Không đánh giá đủ và đúng
Hãng phim truyện Việt Nam, tiền thân là Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập từ năm 1953. Đến năm 1959, Hãng phim truyện Việt Nam chính thức ra đời, trụ sở tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng là “Chung một dòng sông”, Hãng đã cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc như: “Chị Tư Hậu”, “Con chim vành khuyên”, “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Đến hẹn lại lên”, “Sao tháng 8”, “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Đời cát”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Giải phóng Sài Gòn”...
Những bộ phim nổi tiếng của Việt Nam do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất
Đề ra thời hạn cụ thể VIVASO thoái vốn
NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết, trong đơn kêu cứu, các nghệ sĩ kiến nghị cần có biện pháp hữu hiệu, chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan ban, ngành liên quan thực hiện nhanh chóng, đầy đủ các kết luận của Thanh tra Chính Phủ theo Văn bản số 1589/TB-TCCP ngày 19.9.2018.
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra thời hạn cụ thể cho việc VIVASO thoái vốn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam, từ đó xác lập một mô hình mới có tính pháp nhân, để Hãng có thể duy trì hoạt động bình thường, nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên có việc làm, tiếp tục cống hiến cho điện ảnh nước nhà những tác phẩm xuất sắc, xứng đáng với truyền thống gần 70 năm.
Các bộ phim trên cùng nhiều bộ phim khác của Hãng đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, góp phần đưa giá trị văn hóa Việt được thế giới biết đến và ca ngợi. Nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ của Hãng đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú…
Tuy nhiên, “khi tiến hành cổ phần hóa Hãng phim (năm 2015) đã không đánh giá đúng, đầy đủ cũng như không tính đến đặc thù của một hãng sản xuất phim với bề dày truyền thống gần 70 năm”, NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết.
Theo NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam đã được Thanh tra Chính phủ kết luận theo Văn bản số 1589/TB-TTCP ngày 19.9.2018, chủ yếu là: Giá trị đất đai và quyền, ưu thế sử dụng đất đai được định giá bằng 0; chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim; quá trình thực hiện vi phạm Luật Đấu thầu, chỉ có một nhà đầu tư là cổ đông chiến lược (Tổng công ty Vận tải thủy - VIVASO), không có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến sản xuất phim và văn hóa điện ảnh, không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu thực tiễn của một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực điện ảnh.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) xin rút vốn trước thời hạn.
Hoạt động làm phim ngưng trệ, nghệ sĩ bị cắt lương, bảo hiểm
Tuy vậy, việc giải quyết những sai phạm trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đến nay vẫn bế tắc. NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, việc không có thời hạn cụ thể để nhà cổ đông chiến lược là VIVASO thoái vốn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã làm ngưng trệ mọi hoạt động liên quan đến việc thực hiện các dự án làm phim của Hãng. Hãng không đủ tư cách pháp nhân (do VIVASO chưa thoái vốn) để thực hiện các dự án phim, đồng nghĩa với việc anh em nghệ sĩ không có việc làm, thất nghiệp. Từ đó đến nay, người lao động của Hãng phim bị cắt toàn bộ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Việc quản lý và sử dụng đất tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội được chỉ ra là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền - Nguồn: Hãng phim truyện Việt Nam
Và việc để hàng nghìn mét vuông “đất vàng” mà Hãng phim truyện Việt Nam sử dụng trước cổ phần hóa, gồm 5.000m2 ở số 4 Thụy Khuê, gần 1.000 m2 tại Hoàng Hoa Thám, hơn 6.000m2 tại Cổ Loa - Đông Anh, Hà Nội; nhà 4 tầng 74m2 tại Thái Văn Lung, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, chỉ được định giá 32 tỷ đồng, gây thất thoát tài sản Nhà nước rất lớn.
“Mặc dù suốt mấy năm qua, chúng tôi đã làm đơn gửi lên các cấp, các ngành nhằm kêu gọi sự giúp đỡ và giải quyết dứt điểm việc cổ phần sai trái, cũng như chế độ cho người lao động tại Hãng phim truyện Việt Nam nhưng đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Hãng Phim truyện Việt Nam cần phải được tồn tại xứng đáng với truyền thống của nó, phù hợp với sự phát triển của xã hội đương đại.
Vì vậy, chúng tôi gửi đơn kêu cứu đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với hy vọng đồng chí nắm bắt được vụ việc này để có tiếng nói kịp thời ngăn chặn và chỉ đạo các cấp, ngành liên quan giải quyết dứt điểm sai phạm trong cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi cho những nghệ sĩ, người lao động chân chính luôn một lòng cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hóa và điện ảnh nước nhà” - NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ.
Anh Minh (daibieunhandan.vn)