Tuần lễ Ẩm thực Ý lần thứ VII tại Việt Nam đang diễn ra mang tới cho công chúng cơ hội trải nghiệm những món ăn Ý lành mạnh và đậm bản sắc, đồng thời mang tới những sản phẩm nông sản hảo hạng đồng thời cũng đem đến cơ hội đầu tư cho nhiều doanh nhân, doanh nghiệp.
Chương trình bao gồm chuỗi hoạt động như: Tiệc tối khai mạc, đặc biệt thể hiện sự lành mạnh của chế độ ăn vùng Địa Trung Hải; Sự kiện thảo luận về Văn hoá cà phê với chủ đề “Ý - Việt giao thoa”; Lễ hội kem Ý Gelato; Lễ hội Rượu Vang Casa Italia; Triển lãm Tuần lễ Ẩm thực Ý; Cuộc thi và khoá đào tạo Nếm thử Rượu Vang Valpolicella; Triển lãm “Hương vị nước Ý”.
Quy trình làm ra kem Ý Gelato. Ảnh: Ban tổ chức
Tuần lễ Ẩm thực hứa hẹn giới thiệu những nét đặc sắc nhất của văn hóa ẩm thực và rượu vang Ý tại Việt Nam. Tất cả các sản phẩm được đảm bảo bởi một chuỗi sản xuất đã được công nhận và được bảo vệ bởi một hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả. Các sáng kiến trong Chương trình này sẽ làm nổi bật mối liên hệ vốn có giữa ẩm thực Italy cũng như một số nét văn hóa Italy với văn hóa Việt Nam, như sự thân thiện, sự hiếu khách, lối sống lành mạnh và sức khỏe.
Ngài Antonio Alessandro, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Italia tại Việt Nam phát biểu trong lễ khai mạc: “Sẽ có 3 thông điệp chính được truyền tải thông qua Tuần lễ ẩm thực Ý tại Việt Nam năm nay: “Thứ nhất về nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu của Italy – quốc gia luôn nổi tiếng về chất lượng nguyên liệu hàng đầu trong lĩnh vực ẩm thực.
Thứ hai, về tính lành mạnh của thực phẩm Italy – đất nước được biết đến với chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải, khi nhấn mạnh vào các thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo, sử dụng những nguyên liệu địa phương đồng thời ít thịt, nhiều hải sản. Cuối cùng là tính bền vững của lương thực, thông qua việc tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tính bền vững, lâu dài” - Đại sứ Italia tại Việt Nam cho biết.
Trong thời gian diễn ra Tuần lễ Ẩm thực Ý tại Việt Nam, một số nhà hàng Ý tại Việt Nam cũng sẽ giới thiệu những “thực đơn đặc biệt” kết hợp yếu tố truyền thống, bền vững và đổi mới. Thực phẩm nông nghiệp là một trong những lĩnh vực thế mạnh của Italia được quảng bá qua chiến dịch xây dựng thương hiệu quốc gia “Đất nước Ý – phi thường từ những điều giản dị: beIT”.
Văn hóa cà phê "Ý – Việt giao thoa" mở ra cơ hội kết nối và kinh doanh cà phê 2 nước
Trong sự kiện thảo luận về Văn hoá cà phê diễn ra chiều 16/11, đại diện về văn hoá, kinh doanh cà phê đến từ hai quốc gia đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những kiến thức, tìm thấy sự giao thoa và cơ hội hợp tác trong tương lai từ sản phẩm này. Phát biểu tại sự kiện, Ngài Antonio Alessandro chia sẻ: "Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về xuất khẩu cà phê và hạt cà phê Việt Nam rất nổi tiếng với chất lượng tốt. Trong thương mại giữa hai nước, cà phê là mặt hàng chúng tôi nhập khẩu nhiều từ Việt Nam. Tôi thấy rằng, người Việt Nam cũng tiêu thụ rất nhiều cà phê và văn hóa thưởng thức cà phê ở Việt Nam và Ý có nhiều điểm tương đồng. Tôi cũng rất vui mừng khi chứng kiến người Việt Nam ngày càng ưa chuộng những hình thức pha chế cà phê có nguồn gốc từ Italia."
Ngài Antonio Alessandro - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Italia tại Việt Nam. Ảnh: Mai Trang
Tại Việt Nam, văn hoá sử dụng cà phê cũng có sự thay đổi trong thời gian qua. Cà phê không chỉ là thức uống, mà còn là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, kết nối. Cách uống cũng thay đổi từ bột sang hạt, phong cách pha chế bằng máy, rang và xay tại chỗ. Việt Nam cũng đã có bảo tàng về cà phê đầu tiên, có sự tham gia của những chuyên gia Ý trong quá trình xây dựng và giám tuyển các dự án nghệ thuật. Có thể nói, văn hóa cà phê Ý đã và đang có những ảnh hưởng và tác động tới ngành cà phê Việt Nam nói riêng và văn hóa thưởng thức cà phê của người Việt nói chung.
Anh Lương Bình Hải, Giám đốc khối tiếp thị nội địa Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên chia sẻ: "Cà phê được vào Việt Nam từ năm 1857. Đến nay, tổng diện tích trồng cà phê khoảng 600.000 ha, trong đó 97% là Robusta, chủ yếu được trồng ở khu vực Tây Nguyên với các tỉnh chính như Đăk lăk, Lâm đồng, Gia lai và Đăk Nông. Sản lượng cà phê Việt Nam cũng thuộc top cao thế giới với 3-4 tấn/ha. Năm 2012, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, trong đó sản lượng và chất lượng Robusta luôn nằm trong top đầu”.
Nói về nét tạo nên sự khác biệt văn hoá thưởng thức cà phê của Việt Nam, anh Hải chia sẻ thêm, cà phê espresso của Ý là cách dùng chủ yếu đi, đứng uống nhanh. Còn với Việt Nam, chúng ta thường có không gian để thường thức, giao kết, kết nối.
Giao lưu văn hoá cà phê Việt - Ý mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ban tổ chức
Thứ hai, phương thức để pha chế cà phê. Bắt nguồn từ cà phê phi của Pháp, dưới bàn tay, cách thức và nguyên liệu cà phê Robusta, chúng ta đã sáng tạo ra sản phẩm là những ly cà phê đậm đà.
Thứ ba, đối với người Việt Nam và những người yêu cà phê, nó như nguồn cảm hứng, như một chất xúc tác để cho công việc, cuộc sống và mong muốn làm những điều lớn lao hơn, đóng góp vào ngành công nghiệp cà phê không chỉ ở Việt Nam mà còn là thế giới.”
Bên cạnh nét đặc trưng trong văn hoá cà phê 2 quốc gia, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng trình bày ý tưởng sản xuất cà phê bền vững, tái chế bã cà phê cho các sản phẩm phái sinh, đồng thời sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường cho các sản phẩm kinh doanh. Các nhà khoa học cũng đưa ra những ý tưởng về nghiên cứu hệ vi sinh tại Việt Nam, từ đó phân tách những vi khuẩn có lợi và nuôi cấy riêng, và ứng dụng những vi sinh vật có lợi nhằm thúc đẩy quá trình canh tác cà phê tại Việt Nam.
Trang Mai - Thùy Dương (doanhnhanvn.vn)
Đang truy cập: 26
Trong ngày: 152
Trong tháng: 24208
Tổng truy cập: 577119