phan Hoàng)

Một ngôi nhà bé nhỏ. Một ốc đảo bình yên là hình ảnh giấc mơ không liền mạch của nhà thơ đi từ quá khứ đến hiện tại "tôi chôn chặt sa mạc hạn hán lòng mình / những hạt giống đen sạm đạn bom / ngộ độc đức tin giáo điều bao cấp / tự phân hủy trong đói nghèo cấm chợ ngăn sông". Đã từng mơ làm bò kéo trâu cày, làm chó nhảy ngựa phi, làm chim sáo nói ngọng, nói đớt nhằm hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, ngập tràn tiếng cười con trẻ, hạnh phúc bao la bằng bức thông điệp thơ đến bạn đọc. Bởi, một khi thế giới toàn cầu hóa, các con thân yêu của chúng ta sẽ có tình người nhiều hơn, sẽ có ý thức bảo vệ môi trường nhiều hơn chăng. Vũ trụ bí ẩn của chúng sẽ bừng lên sự công bằng, văn minh hơn chăng!

Mạch thơ mỗi lúc một dồn dập về dự cảm, về linh ứng ở thì tương lai trong suốt tập thơ "Chất vấn thói quen" của Phan Hoàng gồm 3 phần, với 36 bài tròn trịa, tái bản cuối năm 2015. Đã có hơn 20 bài bình, bài giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng hơn hết là người yêu thơ, người làm thơ yêu quý tác phẩm tìm đọc. Tôi, một độc giả không ngoại lệ xin có đôi lời cảm nhận.

(Các bản thơ “Chất vấn thói quen của Phan Hoàng xuất bản và tái bản bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hungary)

Thơ anh đau đáu phận người, canh cánh nỗi lo về ngày mai, nuối tiếc xót thương những mất mát trong quá khứ. Những buồn vui được mất một thời, một đời trên mảnh đất miền Trung nắng gió, hiển hiện quanh ta như bức tranh lùa thùa màu sắc "từ tiếng vọng oai hùng chiến thuyền nài gạo canh giữ đảo xa / nỗi đau sinh tồn ngôi nhà mang gien giao chỉ".

Rồi bất chợt anh nhận ra mình "thèm đứt ruột / được làm ngọn gió không đồng phục / không điện thoại / không mạng internet để bay về mái tranh vách đất của mẹ / cởi trần lăn lóc tắm mưa". Bất chợt chạy ùa về bình nguyên hoang dã, có hàng hàng bia mộ, có mắt mắt đá ong. Có "cô sơn nữ ngực căng sương trắng / tóc quấn hương rừng / gùi cả thanh xuân trườn qua sườn dốc". Có thể sẽ không kịp bởi, thói quen cố hữu mỗi sáng đang cột chân nhà thơ, đang có nguy cơ đánh lừa tác giả giống cơn hồng thủy xâm thực tâm hồn nhà thơ. Một li cà phê "chồn", một "tờ báo" tinh tươm, một "nụ cười hàm tiếu" cô chủ quán. Một chiếc ghế trống, một buổi sáng … không còn nữa. Anh vội vàng bỏ đi như con sông đổi dòng băng băng về phía trước. Phía tương lai!

BÌNH ĐỊA MỘC

Bài viết liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0913640143 - 028 99968822
Zalo:

Video clip

Copyright © 2022 Công ty Cổ phần Viện khoa học Quốc tế Stanford
Thiết Kế Website: Phương Nam Vina

Đang truy cập: 6

Trong ngày: 419

Trong tháng: 24475

Tổng truy cập: 577386

0913640143 - 028 99968822