Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị
- Ngày 4/8, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tự chủ đại học năm 2022. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng đại học/Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc/Hiệu trưởng, lãnh đạo bộ phận tổ chức nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm trong thời gian tới.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GDĐH), Bộ GD-ĐT Nguyễn Thu Thủy, để chuẩn bị cho hội nghị, các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị suốt từ năm 2021, đi khảo sát nhiều nơi, tổ chức nhiều hội thảo để có được những thông tin một cách toàn diện nhất về vấn đề này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Tại Việt Nam, tự chủ đại học được triển khai trong nhiều năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, đến nay đã bước đầu có kết quả, nhất là sau khi có Luật GDĐH sửa đổi. Có thể nói, một luồng sinh khí mạnh mẽ đã xuất hiện từ bên trong của hệ thống và thúc đẩy các đại học phát triển. Giá trị và phương diện tích cực của tự chủ đại học là rõ ràng, là hiển nhiên và không thể phủ định được.
Tuy nhiên, tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động, do đó quá trình thực hiện tự chủ vẫn còn nhiều vướng mắc, do cả cơ chế, nhận thức, sự ngộ nhận về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, những nảy sinh trong điều kiện để thực hiện tự chủ đại học…Cùng với đó là khó khăn vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ. Vướng mắc do sự chia sẻ và đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ và tương thích..
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong qua hội nghị lần này sẽ nhận thức rõ hơn về tự chủ đại học, bàn bạc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đề ra các giải pháp, những việc cần làm trong thời gian tới để tự chủ đại học ngày càng đúng hướng, có chiều sâu, hiệu quả hơn để phát triển hệ thống GDĐH Việt Nam.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT về kết quả tự chủ đại học vừa qua nêu rõ, đến nay, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện. Đại đa số các trường thực hiện tự chủ ở mức độ toàn diện và sâu rộng đều đã mang lại hiệu quả tích cực (trên 77%). Theo kết quả khảo sát, trên 80% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về tuyển sinh và đào tạo dẫn đến các kết quả đạt được tích cực (trên 85%). Trên 65% các trường trả lời khảo sát triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về hoạt động khoa học và công nghệ, các kết quả đạt được tích cực (trên 80%).
Các cơ sở GDĐH tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tự chủ đại học cũng giúp các cơ sở GDĐH đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Về tài chính, đến thời điểm hiện tại 32,76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Từ 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở GDĐH tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng; thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Giảng viên thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ.
Bộ GD-ĐT cho rằng, tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi; hướng tới thực chất và phát triển bền vững. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà có xu hướng giảm, tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh. Từ năm 2019-2021, các trường có nhiều phương thức để tuyển sinh.
Báo cáo cũng nêu rõ, còn những trở ngại, vướng mắc trong lĩnh vực tự chủ đại học như sự thiếu đồng bộ giữa các luật, hạn chế về phương thức quản lý của cơ quan cấp trên; nguồn kinh phí hạn hẹp, ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục; hạn chế về chính sách tự chủ về quản lý tài sản công, quản lý đầu tư công và khai thác, sử dụng các nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước; hạn chế về phân cấp, phân quyền và thực hiện quy chế dân chủ của các trường. Đặc biệt là hạn chế về nhận thức, từ nhận thức vai trò, vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của HĐT đến nhận thức và năng lực của cán bộ…
Trong giai đoạn tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nền giáo dục Việt Nam theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình hội nhập và phát triển của đất nước thời kỳ cách mạng công nghệ số.
Trung Kiên
(thanhuytphcm.vn)
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 916
Trong tháng: 8073
Tổng truy cập: 617628