Văn hóa & đời sống

LỄ HỘI ĐÌNH SƠN

Ngày đăng: 27-01-2023 10:39:21

Là ngôi đình cổ thuộc xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, Bắc Giang, đình Sơn còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Cùng với đền Đa Mai của thành phố Bắc Giang, đình Sơn là một trong các điểm di tích tôn thờ chính hai vị liệt nữ anh hùng thời Trần là Ả Lan (người dân quê tôi còn gọi là Ả Lan Đình) và Ả Phi Chân, tên gọi khác là Bảo Nương và Ngọc Nương đã có nhiều công lao chống giặc Nguyên Mông bảo vệ đất nước.
Nét kiến trúc chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc gỗ cùng các tài liệu, hiện vật, thư tịch cổ cho biết ngôi đình được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Bình đồ kiến trúc đình Sơn hiện nay bố cục theo kiểu chữ nhị gồm, toà tiền đình 5 gian, 2 chái và toà hậu cung 3 gian. Khung liên kết vì mái toà tiền đình kiểu kẻ tràng xà cộc, trên các đầu kẻ đều chạm khắc hình tượng các con giống trong bộ tứ linh như: “long, ly, quy, phụng” ở những tư thế khác nhau rất sinh động. Nét chạm khắc mang phong cách thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), nghệ thuật chạm nổi và chạm chìm có giá trị nghệ thuật. Toà hậu cung liên kết vì mái kiểu tiền kẻ, hậu bẩy, chồng rường đấu kê. Các cấu kiện kiến trúc còn đượm màu thời gian cổ kính.
 
 
Trong đình còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử văn hoá như: ngai thờ, bài vị, áo phủ ngai thờ, hương án, bát hương, đài thờ, lọ hoa, nghê sành… Phần lớn các tài liệu hiện vật có niên đại thời Lê (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ngoài ra, đình Sơn còn lưu giữ nhiều tư liệu chữ Hán- Nôm qua các bức đại tự, hoành phi, câu đối, có giá trị nghiên cứu khoa học.
Đình Sơn là một trong hai điểm di tích tôn thờ chính hai vị liệt nữ anh hùng thời Trần là Ả Lan và Ả Phi Chân, tên gọi khác là Bảo Nương và Ngọc Nương đã có nhiều công lao chống giặc Nguyên Mông bảo vệ đất nước. Hai vị liệt nữ anh hùng được nhân dân dọc ven đôi bờ sông Thương từ vùng Đa Mai (thành Phố Bắc Giang) lên tới Bến Tuần (Lạng Giang) khắc ghi công trạng lập đình, đền tôn thờ.
Tương truyền vào thời Trần, giặc Nguyên sang xâm lược nước ta, thuyền chiến của chúng đóng dọc sông Thương đoạn từ Bến Tuần xuống Đa Mai, khi đó hai vị công chúa nhà Trần cùng dân làng dùng mỹ nhân kế nhấn chìm thuyền chở tướng giặc xuống dòng sông Thương. Sách Địa chí Hà Bắc trang 336 ghi: “Ngày mồng 1 tháng 1 năm 1288 nàng Bảo và nàng Ngọc được dân làng Đa Mai giúp đỡ đã dìm thuyền giặc xuống dòng sông Thương. Ngày hôm sau, Nhân Đức Hầu là Toàn đem thuỷ quân đến đánh ở vùng Đa Mỗi (Đa Mai) giặc chết đuối rất nhiều, bắt sống được 40 tên và thuyền ngựa, khí giới đem về dâng vua Trần”.
Ghi nhớ công trạng của hai vị nữ tướng đã hy sinh vì dân vì nước, nhân dân dọc đôi bờ Sông Thương đã lập đình, đền tôn thờ. Hàng năm, dịp đầu xuân tại các khu di tích này đều diễn ra lễ hội tưởng nhớ hai vị công chúa nhà Trần. Hội đình Sơn tổ chức ngày 6 tháng Giêng với nhiều nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như nghi lễ tế Thánh, tục cướp cầu cạn, đấu vật, đánh cờ, diễn văn nghệ, hát chèo, hát quan họ….Hội đền Đa Mai tổ chức ngày 10 tháng 2 Âm lịch, lễ hội có tục thi bơi chải trên dòng sông Thương ôn lại trận thuỷ chiến năm xưa của dân làng cùng hai vị nữ tướng đánh chìm thuyền và tướng giặc.
CQMT

Bài viết liên quan

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline: 0913640143 - 028 99968822
Zalo:

Video clip

Copyright © 2022 Công ty Cổ phần Viện khoa học Quốc tế Stanford
Thiết Kế Website: Phương Nam Vina

Đang truy cập: 25

Trong ngày: 214

Trong tháng: 24270

Tổng truy cập: 577181

0913640143 - 028 99968822