Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình

Phan Hoàng với hành trình Chất vấn thói quen để xác lập con đường đi tìm cái mới trong thi ca

Ngày đăng: 21-02-2023 12:25:57

Tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng vừa được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về tập thơ này, xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa.

(Nhà thơ Phan Hoàng nhận Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary)

Sau 10 năm, tính từ mốc thời gian tập thơ thứ hai Hộp đen báo bão (2002), Phan Hoàng mới chính thức ra mắt tập thơ thứ ba Chất vấn thói quen (2012). Sự cách quãng một thời gian dài cả 10 năm trời là có lý do của riêng anh. Phan Hoàng chia sẻ: “Tôi luôn sống trong hơi thở nhịp sống thi ca, mày mò học hỏi và khám phá, làm thơ rất nhiều và cũng tự xoá bỏ rất nhiều. Thơ khó tính, ma lực, linh thiêng. Thơ đòi hỏi sự khác biệt. Thơ cũng là nỗi sợ hãi lớn nhất mà suốt hành trình sáng tạo tôi nghĩ mình khó có thể chạm đến sự vi diệu của nó.

Như người mê leo núi có thể không bao giờ đến được cái đích mình mơ ước nhưng tôi vẫn phải leo. Leo vì không thể không leo. Làm thơ vì không thể không làm thơ. Tập thơ Chất vấn thói quen là một phần còn lại từ mười năm mê “leo” trong vật vã và khoái cảm ấy”. Có lẽ đó là câu trả lời xác đáng nhất vì sao anh lại cho ra đời đứa con tinh thần tiếp theo của mình “chậm” như thế. Nhưng tôi cho rằng, sự “chậm trễ” này là hợp lý, bởi Phan Hoàng tự thức được số phận, sự sống của tác phẩm với đông đảo công chúng. Tuy có thể chậm, nhưng sản phẩm của lao động trí tuệ phải tạo được dấu ấn riêng, dù ít dù nhiều cũng phải có bản sắc, phong cách cá nhân và điều quan trọng là phải có được sức sống, sự tồn tại, hiện hữu được trong lòng công chúng.

Nét độc đáo trong thơ Phan Hoàng là cái tôi khao khát đi vào sâu vào tiềm thức, vô thức nhưng ở đấy vẫn là cái tôi đầy chất trí tuệ. Nhà thơ đã biến cái vô hình thành cái hữu hình, vật thể hóa để chúng trở nên có hình hài, có thể nhìn thấy, cảm thấy được; đem lại cho người đọc cảm giác vừa quen vừa lạ, gợi nên những liên tưởng thú vị và bất ngờ: bước mẹ đè gió nam cồ, gió trải nghiệm an ủi vỗ về, gió nội ngoại tình mất trắng mùa xanh, bán cổ phiếu cỏ dại, cơn bão nối những ký tự nồng nàn cất tiếng thủy tinh, bồng bềnh ngọn lửa trong ngần khoái lạc, bóng tối đang nuốt chúng ta, đàn chim xếp đội hình chữ V bay về treo giấc mơ trên hốc đá...

Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước bên cạnh những mặt tích cực thì đằng sau đó có biết bao hệ lụy từ sự thay đổi này. Đất nông nghiệp đã biến thành những nhà máy, xí nghiệp, sân gôn. Rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng. Người nông dân phải bỏ quê lên phố mưu sinh. Nạn ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng, khí hậu biến đổi từng ngày, Trái Đất nóng dần lên... Nhiều nguy cơ xấu ập đến với con người thời hiện đại. Bao mối quan hệ, giá trị đạo đức cũng bị xuống cấp. Nhà thơ Phan Hoàng với cách nhìn và sự liên tưởng bằng những hình ảnh thơ đầy ám gợi trong bài: Bóng tối đang nuốt chúng ta, Em nóng dần lên, Mắt gỗ, Khi người nông dân để lại cánh đồng, Con trâu thiêng, Ly hương gió...

Đọc những bài thơ trên mà không khỏi rưng rưng, nhất là những đứa con xuất thân từ những vùng quê nghèo đang tha phương đất khách. Cái tạo nên ma lực và sự hấp dẫn ở những bài thơ viết về chủ đề này chính là Phan Hoàng đã đánh thức hồn quê trong cõi sâu tiềm thức, vô thức qua những hình ảnh quen thuộc đang hiện diện mà ở đó “tôi” là một nhận chứng. Bao nhiêu suy tư, đau đáu được thể hiện qua những câu thơ mang âm hưởng buồn thương, tiếc nuối, xót xa.

- Đất ly nông đất/ người ly quê người/ gió ly hương gió/ tôi ly thân tôi// Người tái vết xước/ tôi rước vết thương/ gió nông nỗi nổi/ lòng lênh lan buồn

Chiều ăn phố sực mùi khoai lang nướng/ Gió hú nhớ đồng thơm dậy giấc cố hương (Ly hương gió).

- Người nông dân/ lững đững/ ngoảnh lại cánh đồng/ bước chân nặng nề chậm chạp/ như làn mây xám mệt mỏi trôi qua rặng núi/ chiều đông/ sau lưng đất đai sấm chớp// màu cỏ sân gôn sẽ thay màu lúa tình tự ngàn đời/ / dãy dãy tường cao sẽ thay bờ vùng bờ thửa/ từng dải khói đen sẽ thay những đàn cò trắng/ tiếng máy buốt đêm sẽ thay tiếng nhạc côn trùng (Khi người nông dân để lại cánh đồng).

- Gã mặt người đánh mẹ ngã quị/ chiếc gậy tre chới với chống tuổi già chới với// mỗi nắm đấm vung ra/ một nhát chém lạnh lùng đao phủ/ bầm nát thân thể dòng sông kiệt quệ sinh thành (Về một đoạn phim buồn).

...............

(Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng bằng các bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hungary)

Trong hành trình thơ của mình, Phan Hoàng đã tạo được dấu ấn của sự thể nghiệm, cách tân tạo cho thơ nét hiện đại cần thiết, khơi nguồn chiều sâu mỹ cảm trong thơ. Tuy vậy, dù là thơ mang dấu ấn hiện đại nhưng thơ anh vẫn là loại thơ không quá lắt léo, không quá khó hiểu. Đây là điều đáng quý và đáng trân trọng trong sáng tạo nghệ thuật ở một người thơ như anh.

Cái tôi đầy chất trí tuệ được thể hiện rõ nét trong thơ Phan Hoàng. Ở đó, cái tôi không đơn thuần là cái tôi đơn tuyến, một chiều mà nó đa diện, đa chiều. Thơ Phan Hoàng không chỉ viết bằng cảm xúc mà còn cả tư duy và ý thức bằng những hình ảnh, biểu tượng có sức dung chứa và gợi mở cao. Từ sự đam mê, niềm khao khát đến việc hiện thực hóa công việc làm thơ là việc làm nhọc nhằn không hề đơn giản. Bởi làm nghệ thuật, đặc biệt là công việc viết lách thì mọi sự cẩu thả, hời hợt và dễ dãi là điều cấm kỵ. Với nhà thơ Phan Hoàng, anh tự thức sâu sắc rằng phải luôn tự làm mới mình để tạo nên những vần thơ ám ảnh và mang bản sắc riêng. Đọc thơ anh, bạn đọc nhận ra sự nhất quán trong tư tưởng, ý thức trách nhiệm của một cây bút chân chính, luôn dõi theo và dấn thân trên con đường đi tìm cái đẹp cho thơ ca. Điều đặc biệt, Phan Hoàng đã rất “dũng cảm”, là người mở đường, khởi xướng thể thơ 1-2-3. Dù mới ở chặng đường đầu nhưng thể thơ này đã có những hiệu ứng tích cực, bởi sự lan tỏa và hưởng ứng tích cực của đông đảo các cây bút thuộc nhiều lứa tuổi trong văn học giai đoạn hiện nay. Ở thể thơ này, nó đã đem đến cho người đọc những cảm nhận mới mẻ về thơ và nội dung thơ.

Người đọc dễ nhận ra không gian trong thơ Phan Hoàng đi từ những cái hiện hữu, hoài niệm đến những cái vô thức, ảo ảnh nhưng bao giờ cũng thống nhất trong một chỉnh thể. Không gian trong thơ anh được vĩnh viễn hóa, bất tử hóa trong chiều sâu ký ức, trong tình yêu với những liên tưởng bất ngờ và thú vị.

Trong ngôi nhà quanh năm ngập tràn tiếng gió

 

giòn ngọt như môi ngư nữ đương thì

 

cay đắng như cơn lũ quét

 

có lúc tưởng chừng mặt trời

 

mọc

 

từ hướng tây

 

đôi khi

 

ngỡ

 

từ hướng bắc

 

 

 

Thao thức từng cơn vượt cạn cùng tiếng sóng đêm nay

 

gió trải nghiệm an ủi vỗ về

 

bầu trời nhấp nha nhấp nháy sao đổi ngôi

 

dàn giao hưởng gà trống làng chài phiêu bồng hơn trước

 

tiếng oa oa con thơ cất lên

 

tôi biết mặt trời đang mọc trong ngôi nhà thân thuộc của mình

 

2.

 

Không ngừng chống chọi những trận cuồng phong

 

những tên hải tặc khổng lồ tham vặt

 

có lúc thói quen ngủ gật khiến ta lãng quên

 

từ hàng ngàn đời nay

 

thuở mẹ làm ruộng nương cha đưa con về giữ biển khơi

 

mặt trời vẫn mọc trong ngôi nhà chứa đầy tiếng sóng

 

đong đầy tiếng gió

 

mỗi ngày mặt trời một sáng hơn

 

từ nguồn sữa bầu ơi thương lấy bí cùng ru hời của mẹ

 

cổ tích ăn khế trả vàng run run hơi thở của bà

 

thần thoại nhổ tre ngà đánh giặc những khuya biển thức của cha ông

 

mỗi ngày mặt trời một sáng hơn

 

từ tiếng vọng oai hùng chiến thuyền nài gạo canh giữ đảo xa

 

nỗi đau sinh tồn ngôi nhà mang gien giao chỉ

 

3.

 

Không từ hướng tây

 

không từ hướng bắc

 

trải qua những dòng sông ngập tràn nước mắt

 

những cánh rừng cháy trọc xương khô

 

mặt trời vẫn không ngừng mọc lên

 

trong ngôi nhà tư duy thân thuộc của mình

 

ngôi nhà quanh năm ngập tràn tiếng sóng đong đầy tiếng gió

 

bí mật chuyển lưu nguồn sáng chân lý kỳ lạ

 

quang hợp sức mạnh rồng tiên

 

di truyền bản lĩnh núi non

 

hội tụ tấm lòng biển cả

 

hào phóng năng lượng tái sinh giống nòi

 

cho tôi

 

con tôi

 

 

cho n… tôi

(Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc)

Cùng với không gian, thời gian trong thơ anh được tư duy ở nhiều khía cạnh khác nhau, nó không còn là dòng chảy một chiều mà có sự đồng hiện, đan cài giữa hiện tại - quá khứ - tương lai. Nhà giãi bày nhiều những trăn trở, suy tư, day dứt, độc thoại, đối thoại, chất vấn chính mình. Những bài thơ viết về mẹ, về bạn, về tình yêu hay bất cứ một sự kiện, nhân vật nào đó anh cũng đều có cách riêng của mình để bày tỏ, gửi gắm nỗi niềm. Trong bài thơ Ký ức hoa hồng, Phan Hoàng mượn câu chuyện tình yêu gửi đến một cô gái Nga nhưng ẩn đằng sau những câu chữ đó còn gợi ra cho người đọc bao điều về thân phận, tình yêu, về lịch sử, văn hóa và thời cuộc.

Em hát cho tôi triệu hoa hồng đỏ thắm(*)/ em đọc cho tôi lịch sử với số phận con người(**)/ hoa hồng vẫn nở dẫu thời tiết cuộc đời thay đổi/ không ai cao cả hơn ai khi còn khóc trong nôi

và lịch sử đã mang đổi thay đến từng số phận/ thay đổi cảm hứng bầu trời/ thay đổi tư duy từng ngọn núi con sông/ nhưng có một điều tôi muốn gửi tới em:/ lịch sử và thời gian có làm thay đổi/ ký ức tình yêu trong mỗi hoa hồng?

Cái tôi triết luận được đúc kết từ những trải nghiệm của bản thân về cuộc sống, về tình đời, tình người được Phan Hoàng thể hiện qua những bài thơ, câu thơ, hình ảnh độc đáo, mang tính hình tượng:

- Tôi ngồi uống bóng/ đêm xua ý nghĩ mưu sinh chợ đời rời rã/ từng đốt xương lắc rắc âm sắc cháy rừng

Tôi ngồi uống bóng/ đêm nghe mưa thì thào nghẹn ngào tiếng nấc/ sấm động gò hoang tức tưởi oan hồn

Tôi ngồi uống bóng/ đêm lần giở từng trang từng trang thư tịch cổ/ toát lạnh đường gươm giấu mặt tang thương…

Bao vương triều vụt trôi/ hồn chữ nằm tê tái/ bao nấm mộ lụi tàn/ cỏ nghĩa nhân cứu rỗi? (Uống bóng).

- vẻ đẹp sinh từ chuyển động lặng im/ chân lý khởi nguyên từ nghịch lý bất ngờ (Hoa của đá).

- Mọi nền văn minh hình như phát tích từ khoái lạc giấc mơ ánh sáng vô thức chống lại thói quen kỹ năng bóng tối ý thức/ kỹ năng nhân danh tiến bộ gặm nhắm từng khoảnh khắc tự nhiên sự sống (Văn bản dở dang)...

Trước sự lạnh nhạt của cuộc đời nhà thơ không khỏi dằn vặt, khắc khoải, lo âu; anh đã tìm cho mình khoảng lặng để giãi bày. Nhà thơ làm cuộc đối thoại chính mình: có lúc “tôi ngồi uống bóng” (Uống bóng); “Thao thức từng cơn vượt cạn cùng tiếng sóng đêm nay” (Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc); “Ở giữa áp thấp và bão tố/ tôi nghe thì thầm/ tiếng giữa hấp hối và cái chết” (Tiếng thì thầm); “Vượt lên đau đớn và thăng hoa/ tôi tự tại giấc mơ tôi/ mưa ban mai lặng lẽ gióng chuông gọi hồn tận thế/ những con chữ như chiến binh chuyển dịch văn bản thơ mãi mãi dở dang/ văn bản vô ngôn/ văn bản tinh huyết/ văn bản ma lực/ tâm chấn tín hiệu khoái cảm” (Văn bản dở dang)...

Quá trình sáng tác thơ là một quá trình trải nghiệm cộng với tư duy tưởng tượng, liên tưởng. Nhờ vậy lời thơ chuyên chở được ý nghĩa, những hình tượng có thể biểu đạt được một cách sâu sắc các vấn đề của đời sống con người.

Bài thơ Mẹ gánh ước mơ không chỉ đơn giản là lời tự sự của chính nhà thơ mà còn là tiếng lòng bao quát của nhiều người đã từng sống ở những năm tháng chiến tranh, có nhiều biến động. Ở đó hình ảnh người mẹ tảo tần, chịu thương, chịu khó, hy sinh cả một đời vì chồng, vì con. Nhà thơ “Mừng sinh nhật 80 của má” trong niềm vui lẫn sự ngậm ngùi. Thời gian giữa quá khứ và hiện tại biến thành một nỗi day dứt về nỗi đau đớn lẫn niềm hạnh phúc. Khi nhớ về những năm tháng cũ, lòng anh lại chùng xuống, nghẹn ngào. Với Phan Hoàng, mẹ là người có nghị lực phi thường, một người đàn bà dũng cảm, là nhân chứng của một thời kỳ lịch sử gian khó, là chỗ dựa, là tình thương yêu vô bờ. Mẹ chính là niềm tin yêu, là động lực để cho anh vững bước trên mọi nẻo đường đời.

Mẹ quảy mẹ chạy/ cắc bụp cắc đùng/ người ngã sau lưng/ người chúi trước mặt

Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư/ mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc/ tiếng khóc con thơ/ mạnh hơn/ tiếng gầm đại bác

Những con đường loang lổ hố đen đao phủ/ sông suối lềnh bềnh ngầu đỏ máu tươi/ biển thét gào lớp lớp sóng trào chia lìa tình mẫu tử

Bước mẹ đè gió nam cồ/ lướt mềm sỏi đá nhấp nhô triền núi/ giải độc vạt rừng giãy giụa da cam/ an ủi ruộng nương um tùm cỏ dại

Bàn chân trần rễ tre toé máu/ thúng gióng gió đánh hụt hơi/ mẹ đặt con ngồi dưới hố bom khét bầm thân đất/ ngoái cổ ngóng về đồng làng tan hoang mồ mả ông bà

Gỡ nón quạt mùi bom/ bóng mẹ che tầm đạn/ âu yếm con mẹ khóc/ bập bẹ mẹ con cười/ nụ cười con thơ/ mạnh hơn/ tiếng gầm đại bác/ nụ cười gieo vào lòng mẹ hạt giống hy vọng/ đồng làng bình yên gặt những mùa sau…

Đây là một trong số những bài thơ tạo nên dấu ấn riêng của Phan Hoàng. Bài thơ này hay không phải vì những thi ảnh ấn tượng, cấu tứ logic mà trên hết đó là những sự kiện và cái tình của người viết dồn nén, ký gửi vào đó.   

Trước những chao đảo và “mất giá”, “mất thiêng” của chữ nghĩa, nhà thơ cảm nhận trong sự khủng hoảng niềm tin. Anh gọi đó là “Chữ nghĩa thị trường” với cái nhìn dò xét, đầy hoài nghi.

Thử ném chữ tình tang ngang dọc/ săn chứng khoán chim trời/ bán cổ phiếu cỏ dại //người trách nhiệm hữu hạn sẻ chia/ thơ đấu giá lên đời// Ai đầu tư cổ phần tri âm/ văn chương tình nguyện liên doanh tri kỷ/ chữ nghĩa thị trường xuống chó lên voi// chữ nghĩa thị trường/ hot// chữ nghĩa thị trường/ bạc// chữ nghĩa thị trường/ nhạt

Để rồi nhân vật trữ tình phải: Nhiều đêm gối đầu lên hàng đống sách/ nghe lòng trống/ rỗng/ hoang mang.

Anh hoang mang bởi chính anh đã chứng kiến nhiều và rất nhiều sự “mất giá” của văn chương mà ở đó nền kinh tế thị trường đã có những tác động không nhỏ. Đôi lúc dường như anh có cảm giác “bất lực” trước thực tại và bất lực trước ngôn từ.

Giữa những cơn sóng tín hiệu/ tôi tìm thấy gương mặt lênh đênh tôi/ đúng tôi/ đớn đau tôi/ thăng hoa tôi/ trong những văn bản dở dang/ văn bản vô ngôn/ văn bản không khuôn thước/ văn bản không văn bản

Đời người chỉ một gang tay/ sao tự trói mình xích xiềng lê dài giá trị bia đá?

Làm sao bùng lên nhiều cơn hồng thuỷ/ dâng sóng tín hiệu đỉnh khoái/ cuốn phăng những kho văn bản mộng mị ngủ muộn/ những kho văn bản ấu trĩ già cỗi/ những kho văn bản hư danh giả dối/ khủng bố dòng chảy tự do ngôn từ/ ám sát khát khao chồi xanh ý tưởng/ đe doạ cánh rừng nguyên sinh rực hương thiếu nữ căng tràn văn bản nhựa sống tương lai (Văn bản dở dang).

Chính những điều của đời sống thực tại mà nhà thơ chứng kiến, bao nhiêu thứ dội về cả trong tiềm thức và vô thức nên Phan Hoàng dằn vặt, suy tư là có cơ sở. Trong giấc mơ đêm đêm/ tôi như nhà vô địch điền kinh/ mang đôi hài vạn dặm rạ rơm/ chạy và chạy// Chạy giữa gầm gừ dã thú đói khát hỏa hoạn/ chạy giữa ầm ào sóng thần vây bủa vũ khí hạt nhân/ chạy giữa là đà văn bản mới viết đã cũ/ chạy giữa nhập nhoạng mặt người mới mở mắt đã gian manh (Bóng tối đang nuốt chúng ta).

Cuộc sống hiện đại đa dạng, đa chiều với nhiều sự chao đảo, xáo trộn gây nên những bất an. Hệ giá trị, thước đo đạo đức, nhân cách cũng bị biến tướng. Nhà thơ thường thể hiện những cảm xúc, suy tư chủ quan của mình hoặc của nhân vật trữ tình trước hiện thực cuộc sống. Với Phan Hoàng, anh tự tạo dựng ra cho mình hình tượng cái tôi trữ tình để tìm sự đồng vọng, đi tìm tiếng nói tri âm để khẳng định bản thể chính mình. Nhà thơ đã và đang làm cuộc “dò đường” xác lập cho mình lối đi, chất vấn những thói quen của chính mình nhằm trả lời câu hỏi: ta là ai, ta hiện hữu trong cuộc đời này vì lẽ gì và ta phải làm như thế nào để tồn tại. Nhưng sự tồn tại phải có ý nghĩa, phải làm điều gì đó có ích cho đời nhất là đối với những người hoạt động ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Trong hành trình sáng tạo văn chương nói chung, thơ ca nói riêng Phan Hoàng đã tạo dựng cho mình được một phong cách thơ riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân. Đây là điều rất đáng được trân trọng, bởi trong dòng chảy của thơ ca đương đại rất cần những cây bút biết tạo cho mình sự khác biệt, sẵn sàng dấn thân và miệt mài, bền bỉ khai phá những điều mới lạ, tránh lặp lại không cần thiết cái xưa cũ để tạo cho mình bản sắc riêng. Thế giới nghệ thuật thơ Phan Hoàng đa dạng, nhiều chiều, với cấu trúc đa diện, đa tầng thể hiện rõ nét kiểu tư duy nghệ thuật của thơ ca hiện đại; mang đến cho độc giả những trải nghiệm, suy tư mới mẻ. Ngay cách anh đặt tên các nhan đề bài thơ hay trong từng phần của tập sách, tên sách cũng đều gây cho người đọc sự ám ảnh.

Chẳng hạn trong tập Chất vấn thói quen, được chia làm 3 phần:

PHẦN 1: VĂN BẢN DỞ DANG (Ly hương gió, Uống bóng, Chữ nghĩa thị trường, Cơn bão ký tự mới...).

PHẦN 2: CÁI CHẾT ĐEN & VŨ KHÚC TRẮNG (Khi bạn bỏ ruộng mong gặp thần đồng, Cánh chim độc hành truyền tín dược, Tình yêu tiếng mẹ dở dang...).

PHẦN 3: BÓNG TỐI ĐANG NUỐT CHÚNG TA (Khi người nông dân để lại cánh đồng, Bình nguyên bay, Cái chết của bạo chúa, Thèm làm ngọn gió tự do...).

Trong sáng tác của mình Phan Hoàng ưu tiên sử dụng thể thơ tự do. Hình thức thơ biến hóa linh hoạt, mở ra một chân trời rộng rãi cho sự sáng tạo. Cùng với đó, Phan Hoàng vận dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật: ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, biểu tượng... Tất cả những điều vừa nói ở trên tạo nên dấu ấn, phong cách riêng trong thơ Phan Hoàng: với một trình độ tư duy nghệ thuật sắc sảo, khơi mở, dự báo quan niệm mới, mô hình mới cho thơ ca Việt Nam hiện đại. 

Nhà thơ Phan Hoàng vẫn lặng lẽ, miệt mài và cần mẫn trên con đường thơ theo cách của riêng anh với những cách kiến giải phức hợp trong sự đa dạng, muôn màu muôn vẻ của cuộc sống hiện đại. Phan Hoàng là một trong số những nhà thơ có ý thức tìm tòi, khơi mở, dò đường để đi tìm cái mới trong quá trình sáng tạo thi ca hiện đại. Anh đã đem đến cho ngôn ngữ thơ những tín hiệu thẩm mỹ mới về khả năng dung chứa và phản ánh hiện thực - một hiện thực đời sống hiện đại muôn màu và phức tạp.

Nhà thơ thường hay nói nhiều đến sự đổi thay, sự đổi thay trong thơ anh đôi khi cũng có những hoài nghi, trăn trở nhưng phần nhiều là tích cực. Bởi theo Phan Hoàng, đổi thay không đồng nghĩa với lụi tàn hay mất mát mà đó là quy luật của cuộc sống, của đời người. Anh thành tâm và sống tận hiến với thơ, dù đó là đam mê nhưng nỗi đam mê này cũng lắm nhọc nhằn và thách thức.

Nguyễn Văn Hòa

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0913640143 - 028 99968822
Zalo:

Video clip

Copyright © 2022 Công ty Cổ phần Viện khoa học Quốc tế Stanford
Thiết Kế Website: Phương Nam Vina

Đang truy cập: 9

Trong ngày: 407

Trong tháng: 24463

Tổng truy cập: 577374

0913640143 - 028 99968822